Cuộc hành trình của tôi sẽ xuất phát từ Hà Nội và đạp tàn tàn đến Sài Gòn với thời gian là 3 tháng. Tôi chọn hướng đi như thế là sẽ tận dụng mùa gió bắc, thuận buồm xuôi gió, chứ đi ngược gió mệt lắm.
Tôi là người chịu trách nhiệm về vấn đề vận chuyển, chỗ ăn uống và chỗ nghĩ qua đêm, với chi phí của chung. Công việc của Kenneth là thiết kế trang web về cuộc hành trình cùng với huy động quỷ từ thiện ( từ Đan Mạch), cho việc tôi có đủ tài lực để thực hiện những bữa ăn ngon cho các em mồ côi mà chúng tôi sẽ ghé thăm.
Du ngoạn bằng xích lô sẽ giúp tôi gần gũi với những người tôi sẽ gặp trên đường và cũng là một cơ hội đọc đáo để cho tôi giảm cân.
Để tránh sự lo lắng và chuyện bàn ra của gia đình hay bạn bè, nên chỉ có vài người bạn thân thiết mới biết về chuyến du ngọan của tôi vào giờ phút cuối mà thôi.
Kenneth bên Hồ Hoàn Kiếm trước cuộc phiêu du.
Chỉ vào mùa lạnh mới có món bún sứa và mắm tôm.
Trong phố cổ, lề đường đi bộ được thương gia tận dụng tích cực.
23 tháng 3, 2011 cuộc hành trình bắt đầu, trễ hơn dự định 2 ngày, vì công ty vận chuyển gửi lầm xe từ Nha Trang đến Sài Gòn (thay vì phải gửi theo địa chỉ nhận là Hà Nội).
Tìm đường để trở ra QL.1 thật không đơn giản. Ngoại ô Hà Nội thay đổi khá nhiều.
Xe xích lô được một người bạn thân ở Nha Trang tìm giùm, tại 1 tiệm ve chai trên đường Lê Hồng Phong. Tôi mua xe trước cuộc hành trình 1 tuần, với giá 1.500.000 đồng. Sau đó tôi thay cặp bàn đạp xe, các bạc đạn, 3 cặp vỏ ruột mới, thay bố thắng, may lại mái che mưa và yên xe mất them 1.500.000 đồng. Miếng che dây sên tôi cũng làm thêm, nhưng sau 2 tiếng hành trình đã bị rớt ra.
Chỉ cần 1 cái dốc thoai thoải, là chúng tôi phải xuống xe để đẩy. Tôi không ngờ đạp xích lô sao lại nặng thế? Bây giờ tôi mới thấy kính nể và khâm phục những người hành nghề xích lô.
Bánh mì, món ăn sáng nhanh và lẹ. Anh bạn tôi mãi tới gần 10 giờ sáng, mới đòi ăn sáng. Khổ nổi vào giờ ấy ở miền Bắc làm gì còn hàng sáng?
Vụ lúa đầu xuân.
Tham quan khu du lịch Tràng An, Ninh Bình. Nơi đây có tới 2000 chiếc xuồng để phục vụ du khách. Vào những ngày thường, người chèo xuồng phải đợi 2-3 ngày mới đến phiên mình. Mỗi chuyến như thế là mất từ 2-3 tiếng và họ đảm nhận luôn việc giới thiệu về khu vực này. Vì thu nhập ít, họ kín đáo mời khách mua ít nước giải khát. Các bạn nếu có đi, thì đừng quên gửi các người chèo đò một ít tiền nước nhé.
Giao thông Việt Nam.
Nếu tôi không đưa được yên xe lùi ra phía sau, hay là nâng cao thêm, thì 2 đầu gối của anh bạn tôi cứ phải đập vào thành lái.
Lúc đang dừng để nhường đường cho xe lửa.
Săn bắt sò ốc khi thủy triều bên Sông Ghép.
Có ai muốn mua chó không?
Ah đây rồi, thịt cầy.
Cái yên lại bị xộc xệch. Làm tôi phải lôi đồ nghề ra để sửa.
Đoạn đường hôm nay hơi dài. Chúng tôi chiều nay khá mệt, nên chúng tôi nghỉ mệt nhiều lần. Đâu đâu chúng tôi cũng nhìn thấy được nụ cười.
Chiều nay mưa rơi lách cách. Vừa thấy khách sạn đầu tiên, chúng tôi mừng rỡ tấp vào liền. Mấy cô nhân viên được cơ hội đạp thử xe.
Tối nay Kenneth cho tôi hay là anh ta bị đâu đầu gối, anh ta bàn với tôi là nên bỏ xích lô và hãy mua 2 chiếc xe đạp, để tiếp tục cuộc hành trình. Tôi mới nhắc lại cho anh ta biết là tôi cách đây 7 năm đã từng khắc phục đoạn đường này một mình bằng chiếc xe đạp mini, thì giờ này không có một lý do nào để tôi phải loại bỏ chiếc xích lô của tôi ra khỏi cuộc hành trình.
Sáng nay là ngày thứ sáu của cuộc hành trình. Mới rời khỏi khách sạn được khoảng 1 cây số, gặp tiệm bán xe đạp đầu tiên, Kenneth tấp xe vào liền. Tôi giúp anh ta trả giá xuống còn 1.400.000 đồng, rẻ hơn được 100.000 đồng.
Tôi ghé mua ít xoài tại chợ Sy, Diễn Thanh. Mấy ngày qua tôi hơi bị cảm ho, nên cần phải bổ xung thêm chất C-vitamin.
Ở miền Bắc xe đạp còn được sử dụng khá phổ biến, hihi không ô nhiễm môi trường.
Tình cờ khi tìm được một chỗ kín đáo để xả nước, vậy mà cũng có người phát hiện và mời chúng tôi mỗi ngừơi uống một cốc rượu thuốc để tăng them xức lực. Nào cạn ly nhé.
Chủ nhân của chai rượu quý.
Sự hiếu khách của người Việt ta thật quý mến.
Sự hiếu khách của người Việt ta thật quý mến.
Một người đi ngang đường chúc chúng tôi cuộc hành trình bình an.
Chiều nay trời hơi mưa lách tách.
Tới TP. Vinh rồi, coi như là tôi đạp được hơn 75 km ngày hôm nay.
Tối nay tại khách sạn có một số nhân viên đã tự động lấy xe tôi đi chơi mà không hỏi ý kiến.
Tôi mới đạp vừa đến công viên Lenin là mưa ụp xuống tầm tã. Chỉ có con Mike là không bị ướt thôi.
Một lúc sau trời bớt mưa.
Đến gần trưa có một anh bạn, tên Tùng, chay dọc đường mời ngừng chân uống nước.
Bác tài xế này có một nụ cười rất tươi.
Các em hoc sinh nhỏ này đang trên đường về nhà. Các em đạp cùng với chúng tôi một đoạn đường khá xa.
Các ống tre là dụng cụ bắt lươn. Sáng sớm nay trước khi đến trường học, các em đã bắt được một ít lươn và mang ra chợ bán.
Các chiếc xe đạp này chở xe cút kít để đi hốt cát. Chiều nay tại TP. Vinh trời vẫn mưa nho nhỏ.
Ở đây cũng như nhiều nơi khác, toi không thể mua ly ca cao cho anh bạn tôi. Nhưng nhờ có 3 người sinh viên đang chờ xe buýt về Hà Tĩnh, trò chuyện với Kenneth, làm anh ta cũng đỡ phần tức bực. Tôi thì đang thỏa mản với ly cà phê, tuy là không ngon cho lắm.
Chúng tôi dừng lại dùng bữa trưa tại thị trấn Voi. Hôm nay cả hai chúng tôi đều thấy lạnh đến run cả người. Ước gì được hưởng một ngụm rượu cho ấm lòng, hihi, nhưng tôi không được mời.
Chuộng Tây chê Nội chăng?
Có bạn nào bị đâu nhức răng không? Ông thầy này hay lắm. Nếu mà ông ta dọn về Sài Gòn thì mau thành đại gia lắm nhỉ.
Các khách sạn và nhà nghỉ tại thị trấn Kỳ Anh đều hết phòng. Chúng tôi phải đạp tiếp ra ngoài bìa thị trấn, mới tìm được một nhà nghỉ củ kỹ bên bờ sông. Thắng cảnh tuyệt vời, nhưng phòng thì ẹo ẹo.
Gần đây không có quán ăn nào đặp vào mắt tôi. Cũng hên là có lò bánh mì nằm gần đó. Thế là bữa chiều hôm nay là bánh mí mới ra lò cùng ăn với xúc xích bột.
Nhìn trên bản đồ, tôi thấy đoạn đường kế tiếp sẽ không có một thị trấn nào nằm trên QL1. Tôi đã mua thủ 2 ổ bánh mì nóng hổi trước khi rời khỏi nhà nghỉ.
Trên đường thì chúng tôi dừng lại một chợ làng ven đường để mua them ít trái cây.
Ah sáng nay trời đã tạnh mưa.
Dừng picnic tại bờ hồ Đồng Lợi, thắng cảnh tuyệt hảo.
Chai Coca Cola là của riêng tôi, tôi cần phải nạp năng lượng nhiều lắm. Kenneth thì không dám uống, vì sợ mập.
Một ông già làng trên đường lên đèo lượm củi. Tôi mời ông ta cùng dùng bữa trưa. Ông ta rất tự trọng và cùng chia sẻ một trái cam với chúng tôi mà thôi.
Bên dưới bảng quảng cáo phía sau lưng ông già, đang có vài người bận rộn nhét thóc vào họng gà. Làm như thế, chút nữa họ mang gà tới điểm bán, sẽ cân được nặng ký thêm, xảo thuật nghề nghiệp đấy.
Mới hơn 1 giờ trưa là chúng tôi đã tới một ngã ba để rẽ vào TT Ba Đồn, điểm dừng của chương trình hôm nay.
Tôi vào một quán nước bên đường để hỏi thăm tin tức, mọi người đều hướng dẫn tôi nên chạy tiếp mười mấy cây số nữa, sẽ tới Thanh Khê, có nhiều nhà nghỉ sạch đẹp.
Lúc này tôi phát hiện, một đế giầy của tôi bị rớt rồi.
Cũng đúng như lời đồn, nơi đây có nhiều nhà nghỉ sạch đẹp. Tôi thấy rất làm lạ, là nơi đây lại có rất nhiều ngôi nhà rộng đẹp va lộng lãy. Tìm hiểu rõ tôi mới biết là gia đình nào ở đây,hầu như đều có hội viên trong nhà đi lao động nước ngoài hay là Việt kiều.
Chiều nay là ngày thứ 9 của cuộc hành trình, và theo cọc số bên đường thì chúng tôi cách xa Hà Nội đưôc 442 km.
Chúng tôi đi dạo phố và tiện thể ghé vào chợ để mua ít trái cây. Mọi người ở đây rất là tươi vui và hiếu khách.
Sáng nay chương trình của tôi là sẽ đạp 70 km, địa điểm tới là Kiến Giang, Quảng Bình. Trước khi lên đường tôi mời anh Bình dùng chung bữa sáng. Tôi làm quen với anh Bình hồi chiều hôm qua và được biết anh ta đã từng ở 10 năm bên Đức. Bây giờ thì anh ta trở lại quê hương làm nghề sửa xe.
Chúng tôi đến Đồng Hới vào gần giờ trưa. Bắt đầu hôm nay chúng tôi mới kính nể cái nóng của ông mặt trời.
Lúc này tôi mới có cơ hội ghé vào một quán cà phê, để được thưởng thức ly cà phê đấu tiên trong ngày. Đến bây giờ tôi mới biết anh bạn của tôi không mấy vui vẻ và hòa đồng mỗi lần tôi uống cà phê, vì anh ta không hiểu tập quán cà phê của quê hương ta. Trong khi đó tôi nhiều lần phải vội uống ly cà phê trong vòng 15 phút, để khỏi làm mất thời gian của chung.
Hầu như anh ta muốn chạy đua với thời gian? Thậm chí anh ta còn không muốn nghỉ lại Đồng Hới để đi thăm quan động Phong Nha. Tôi thì đã ghé động Phong Nha vào dịp trước rồi.
Trong quán cà phê có vài người trong hội chơi Vespa cổ, và tôi đã được dịp làm quen với anh Hải và anh Đăng. Họ cho tôi biết thêm về những thông tin đoạn đường kế tiếp của chúng tôi và giới thiệu cho tôi biết về trang Phượt. Các bạn biết ai đứng chính giữa không?
Hình mờ quá, chắc vì anh bạn tôi không uống cà phê, nên tay bị run.
Trò chuyện với 2 anh ta một chút là chúng tôi lại tiếp tục lên đường. Nếu mà tôi đi một mình, thì tôi đã ở lại Đồng Hới chơi chiều nay, để được dịp làm quen với 2 người bạn mới này.
Rời khỏi Đồng Hới khoảng 2 tiếng đạp xe, chúng tôi ghé vào nhà văn hóa của thôn Phú Lộc, nằm bên hông sông Kiến Giang để nghỉ ăn trưa. Thắng cảnh ở đây thật tuyệt vời.
Tôi cảm thấy trong người rất mệt mỏi và chỉ muốn nằm ngủ một giấc.
Những đứa bé rất mắc cỡ, tại Chợ Cươi, Thanh Thủy, Lệ Thủy.
Theo bảng quảng cáo bán thuốc thoa bóp đâu nhức cổ truyền ở ngoài đầu đường. Tôi tìm đến nhà Sáu Thoan, và tình cờ mới biết anh ta là võ sư của môn phái Thiếu Sơn Phật Gia. Anh ta đạt được nhiều huy chương vàng của môn nội công.
Vừa được mời vào nhà dùng trà mà còn được thưởng thức một màn biểu diễn miễn phí, quá đã.
Buổi sáng sớm, trời vẫn còn lạnh.
Đến gần giờ trưa, tôi mới dừng chân để được thưởng thức ly cà phê trong ngày. Lý do là buổi sáng mát, ngồi uống cà phê mất thời gian, khuôn mặt của bạn tôi sẽ không được vui cho lắm.
Trời nắng nóng mà anh này lại kéo xe bằng chân không, những người này mới đáng khâm phục.
Chúng tôi dùng bữa chiều tại quầy bán Miến Chay nổi tiếng nhất chợ Đông Hà.
Ngon, cực rẻ và rất đông khách.
Ngon, cực rẻ và rất đông khách.
Khách sạn tại Đông Hà có Wifi, nên Kenneth vui lắm, đã 3 hôm rồi anh ta không lên được mạng. Tôi thì mỗi chiều tối là ôm cái bản đồ để lên kế hoạch cho chặn đường ngày mai. Việc lên mạng để toan thông tin cho quần chúng, tôi không hề có thời gian. Đã vậy gần tối còn phải cho con Mike nó ăn và đi dạo phố 1 vòng ngắn với nó.
Vết xì xe đầu tiên. Anh bạn tôi hơi vụng về, làm tôi ngứa mắt quá, rút cuộc cũng phải nhúng tay vào việc.
Đáng nhẻ ra, theo thông tin quần chúng, là chúng tôi sẽ gặp ông thầy chùa, Nhất Bộ Nhất Bái, ở đoạn đường này, nhưng chúng tôi không gặp, có thể ông ta đã đi nghỉ sớm.
Ông ấy mua lại ve chai nơi thôn quê mà ông sinh sống rồi chở vào vựa ở Huế để bán lại. Ông ấy được chủ vựa cho nghỉ lại và cùng dùng bữa cơm chiều tại đấy.
Sáng hôm sau ông lại chạy xe không ngược lại và cứ như thế là ông đạp hơn 40 km mỗi ngày. Sau 10 ngày gian nan trên đường mặc dù mưa gió, ông mới về lại nhà một lần và hy vọng sẽ mang về cho bà vợ già khoảng 500.000 đồng mỗi lần. Cái hay của người đàn ông này mà tôi quý mến, là không than vản mà khi kể chuyện, lúc nào cũng nở nụ cười rất tươi.
Vậy bạn có nghĩ là cuộc đời bạn khổ sao?
Đây là một bà mua bán ve chai rong. Bà ta không hiểu tại sao tôi phải mất thời giờ để chụp hình một kẻ xấu xí và khốn khổ như bà ta.
Trò chuyện với một anh xích lô, gần trung tâm Huế.
Chiều nay thì chúng tôi đi thăm quan Đại Nội.
Giờ tan trường, bên đường Lê Huân
Tô bún thịt nướng thơm ngon chỉ có 15.000 đồng, trước cửa chợ Đông Ba.
Anh bạn của tôi cũng thích ăn bụi nhưng lại hơi kén ăn. Có nhiều thứ anh ta không ăn được, như là cá loại bánh bột, ăn bún thì không biết gặm xương. Mà cũng không biết ga lăng cho con Mike, cứ phải để tôi lên tiếng xin, mới cho.
Gần lăng Tự Đức có một khu chuyên làm nhang và làm nón lá, tôi đang thử tài làm nhang.
Sau đó tham quan lăng Khải Định.
Chùa Thiên Mụ.
Hihi, người Tây ít có ai galăng lắm, hồn ai nấy giữ. Tôi cũng mua riêng 1 xâu cho đệ tử của tôi.
Chiều nay tại quán của một người bạn, chúng tôi được họ mời ăn một món đặc sản Huế, Cơm Hến, hihi, không có ớt a nha.
Tô cơm hến này thiếu đậu phụng rang. Đúng môt tô cơm hến là họ cho rất nhiều ớt khô, tô cơm hên sẽ có màu đỏ chói.
Sau 2 ngày nghỉ ngơi, chúng tôi lại lên đường. Đoàn đám ma này sao đông người thế, đạp hoài mà vẫn chưa vượt qua mặt được.
Cỡi trâu, bên đầm Cầu Hai.
Xe tải bị nổ bánh khi lên đèo.
Khúc nào dốc thoai thoải, tôi cũng cố gắng đạp. Xe hàng nào cũng bò, quá tải mà.
Đẩy xe sát lề bên ngược chiều sẽ an toàn hơn.
Qua được đèo Phước Tượng là tôi phải nạp một chai nước ngọt và gần 1 lít nước.
Một lò sản xuất dầu Tràm, nằm ở cuối chân đèo Phước Tượng.
Đèo Phú Gia ngắn hơn đèo Phước Tượng, nhưng lại nguy hiểm hơn.
Xe xích lô không thể đổ đèo được, rất nguy hiểm. Thắng thì không ăn, 2 bàn đạp thì quay theo, còn gặp hố gà là toi mạng. Dìu xe xuống là thượng sách.
Nhờ thế dân địa phương đã tạo được món đặc sản, Mắm Sò Lăng Cô, ngon lắm.
Cục căn xe, một dụng cụ rất quan trọng cho các xe quá tải khi lên và xuống đèo.
Chiều nay tôi mượn đươc xe gắn máy của một người bạn và chúng tôi chạy lên đỉnh đèo Hải Vân. Trên đỉnh đèo rất lạnh và nhiều mây, tầm nhìn bị hạn chế. Lúc về lại chúng tôi đã chiêm ngưỡng được cảnh hoàng hôn tuyệt đẹp của làng chài Lăng Cô.
Để vận chuyển chiếc xích lô qua hầm Hải Vân, các nhân viên ở đây không biết là phải lấy bao nhiêu? 2 vé xe gắn máy?
Ok, rất hơp lý, hihi, re quá đi chứ.
Những quầy hàng này đang chuẩn bị món Cao Lầu cho du khách vào buổi chiều tối.
Ngôi nhà xưa, một vẻ đẹp dịu dàng của phố cổ.
Giờ tan học, bến đò Hội An.
Sáng nay ngày 08 tháng 04 chúng tôi lại nghỉ xả hơi 1 ngày ở phố cổ.
Vì Kenneth kén ăn, nên tôi đi ăn vụng một mình, rất thoải mái.
Tô bún hến và thịt heo luộc + mắm tôm chỉ có 12.000 đồng.
Tôi tình cờ làm quen được nhà văn Diễm Diễm, ông ta cho tôi biết.
Ở Hội An có tới hơn 3.000 thợ may. Họ sẵn sàng phục vụ hàng may cho khách du lịch một cách nhanh chóng trong thời gian ngắn.
Tuy bị tật ở chân, hai bàn tay anh ta lại khéo léo.
Đây là sợi cao lầu được phơi khô.
Quán Cao Lầu Liên là sự lựa chọn hàng đầu của người dân địa phương. Hàng này chỉ bán vào buổi chiều.
Mấy năm về trước, ở Hội An không có xích lô. Bây giờ thì phố cổ có khoảng 200 chiếc.
Lâu lắm rồi tôi mới có diễm phúc này.
Nhờ chú Diễm Diễm chỉ đường, chúng tôi nhanh chóng quay trở ra QL.1.
Làng Phước Kiều, có nghề truyền thống làm đồ đồng và trống.
Chợ heo Bà Rén. Kenneth chứng kiến một cảnh náo nhiệt, khi một chú heo con xém nữa phóng được xuống sông để tẩu thoát.
Đến Tam Kỳ ở ngay trung tâm thì khách sạn giá hơi cao. Những nhà nghỉ giá rẻ lại không đăng ký cho người nước ngoài.
Thế là chúng tôi phải đạp ra ngoài bìa. Phòng nghỉ không có 2 giường, lần đầu tiên chúng tôi phải ngủ mỗi người một phòng đơn sơ như thế này, uhà.
Sáng nay chúng tôi rời khỏi nhà trọ u ám từ lúc mặt trời chưa mọc. Vì thế mà mới đầu giờ trưa, chúng tôi đã tới TP. Quảng Ngải.
Phơi lúa dọc đường, Sa Huỳnh.
Chiều nay chúng tôi có dịp ra biển tắm.
Một nghệ nhân chơi cây kiểng.
Đến sáng nay, chúng tôi đã đạp được 1000 km, giải thưởng cho sự nỗ lực đó, 1 lon nước ngọt.
Vận chuyển hột vịt, tại TT. Phù Mỹ.
Chìa khóa không mở phòng được, chủ nhà nghỉ đã có cách, hihi.
Ngày hôm nay lần đầu tiên tôi có ý nghĩ sẽ dừng chân tại Nha Trang. Những chặng đường vừa qua tôi phải đẩy xe lên dốc rồi dìu xe xuống dốc, trong lúc nắng gắt, thật là không thú vị gì hết.
Đến Quy Nhơn tôi có dịp thay bộ nhông sên mới.
Tôi chưa bao giờ uống được nước ép chất lượng như nơi đây. Chúng tôi nóc mỗi người 2 ly.
Bãi biển Quy Nhơn về chiều, đẹp nhưng rất ít du khách.
Đường đến Sông Cầu không xa, nhưng tôi biết nhiều dốc. Tôi bảo Kenneth hãy chạy tới điểm hẹn trước, lấy lý do là vì anh ta đang muốn cảm, không nên gian nắng nhiều. Còn tôi thì từ từ đẩy xe đi sau một mình.
Đạp một mình tôi cảm thấy thoải mái vô cùng. Không có bị áp lực là người khác đang đợi mình. Chỗ nào đẹp hay là tôi mệt là tôi ngừng.
Bên cầu Bình Phú, đầm Cù Mông, nơi đây rất đẹp.
Cơ sở làm rượu thuốc. Nào là bìm bịp, tắc kè, hải mã, ốc giác, sao biển, rong biển… Tôi chưa uống thử. Nhưng tôi thấy toàn là đồ thiệt, Xuân Cảnh.
Ra khỏi TT. Sông Cầu tôi phải đẩy xe lên một cái dốc rất cao, tôi phải ngừng lại để lấy sức hết 3 lần. Xuống dốc tôi cũng phải chịu cực nhọc như lúc lên dốc.
Kenneth thả dốc vừa rồi là bị bay bố thắng luôn. Cũng hên là ngay phía dưới dốc có 2 cha con người thợ này, họ mới ngủ dậy. Anh con trai phải chạy xe gắn máy vào Sông Cầu để mua phụ tùng về thay.
Trong khi Kenneth chờ, thì tôi lại lên đường một mình.
Phơi rơm lấn chiếm tuyến đường 2 bánh. Hễ có xe lớn đi ngang qua mà họ bóp còi, là đầu ốc tôi đau nhức nhối.
Mà hôm nay lại có cơ hội đạp một mình, nên không sao cả, nghe có tiếng xe phía sau, là ủi vào lề dừng liền.
Vì không thấy Kenneth chạy qua mặt, tôi gọi điện và biết anh ta đã tìm được nhà nghỉ ở Tuy Hòa. Anh ta vượt qua tôi lúc nào mà cả hai chúng tôi đều không biết? lạ thật.
Cầu xe lửa, Tuy Hòa.
Kéo lưới cũng phải đội mũ an toàn.
Trại vịt dọc theo QL.1
Khai thác đá chẻ dưới chân đèo Cả. Một người thợ giỏi có thể đẻo 100 viên đá chẻ 1 ngày.
Chiếc xe tải đá này sẽ vận chuyển chúng tôi lên đỉnh đèo với giá 300.000 đồng.
Anh bạn khó tính của tôi tưởng thế là mắc. Đầu anh ta cứ nghĩ rằng mọi sinh hoạt ở Vn đều rẻ mạc.
Dưới chân đèo là Đại Lãnh, một làng đánh cá nhỏ.
Bãi biển sạch đẹp và cạn, an toàn cho trẻ em. Mùa này không có du khách, hihi, chỉ có 2 thằng tôi.
Cơ hội đầu tiên và duy nhất để chúng tôi móc võng.
Tôi đã quyết định sẽ dừng lại Nha Trang vào ngày mai. Tôi gọi điện nhờ bạn tôi đến đón tụi tôi tại Ninh Hòa.
Tôi sẽ không đủ khí thế để đạp thẳng về Nha Trang và tôi cũng không muốn đẩy xe qua nhiều dốc nữa.
Phơi ruốc, Đại Lãnh.
Bánh canh hẹ và chả cá thu, đặc sản ở Đại Lãnh..
Giữa hình, ngay đám hàng dương, là nơi chúng tôi nghỉ lại ngày hôm qua.
Anh Tàu, bạn thân tôi ở Nha Trang đến đón chúng tôi bằng xe tải hàng ngay điểm hẹn, đèo Bánh Ít.
Theo lời hứa, tôi sẽ hướng dẫn Kenneth về tới Sài Gòn bằng xe gắn máy, còn anh ta thì phải tự đạp. Sau 5 ngày nghỉ tại Nha Trang, tôi dìu anh ta ra tận QL1 và chỉ đừơng cho anh ta đạp tới Cà Ná. Còn tôi phải quay lại Nha Trang để dự một buổi tiệc lễ gia tộc của một người bạn thân. Chiều đến tôi mới chạy xe về Mũi Né và tôi nhận được thông tin, là anh bạn tôi đã rớt đài tại đấy. Anh ta không thể đạp được nữa.
Lý do chính mà tôi ngưng cuộc hành trình là vì anh bạn tôi không có hoạt bát (không hề nói chuyện về gái, không uống bia, không hút thuốc, không uống cà phê, không nói được câu Cám Ơn). Đi du lịch như anh ta là muốn đạt được mục đích mà không cần nội dung.
Tôi thì ngược lại, tôi muốn đi du ngoạn, đi đến đâu hay đến đó, tôi không có mục đích là mình phải đạp về tới Sài Gòn.
Cuộc hành trình của chúng tôi về tới Nha Trang là 28 ngày. Tiền chi phí chung tổng kết là 11.275.000 đồng, rẻ nhỉ, đúng không các bác? Đi chung với một thày tu mà lại, hihi.
Ngoài ra cà phê, nước ngọt, những bữa ăn mà tôi ăn vụng và các bữa ăn cho con Mike là tiền riêng của tôi.
Đối với tôi cuộc hành trình kết thúc tốt đẹp, tôi đã học hỏi rất nhiều và thú du ngoạn Xuyên Việt của tôi còn vẫn còn tiếp tục…
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét