Theo tôi được biết, chiếc tàu này đi ra đảo Thổ Chu 1 tuấn 1 lần.
Anh Hải giúp tôi mua vé của hãng Savanna với giá 320 ngàn. Anh cũng thật tình kể cho tôi biết là anh ta kiếm được 10 ngàn huê hồng.
Tôi thì phải tốn thêm 50 ngàn cho việc vận chuyển xe đạp và bốc xếp. Chiếc xe đạp của tôi là không cần viết phiếu, lương thêm ngoài luồng. Còn tiền bốc xếp thì cũng ngoài luồng luôn.
Tàu này thuộc hãng Superdong. Cũng xuất bến đi Rạch Giá sau tàu Savanna 15 phút.
Tàu xuất bến rất đúng giờ, trưa nay ngoài biển trời rất êm và chỉ sau hơn 2 tiếng là tàu cặp bến tại Rạch Giá.
Hãng phim Cửu Long phục chế chiếc tàu này, để đóng phim về anh hùng Nguyễn Trung Trực. Chiếc tàu được neo bên phía sông trước cửa Đình Thần Nguyễn Trung Trực.
Tôi thấy nghệ thuật đóng chiếc tàu này cũng gần như chiếc tàu tôi thấy tại hồ cá Trí Nguyên, Hòn Miễu, Nha Trang. Tôi chỉ thốt lên một tiếng "MILIKET".
Tôi thấy ở Rạch Giá không có món gì đặc biệt, tôi ghé bên hông chợ ăn 1 ổ bánh mì với chả cá chiên nóng hổi, chỉ có 6 ngàn mà thôi.
Tôi tìm được một nhà nghỉ gần chợ. Tôi hỏi có wifi không thì ông chủ nói có. Khi lên phòng, thì tôi thấy cũng không sạch sẽ cho lắm. Bật máy lên thì mới biết wifi ở đây là sài ké wifi của những nhà nghỉ, ks kế bên. Máy tôi yếu nên không bắt sóng được.
Tôi thử liên lạc với anh Hồng Lĩnh, một người bạn mà anh Khuê đã giới thiệu cho tôi, nhưng tôi không liên lạc được.
Khi tôi hỏi ông chủ khách sạn và vài người trên đường về những món lạ tại đây, thì họ đều lắc đầu không biết. Tôi cũng gọi điện cho một người bạn và hỏi ý kiến, anh ta trước kia từng ở đây và anh ta cũng không thấy có quán nào đặc biệt để hướng dẫn tôi tới.
Họ không biết thì tôi đi mò vậy. Tôi đạp xe lòng vòng, tôi chỉ thấy đây có nhiều quán ăn chay và nhiều quán Phở 44 mà thôi. Nhưng rồi tôi cũng phát hiện ra một quán nằm gần chân cầu Ngô Quyền. Quán này chỉ bán món Cháo Quảng và rất đông khách.
Đây là một tô cháo gồm có thịt heo viên, cật và tim sắt mỏng. Món này ăn kèm chung với gừng thái chỉ và giò cháu quảy.
Tối đến mà khu chợ mối trái cây vẫn còn hoạt động tấp nập.
Rất tiếc là tối qua khi đảo một vòng thành phố Rạch Giá, tôi không thấy một món gì gọi là đặc trưng của nơi đây, nên tôi muốn đi tiếp. Chúng tôi chỉ trao đổi được vài câu trong bữa ăn sáng, thì anh Hồng Lĩnh phải đi làm và tôi thì lên đường.
Chương trình của tôi là hôm nay phải đạp tới tt. Vĩnh Thuận. Thấy đoạn đường cũng khá xa, nên tôi muốn khởi hành sớm. Con đường Nguyễn trung Trực để ra khỏi tp. Rạch Giá sao mà như dài vô tận và kéo dài cho tới Rạch Sỏi. Tại đây tôi rẽ sang phải và khi đi ngang qua chợ, tôi thấy 2 xe chuyên bán món Cơm chiên Dương Châu, tối qua tôi thấy kiểu bán này ở Rạch Giá mà tôi chưa thử, bây giờ tôi phải thử, chứ có thể mai mốt tôi qua các nơi khác, lỡ họ không có món này.
Hộp cơm chiên Dương Châu đặc biệt chỉ mất có 15 ngàn, nhưng tôi vừa ăn sáng và vẫn còn no lắm, tôi bỏ hộp cơm vào thùng đá để lát nữa mới ăn.
Anh ăn tương ớt không? Không dám đâu, nhìn thấy mầu không là đã bị dị ứng rồi.
Tôi đạp tiếp và đạp mãi và vẫn không thấy cây đèn xanh đèn đỏ, để quẹo phải xuống bến phà, như mọi người chỉ tôi. Tôi phải đạp cho tới Minh Lương lúc đó tôi mới thấy cây đèn mà họ tả, lúc này tôi quẹo phải và chỉ cần đạp thêm 4-5 km nữa là xuống tới bến phà Tắc Cậu.
Thấy mấy đứa nhỏ Khmer xin nước, tôi đưa cho chúng 1 chai 1½ lít mà tôi mới mua. Và tôi cho chúng luôn bịch kẹo, mà tôi thường thủ theo, để dụ con nít, hihi.
Phà chạy cũng khá lâu, nên tôi được dịp trò chuyện với nhiều người trên phà, vì ai nấy cũng thắc mắc là tôi đi bán gì thế? Có vài người nhiệt tình hướng dẫn tôi cách đi. Họ giải thích là từ bến phà Xẻo Rô đến Công Sự là đường như cùi chỏ. Nếu tôi đạp theo QL63 thì vừa xa và trên đường không có bóng mát.
Tôi đã nghe lời hướng dẫn của họ, và khi ra khỏi phà, tôi đạp phải hơn khoảng 5 km, tôi mới thấy một ngã 3, với hướng chỉ dẫn đi đến Thứ Hai. Tôi phải đạp qua cầu và lối rẽ trái nằm ngay dưới chân cầu, nếu đạp lẹ thì tôi sẽ không phát hiện được ngã ba này. Đoạn đường nông thôn này chỉ rộng khoảng 3 mét và rất ít xe qua lại. Đúng như lời nói, con đường có nhiều bóng mát, tuy nhiên con đường này hơi gồ ghề, tôi cảm thấy là tôi phải đạp nặng hơn.
Cũng hên là tôi dừng lại một quán nước và được ông chủ quán chỉ tiếp cho tôi một đoạn đường đi tắt khác và gần thêm vài km. Tôi ghi chép lại những lời ông ta chỉ, rồi cám ơn và đạp tiếp.
Tôi đạp thêm khoảng 6 km, thì tôi thấy một cái chợ nằm bên tây phải, gọi là Chợ Xã. Tôi thấy gần đó có một chị bán bánh khọt, tôi ghé vào ăn thử và để hỏi đường đi tiếp.
Bánh khọt chị ta làm vừa có nước cốt dừa và đậu xanh hấp chín.
Nhưng dĩa rau thì đặt biệt là rau rừng, chỉ có rau húng quế là rau trồng. Trong dĩa rau nào có: lá cách, đọt xộp, lá cát lồi, đọt xoài và lá nhào. Lá nhào cũng có thể xào hay luộc, trị được bệnh đau lưng, chị ta giải thích cho tôi biết.
Ăn xong, tôi đạp tiếp ngang qua chợ và ra đến một con đường làng làm bằng tắm đan với bề ngang không tới 1,5 mét. Cứ mỗi lần mà có xe qua lại, là tôi phải nép mình vào sát bên lề bên phải, hễ mà yếu tay lái là lọt xuống lề và có cơ hội lọt xuống ruộng. Đạp trên đường bê tông tôi thấy không phải cần nhiều sức như lúc nãy.
Tôi đạp một tý là đến một ngã ba, tôi phải rẻ trái và dẫn xe lên một cây cầu cao dựng đứng.
Qua phía bên kia cầu tôi rẻ trái, chạy vòng vo một hồi, tôi lại gặp môt ngã ba, tôi lại rẽ trái qua cầu. Qua bên kia cầu lại có một ngã ba, tôi gặp 2 anh chàng thanh niên và họ chỉ tôi cứ đi thẳng tiếp là tới Công Sự.
Tôi đạp thêm khoảng 2 km thì tôi ghé lại một quán nước mía. Trò chuyện, họ mới biết là tôi bị chỉ đường sai, nếu tôi đạp tiếp như 2 gã thanh niên chỉ lúc nãy, thì tôi cũng sẽ ra Công Sự, nhưng xa lắm. Họ khuyên tôi là đạp ngược về ngã ba lúc nãy, rồi rẽ trái, khi qua bên kia cầu là rẽ phải, con đường đó sẽ dẫn tôi ra lại QL63. Nhờ trò chuyện với họ, tôi được biết thêm một ít thông tin về ẩm thực tại đây, đó là mắm cá lóc, mắm cá sặc, mắm cá rô và khô cá sặc rằng. Nguồn cá ở đây ngon là vì được đánh bắt từ thiên nhiên. Cách làm mắm nơi đây tôi thấy cũng như là cách làm mắm của Châu Đốc, nhưng bà chủ quán chỉ tôi một chiêu mới, đó là khi vô thính bà chỉ cần trộn thêm một muỗng cà phê, sẽ làm tăng thêm hương vị của mắm.
Khi ra lại QL63, tôi mới thấy hồi năm ngoái tôi quyết định không đạp xích lô đến Rạch Giá là một đáp án quá hợp lý. Mang tiếng là đường quốc lộ, nhưng bề rộng tôi nghĩ chưa tới 4 mét, 2 mép đường thì cao cách mặt đất cũng phải hơn 5 cm. Tôi nghĩ nếu đạp xích lô mà tôi bị ép xuống lề, là xích lô sẽ bị lật liền. Còn nếu tôi đạp trên con đường gồ ghề và u u như thế này, thì tôi không bị méo xương sống thì cũng tốn khẳm tiền cho các em massage.
Đạp ngang qua khu ngã 5 Bình Minh tôi thấy có nhiều sạp bán dưa gan và dưa lê đường, tôi cũng phải ghé mua ăn thử. Một ký dưa lê đường ở đây chỉ bán với giá 5 ngàn mà thôi. Tôi mua 2 ngàn mà bà chủ sạp còn muốn tặng tôi thêm một quả. Tôi phải giải thích là chỉ mua ăn thử, chứ tôi không thể mang nhiều trên chiếc xe nhỏ bé của tôi đươc.
Tôi đạp dọc theo một con kênh, nới đây tôi thấy ghe cộ qua lại tấp nập.
Tôi đạp tới Vĩnh Thuận vào lúc 5 giờ chiều. Ở đây được cái là nhà trọ rẻ và khá sạch. Tôi nghỉ lại phòng đơn có máy lạnh chỉ mất có 100 ngàn thôi.
Chiều tối tôi ghé ra chợ khi thấy không có món gì lạ, tôi đành ăn bún mắm. Bún mắm ở nơi đây có nghĩa là bún cá, chỉ có nước lèo, bún, cá lóc, rau muống, bắp chuối, giá, ít rau răm và húng quế. Vì đã có kinh nghiệm, tôi yêu cầu họ đừng nhúng rau trước, lý do là tôi không thích ăn nóng. Đặc biệt là ở đây cá lóc quá ngon, ăn thực là dai, tôi còn thấy cô bán bún dùng kéo cắt miếng cá mà không bị nát. Tô bún giá chỉ 15 ngàn mà thôi.
Mấy ngày qua tôi không có thời gian rảnh để viết lại hồi ức. Tối hôm nay tôi tranh thủ viết, cứ để dồn lại nhiều ngày thì e rằng tôi sẽ quên đi rất nhiều chi tiết.
Tôi nghĩ mình sẽ đạp qua khu vực vắng người, nên trước khi rời khỏi Vĩnh Thuận, tôi ghé vào chợ mua vài lon nước ngọt và ít nước đá thủ sẵn.
Ông chủ khách sạn muốn tôi ở lại chơi vài ngày, dể ông ta dẫn tôi vào mấy điểm du lịch nhậu đồ rừng. Ông ta đâu có hiểu tôi chỉ thích đi tìm món ăn dân dã mà thôi.
Tôi phát hiện sau này là nếu mình không thích chạy theo QL63 thì mình có thể chạy theo lộ đan bên kia con kênh. Cứ vài cây số lại có đò hày cầu để qua kênh.
Tôi chỉ mới đạp ra khỏi Vĩnh Thuận một chút là tôi phát hiện phía bên tay phải tôi có một chợ nổi nhỏ.
Hay quá, tôi muốn ăn sáng bên chợ nổi, nhưng họ chỉ có món bún cá và bún riêu thôi.
Ăn hoài hai món này tôi cũng thấy ngán, nên tôi đạp tiếp, hy vọng sẽ tìm được một món gì lạ cho bữa sáng nay.
Tôi thấy chợ nổi ở đây sạch hơn các chợ nổi khác mà tôi đã từng thấy.
Bông so đũa đỏ, trông đẹp mắt thật.
Tôi nghe bà bán rổ bông so đũa nói, là loại này ăn giòn hơn là loại trắng. Bà cho biết thêm vào đến mùa khô là hết bông, bây giờ họ chuẩn bị chặt cành đi, đợi qua Tết những trận mưa đầu xuân sẽ giúp cây nảy nở những cành mới và sẽ cho ra hoa tiếp.
Thấy chị này đang tráng bánh gì lạ thế?
Bữa ăn sáng của tôi đây, bánh dứa. Tuy với tên là bánh dứa, nhưng vỏ bánh thì được làm bằng bột nếp, còn nhân bánh là hỗn hợp: dừa nạo, đường và đậu phộng rang giã nhỏ. Bột nếp được trộn chung với ít nước để cho có chất kết dính, rồi cô gái dùng một cái rổ tre để lượt mịn một lớp mỏng bột đó đều lên chảo. Sau đó cô ta lấy cái nắp đậy lại, với ngọn lửa riu riu, sau 2-3 phút thì bánh chín. Xong cô ta cho một ít hỗn hợp đường, dừa, đậu phọng lên miếng bánh mỏng như bánh tráng và xếp bánh lại. Một cái bánh như thế chỉ tốn có 2 ngàn thôi.
Đoạn đường tôi đi qua hôm nay tuy hẹp, nhưng ít xe lớn qua lại, và trên đường cũng không có hoang vắng như tôi tưởng.
Ở vùng này họ chỉ ăn cá bắt ở ngoài thiên nhiên thôi.
Một lúc sau tôi dừng lại một quán cà phê và nơi đây tôi học hỏi được những bài học rất quí giá. Một ông khách cho tôi biết là vùng này trước kia có rất nhiều cá lóc, cá rô, cá phi… Ông cho biết là con cá khô sặc rằng mà chính người nông dân làm ăn rất ngon. Thứ nhất là cá vừa bắt lên rất tươi, thứ hai là họ tẳm chỉ đúng lượng muối vừa ăn, thứ ba là họ phơi khô kỹ càng. Còn cá khô mà mua ngoài chợ là trước tiên người buôn đi thâu mua cá từ đìa, rồi bán lại cho nhà làm khô, giai đoạn đó đã làm cho con cá mất đi độ tươi. Xong họ luôn ướp muối rất mạnh tay, để tránh cá không bị hư. Với lượng muối cao, thì họ cũng không cần phơi cho cá thật khô, mà vẫn có thể bảo quản được lâu.
Bài học thứ hai là ông cho biết con cá lóc nuôi là một giống cá được người ta phối hợp sau này, chúng ăn rất tạp vì thế mau lớn. Loại cá lóc này có thể nhận dạn bằng cách là: mỏ bằng, đầu dẹp và mình xám. Còn cá lóc thiên nhiên, nếu bắt về nuôi thì chỉ có lỗ vốn, vì chúng kén ăn và chậm lớn.
Phong tục của người dân ở đây là vào mùa mưa, khi nguồn thức ăn từ đồng ruộng cạn kiệt, họ sẽ mang con mắm hay khô ra chiên, nướng, kho,,, để ăn.
Khu vực này giờ đây cá đồng cũng không còn nhiều nữa vì phần nước biển mỗi năm lấn sâu vào. Hiện nay vào mùa mưa, thì họ canh tác được một vụ lúa, một số ít người nuôi tôm đất, tôm nước ngọt, theo kiểu thiên nhiên là không cho ăn. Đến mùa khô, khi nước mặn lấn sâu vào vùng đất này, họ tận dụng ao ruộng để nuôi tôm sú.
Thêm vào đó họ cũng nuôi cua và cũng như tôm đất, cua ở đây dược nui theo trang thái thiên nhiên. Trong rừng U Minh nơi đây có thêm một loạii đặc sản, đó là mật ong rừng. Như những mặc hàng khác, thì những món đặc sản không thể mua ở chợ được, vì những mặc hàng quý hiếm này khi ra đến chợ đã bị biến thoái, bởi lòng tham của con người. Nhờ yếu tố cà kê dê ngỗng của tôi, mà tôi học được cách thức thử nghiệm sao biết mật ong không nguyên chất? Người ta thoa một lớp mỏng mật ong lên tờ giấy, rồi đốt. Nếu mà ngọn lửa cháy lụp bụp, đó là mật ong pha, có nhiều nước trong mật ong. Nhưng nếu mà người nuôi ong, họ lấy mật ong rẻ tiền, để pha chung vào mật ong rừng, thì lúc đó chỉ có nhờ vào phòng sét nghiệm mới biết được.
Nơi đây cũng có bông điên điển, nhưng họ có nhiều loại rau để ăn, nên ít ai cần dùng đến loại hoa này như các vùng nước nổi.
Rau muống đồng, chủ yếu là ăn cọng thôi. Tôi nghe nói dùng để bóp gỏi rất ngon.
Sao hôm nay tôi lại học hỏi được nhiều thứ quá. Tôi thấy bên lề đường, một nhóm nhỏ vài người đang họp chợ. Dừng lại tôi phát hiện được một loại cỏ sậy, mọc dại ở những ruộng phèn, mà người ta cũng ăn luôn. Loại rau quả này được gọi là Đồng Năng hay Năng Bột. Người bán rau giải thích cho tôi là nào có thể ăn sống, bóp gỏi, nhúng lẩu hay xào. Họ đưa cho tôi vài cọng ăn thử, tôi cảm nhận một vị ngọt thoang thoảng, hơi bột và giòn. Mùa Năng là vào dịp cuối hè, có nghĩa là gần hết mùa mưa và thu hoạch cho đến cuối năm dương lịch. Tôi chợt nhớ đến một người quen tại Cà Mau, thế là tôi mua ½ kg Năng với giá chỉ 10 ngàn đồng, không mua lúc này biết bao giờ mới được thử. Tiện thể tôi mua hết luôn mớ bông so đũa. Chợ chiều bà bán rau chỉ lấy tôi với giá 15 ngàn 1 kg mà thôi. Rồi kế tiếp là bà bán chuối gần đó có vài bó rau the, thấy lạ quá mua luôn một bó với giá 2 ngàn, mua nải chuối giá 4 ngàn. Ôi chợ miền quê sao rẻ thật.
Nhiều người bán hàng ở đây sợ bà già này lắm, vì bã trả sát giá quá.
Toàn là cá đồng ngoài thiên nhiên.
Rau the ăn sống với cá nướng rất hợp gu, họ cho tôi biết và có tính chất trị bệnh tiểu đường. Rau the mọc ngoài thiên nhiên, nhưng vì được nhiều người ưa chuộng, nên người ta bây giờ trồng tại vườn.
Tôi đạp tiếp, chưa kịp vã mồ hôi, thì lại thấy một quán bánh xèo, bánh cóng và bánh khọt. Tôi cũng phải vào ăn thử coi có gì lạ không. Thì ra khu này cũng có nhiều quán bánh xèo lắm, khu này là xã Tân Lập, nằm cách xa Cà Mau khoảng 15 km.
Bánh xèo họ làm cũng thường thôi, chỉ có cái là con tép bạc ở đây rất ngọt, ngoài ra dĩa rau nào có: xà lách, giấp cá, cải bẹ xanh, cần nước, húng thơm, lá cát lòi, lá lược vàng (lá này là từ cây trồng ở vườn, trong thuốc nam , lá này trị bệnh ho, đau bao tử.. Tôi ăn thấy chỉ có vị hơi chát và có sơ như khi bạn kéo xi gum).
Một ông khách thấy tôi thích học hỏi, ông bước ra ven đường và bứt lên 2 nhánh rau, gọi là rau Nàng Hai. Có thể ăn như các loại rau sống, rau này trị bệnh gan rất tốt. Mỗi khi họ ăn là họ hái rau này ven bờ ruộng, chớ ăn rau mọc ven đường, ông ta dặn dò kỹ lưỡng cho tôi.
Người dân Miền Tây cho rằng, thứ gì mà bò nhai được là con người cũng ăn được. Hihi, dùng tạm hình con nghé nhá.
Ông khách chỉ tôi phía ven đường hình thù cấy cát lòi nhìn như thế nào.
Và ông ta bức một nhánh nàng hai cho tôi biết.
Đoạn đường còn lại tôi đạp một lèo tới Cà Mau, vì không còn một điểm nào ấn tượng để tôi ghé lại hôm nay. Đoạn đường này cũng xấu nữa, tôi đạp xe mà cứ tưởng như mình đang cỡi ngựa. Nhờ cái yên xe đạp tốt của tôi, mà cái bàn tọa của tôi không bị sao cả. Vào đến khu vực thành phố thì con đường nở rộng ra đáng kể, và đáng chú ý nhất là 2 bên đường có rất nhiều quán massage. Ở đây họ quá chu đáo, họ biết các thượng khách đi đường tồi tệ, nên sẽ bị nhức mỏi. Mà quán ở đây cũng khá đặc biệt lắm, nào là Super VIP, Siêu VIP, VIP Chất Lượng Cao…hihi, tôi cũng không dám thử. Từ hồi cha sinh mẹ đẻ đến giờ mình cứ tưởng VIP là ghê gớm nhất, nào ngờ.
Chiều nay tôi vừa không liên lạc được anh bạn tôi quen hồi năm ngoái. Đồng thời khi tôi đang chuẩn bị dọn vào một phòng nghỉ quen thuộc, thì trong lúc đó con Mau nó lo giỡn với con chó nhà nghỉ và chạy đâu mất.
Trong lúc đó tôi thấy phòng trọ này hôi quá, mà cái máy hút hơi của phòng cũng bị hư, rồi họ không có phòng nào trống để tôi đổi. Tôi đành phải kiếm nhà trọ khác. Tôi để lại cái giỏ của con Mau, nếu nó có mò về nó sẽ chui vào đó để ngủ. Tôi cũng dặn người chủ nhà trọ là sáng mai tôi sẽ ghé lại tìm nó, vì lúc này sau mé vườn của họ tối thui.
Tôi tìm được khách sạn khác cũng gần đó. Chiều tối nay tôi thử ăn món bánh lọt mà tôi nghe qua, nhưng chưa bao giờ biết tới. Thật ra tôi thấy bánh lọt cũng gần giống như bánh canh, cũng nồi nước lèo với xương heo. Bánh lọt không dai bằng bánh canh và hình thù không đặp mắt, cọng to, cọng nhỏ, đủ kích thước. Ở đây họ chỉ rắc ít hành, lá và giá đã trụng sẵn trong tô. Món này tôi cảm thấy không cần quảng bá, nên tôi cũng chẳng thèm chụp hình làm gì, và mình cũng lỡ gọi rồi, thôi đành ăn cho hết.
Tối nay tôi có gọi điện cho một nhân vật mới, một hội viên trong Phượt, PhongDiep. Tôi thấy số điện thoại của anh ta để lại trong topic ”Free ăn uống, free chỗ ngủ….”.
Tôi thì muốn gặp anh ta vào sáng ngày mai, vì lúc này tôi cũng khá mệt. Nhưng anh ta muốn tôi qua liền đêm nay, sáng mai anh ta bận. Chúng tôi gặp nhau tại một quán nhậu và lai rai một chút cùng thêm với mấy người bạn của anh ta và 2 chú bạn Tây mà anh ta mới làm quen chiều nay.
Hai chú bạn Tây này còn được PhongDiep mời đi dự đám cưới làng quê sáng mai. Hai chú ta quá thích và đã nghe theo lời PhongDiep, mỗi chú mua một chiếc xe đạp, để du hí Việt Nam.
Chúng tôi đã có một cuộc hội họp thật vui, nhưng trong đầu của tôi vẫn đang còn nghĩ đến con Mau, nó chưa bao giờ phản tôi và tôi tin rằng sáng mai tôi sẽ tìm thấy nó.
Tôi dậy hơi trễ hơn mọi ngày, nhưng việc đầu tiên là tôi phải đến nhà nghỉ hôm qua để coi con Mau đã về chưa. Khi tôi tới, thì chủ nhà trọ cho biết là sáng nay có thấy nó. Tôi bước ra phía sau lưng nhà trọ và gọi tên nó, nó liền chạy tới tôi và mừng quấn quít.
Sáng nay tôi sẽ đi ăn thử món Hủ Tíu Sọ Heo, mà các anh bạn mới quen hướng dẫn cho tôi. Người chủ quán cho tôi biết là họ đã bán món này trên 20 năm, nhưng trước đó người mà mở đầu bán món này, đã bán trên 30 năm. Hiện nay ở Cà Mau có 2 quán bán món này. Món này được rất nhiều người địa phương ưa chuộng và họ bán từ sáng cho tới tối. Khách có thể chọn xương hay là sọ heo, phần lớn tôi để ý thấy mọi người đều chọn sọ. Mỗi phần ăn họ bưng ra 2 tô, một tô nhỏ trong đó có một nửa cái sọ heo (trong đó có cả mắt và ốc luôn), nước lèo, ít tiêu và hành lá. Tô kia lớn hơn thì có giá trụng, hủ tíu, nước lèo và hành lá. Họ cho tôi thêm một chén nhỏ, trong đó có ớt thái lát và một chái tắc, nếu khách nào thích chấm, thì họ tự xịt một ít nước tương vào chén.
Gia vị của nồi nước lèo không có gì đặc biệt cả, họ chỉ nêm muối, đường và bột ngọt. Bí quyết duy nhất là làm sao mà hầm sọ heo mà không thấy hôi. Tôi hỏi mãi rồi cuối cùng cô chủ quán cũng tiết lộ cho tôi biết là, thứ nhất là sọ heo phải thật tưoi, khi rửa phải rửa thật kỹ và xả nước thật nhiều.
Tôi thì không hảo món này cho lắm, tôi chỉ ăn cắt được một chút thịt của cái sọ và phần còn lại là con Mau nó hưởng. Tuy nhiên tôi thấy món này xứng đáng nằm trong danh sách món ăn lạ của tôi.
Ăn sáng xong tôi lại về khách sạn để trả phòng và dọn qua một nhà nghỉ khác, giá vừa rẻ hơn và mọi thứ cũng sạch hơn nhiều. Gia đình chủ nhà cũng rất dễ thương và nhiệt tình. Cả ngày tôi chủ yếu ở trong phòng để tranh thủ viết lại hồi ký cho những ngày qua, vì tối hôm qua và nhiều ngày trước, tôi đã không có thời gian rảnh rỗi.
Nằm hoài trong phòng viết hồi ký cũng nặng đầu quá, không phải sở trường của tôi. Tôi phải đạp ra ngoài một chút.
Chiều nay tôi đi ăn thử món Bánh Tằm Cà Ri Gà, một món rất yêu thích của người dân địa phương. Tôi được hướng dẫn chạy qua cầu Cà Mau, và ngay dưới chân cầu, tôi rẽ phải và chạy xuống phía bờ sông. Đến đó tôi rẽ trái và chạy tiếp tới chân cầu Phan Ngọc Hiền. Quán đó là một quán lụp xụp nằm ngay bên hông chân cầu. Tuy là chưa tới 6 giờ chiều, mà họ bán gần hết sạch. Cũng hên cho tôi là họ chỉ còn lại vài tô gà ri gà mà thôi. Bành tằm được hấp nóng trong xửng và gắp lên dĩa cùng một ít giá sống. Rồi cô bàn hàng múc nước cà ri đổ lên trên, cuối cùng là vài lá rau húng quế. Trên dĩa của tôi chỉ có vỏn vẹn một miếng gà nhỏ và họ cho tôi thêm một chén chấm, trong đó là muối tiêu chanh và nhiều bột ngọt, ớt và tắc.
Nước sốt cà ri tôi thấy rất vừa miệng và ngon, nhưng hơi nồng nàn mùi khánh hồi. Sợi bánh tằm cũng to như sợi spaghetti, ăn không có mềm mại như sợi bún. Thịt gà là gà ta, nên ngon, mà ít quá, không đủ để tôi chia sẻ với con Mau.
Xong tôi kêu thêm một dĩa Bánh Tằm Xíu Mại. Họ cũng chan nước sốt cà ri lên, nhưng khách phải nói trước, cay hay không cay. Tôi thấy 2 viên xíu mại ở đây làm ngon. Quán này không có tên và họ chỉ mở từ 1 giờ trưa cho tới chiều là hết.
Dù bụng tôi hơi bị căng, nhưng cũng không sao. Tôi còn phải vượt qua cây cầu Cà Mau và cây cầu Gành Hào mới về lại nhà nghỉ, 2 cây cầu ấy cũng đủ đốt hết các calori mà tôi mới nạp xong.
Tối hôm qua tôi đã liên lạc được với Hải, một người bạn quen từ hồi năm ngoái. Lúc này anh ta đang ở ngay bến phà Hòa Chung, đường đi về Đầm Dơi. Tôi hẹn sẽ ra chợ mua vài thứ, để anh ta trổ tài nấu cho tôi ăn.
Sáng nay tôi ra chợ mua con Ghẹm, mà tôi mới được nghe qua. Con Ghẹm là một loại cua nhỏ hơn là con ba khía. Người ta dùng nó để nấu canh chua vừa ngọt và ngon. Tuy nhiên con này chỉ có vào mùa mưa, nên sáng nay tôi mua không có.
Tôi mua ít sặc khô rằng và bồn bồn để bóp gỏi chung với bó rau the mà tôi mua 2 ngày trước. Tôi mua thêm một ít ốc đinh và ốc dù, để làm món ốc xào xả ớt nước cốt dừa. Bó năng cũng từ 2 ngày trước sẽ dùng cho món canh chua mẻ, cá thì nhà anh ta đã có sẵn, bông so đũa đã bị hư, tôi đành phải bỏ.
Tôi cũng mua thêm một ít mắm ba khía.
Cô cháu của người chủ nhà nghỉ chỉ tôi nên ăn sáng món bún riêu tại quán này. Tôi thấy cũng tạm thôi, không có gì là đặc biệt cả, miếng chả họ làm quá dở.
Đường đến nhà Hải chẳng mấy khó khăn, tôi đạp một lèo khoảng 45 phút là tới. Tuy không phải là đầu bếp, nhưng Hải rất có khiếu nấu nướng.
Chẳng mấy chốc, tôi, Hải và mẹ anh ta đã chuẩn bị xong bữa cơm trưa cho ngày hôm nay.
Để làm món gỏi, Hải dùng tắc thay cho dấm. Xong món gỏi là phải chấm nước mắm chua ngọt. Bồn bồn ăn cũng không có gì đặc biệt cho lắm, chỉ có rau the là hơi có vị the.
Bồn bồn là một loài cỏ sạy, mọc dại trên các ruộng phèn, và trước đây người ta chỉ thu hoạch nó vào mùa mưa.Tại khu vực Hải ở hiện nay họ cũng trồng và có thể thu hoạch cả năm. Cá sặc tôi mua, được mẹ của Hải khen ngon, nhưng vì khô này được nhiều người ưa chuộng, nên mắc hơn cả khô cá lóc nhiều.
Canh chua mẻ thì nấu cũng khá đơn giản. Hòa mẻ tan với nước nóng, lược lấy nước và bỏ cái. Bắt lên bếp và nấu sôi, nêm cho vừa ăn. Xong thả cá vô nấu cho tới khi gần chín cá, tiếp theo mới thả cà chua, sau đó là thả năng bột vào và ít hành ngò, như thế là xong. Khi ăn là phải chấm nước mấm mặn. Vì năng bột không để được lâu, nên hôm nay ăn bị hơi dai. Tôi thì thích ăn sống hơn vì nó có độ giòn giòn và hơi thoảng vị ngọt.
Món ốc thì ngâm nước rửa cho kỹ, lựa con nào thối hay chết đem bỏ. Kế tiếp là lấy dao phay chặt đít bỏ. Chảo hơi nóng bỏ tỏi, xả, ớt băm vào xào. Xong cho ốc vào đảo đều, nêm gia vị với muối, đường và bột ngọt. Cuối cùng là cho nước cốt dừa vào, hay nước sữa tươi cũng được. Đừng có để lửa lớn quá, chất béo của sữa hay nước cốt dừa sẽ bị ốc trâu. Món này có thể ăn kèm với rau răm và không cần chấm với gì hết.
Phà đi Đầm Dơi.
Bữa cơm trưa thanh đạm. Tôi có mua thêm mắm ba khía và ít cá khô tẳm, nhưng đành phải nhờ mẹ con của Hải, dịp khác ăn giùm.
Một cao thủ ở nhà đối diện, chỉ cần đi mò hang 2 tiếng vào lúc thủy triều, là anh ta bắt chừng này cá ngác.
Mấy bác chủ tiệm massage ớ Cà Mau cứ còn hồi tưởng thời kỳ, 5 anh em cùng lái chiếc xe tăng.
Học hỏi và trò chuyện về ẩm thực đến gần chiều thì tôi đạp về Cà Mau. Lúc này trời rất u ám và nhiều cơn mưa đã đi qua. Mà sao tôi hên quá, tôi đạp về tới Cà Mau mà không bị trúng mưa.
Hải hướng dẫn tôi nên thử món Bún Nước Lèo Huỳnh Long trên đường Nguyễn Trãi. Phiền ghê, các món ăn ngon của Cà Mau đều nằm bên phường 2, tôi nghĩ đến việc phải đạp qua 2 cây cầu mà thấy ngao ngán.
Quán này là nổi tiếng nhất ở đây. Trong tô bún hôm nay tôi không thấy cá lóc mà thấy rất nhiều tép đất. Con tép đất họ bóc vỏ kỹ càng, ăn vào rất ngọt, ngoài ra còn có thêm bì. Dĩa rau tôi yêu cầu là để riêng vì tôi không thích trụng chung trong tô bún, nóng lắm. Dĩa rau chỉ có bắp chuối, giá, húng thơm và hẹ. Khi ăn thì người ta nặn ít nước tắc và cho vào ít ớt xay. Sợi bún ở Cà Mau này là tôi thấy hơi to, và họ cũng trộn nhiều bột năng. Tôi thấy sợi bún rất trong và dai dai. Bà chủ cho tôi biết là ở đây họ dùng mắm sặc mà họ đặc làm riêng, còn mắm mua ngoài chợ là không đủ chất ngọt. Thêm vào đó họ dùng một phần nước dừa để nấu nước lèo. Trong nồi nước lèo có thêm củ ngải bún, xả và tỏi. Hôm nay thì bà chỉ nấu với tép đất, có hôm không có tép đất thì bà dùng cá lóc, cũng có hôm dùng cả 2 thứ để nấu.
Tại đây họ còn bán thêm món bún bì. Món này là món khô, ăn chung với nước mắm chua ngọt. Quán này họ chỉ bán vào buổi chiều thôi.
Bà chủ quán cũng còn nhiều tham vọng, hiện đang muốn mở mang bờ cõi tại đất SG. Có bác nào muốn hợp tác không? Hi hi
Con Mau lúc nãy không mê món Bún Nước Lèo, thôi đành phải cho nó cái cổ gà nướng.
Tôi đạp một mạch đến Tắc Vân. Tôi muốn đến đó mới ăn sáng, và thế tôi cứ ráng đạp, tuy là sáng nay tôi mới bắt đầu có cảm giác gió thổi ngược. Tôi thấy mình cứ đạp hoài mà sao không tới nhỉ, một lát sau tôi mới thử gỡ phần sau của tắm che nắng, tuy là miếng bạt chỉ che xuống một chút, mà lúc được tháo ra, tôi cảm thấy bước đạp của tôi phần nào nhẹ đi.
Lần đầu tiên trong cuộc hành trình tôi đành đạp trên QL1. Tôi không mấy hứng thú đạp trên những con đường đông xe cộ, nhưng hôm nay, tôi có chuyện, nên tôi cần phải đến Bạc Liêu vào chiều nay và con đường này là đường ngắn nhất.
Nguyên một đoạn đường dài tôi phải đạp ngược gió và càng về chiều mỗi lúc gió lại thổi mạnh hơn. Đoạn 20 km cuối, tôi phải nghỉ lại uống nước đến 3 lần và tôi cũng cố gắng bò tới nơi vào lúc 4 giờ chiều.
Cũng hên cho tôi hôm nay đường tốt, chứ mà đường xấu thì tôi cũng khống biết bao giờ mới đạp tới.
Lợi điểm khi đạp trên những con lộ chính là có nhiều quán ăn, quán nước và đường ngắn. Yếu điểm là ồn ào, bụi bặm, không có cảnh gì đẹp để lôi máy ra chụp hình và không thu nhập được thông tin gì cả. Mỗi lần tôi ghé lại một quán nước, tôi thấy ai nấy cũng bận bịu với công việc. Ai nấy cũng là khách qua đường, ít ai bận tâm đến việc làm của người khác, những khi trò chuyện với họ, chỉ là qua loa mà thôi.
Còn ghé lại một quán nước trong đường làng, thì chỉ tôi là khách lạ, còn mọi người xung quanh là khách địa phương, vì thế mà tôi bắt chuyện với họ rất dễ dàng. Tiếp xúc với người dân bản xứ, tôi mới học hỏi về lối sống và văn hóa ẩm thực của khu vực họ ở rất nhiều.
Dọc theo QL1 là một con kênh. Chính quyền địa phương sợ xảy ra vấn đề triều cường, nên cho bộ đội làm tạm bờ đê này.
Đến Bạc Liêu tôi liền ghé thăm gia đình anh Tráng, tôi quen họ trong chuyến đi hồi năm ngoái.Tuy chỉ quen họ chỉ có một tiếng, nhưng tôi đã cảm thấy rằng họ rất nhiệt tình.
Ghé thăm họ, tiện thể là tôi muốn nhờ họ coi giùm cho tôi con Mau và tôi gửi lại chiếc xe đạp của tôi vài ngày. Họ rất vui vẻ đồng ý ngay.
Vợ chồng anh ta còn muốn mời tôi ở lại, nhưng tôi từ chối khéo, vì tôi phải lên đường đi Vĩnh Long vào sáng sớm mai.
Trước khi trở lại phòng trọ, tôi phải thử ăn cho biết món bún nước lèo tại đây. Chị Tráng chỉ tôi ra chợ, khu phố ẩm thực đêm, quán Bún Nước Lèo nằm kế bên cái Miếu.
Tại đây tôi ăn, tôi không thấy có ấn tượng cho lắm vì ở đây họ sử dụng cá lóc nuôi, ăn bở rẹc. Khác với khu vực Cà Mau, tại Bạc Liêu họ lại dùng chanh.
Tôi thấy khu phố ẩm thực đêm tại Bạc Liêu khá sạch hơn các thành phố khác.
Xe đến đón tôi tại nhà nghỉ lúc 4 giờ sáng và chở tôi đến bến xe. Nơi đây xe lớn mới chở khách đi Cần Thơ. Vì tại đây không có xe đi đến Vĩnh Long, nên vì thế mà tôi phải đi chuyến Cần Thơ. Xe sáng nay vắng khách, nên tôi ra hàng ghế sau cùng, nằm ngủ thoải mái
Chặng đường này không có xa, mà mới chạy chưa đến 1 tiếng xe dừng lại tại điểm dừng chân, một quy định làm ăn giữa nhà xe và quán ăn.
Xe tới bến xe Cần Thơ khoảng 6 giờ 30 sáng. Rồi tôi đón tiếp xe buýt đi Vĩnh Long. Vĩnh Long, Vĩnh Long không? D.M. lên lẹ giùm tôi đi cha nội, trễ giờ người ta rồi. Tiếng la hét của bác tài xế, với khuôn mặt căng thẳng và điếu thuốc luôn trên đôi môi. Tôi ngồi ngay phía sau lưng bác tài, nên phải chịu đựng hít phải khói thuốc khét lẹc, làm tôi phải ho sặc sụa. Với tay nghề lão luyện, bác tài lạng lách trên con đường đông người, để đón khách. Xe chạy một vòng trong thành phố Cần Thơ tranh dành khách và sau đó mới quẹo ra khỏi phố, đi về hướng Vĩnh Long.
Bánh mì bì.
Phục vụ đến tận răng.
Tôi thấy ở TP. Cần Thơ, người dân chấp hành luật lệ giao thông rất tốt, dừng xe ngay vạch quy định.
Triều cường tại khu trung tâm Cần Thơ.
Lấn chiếm cả một bức tường và luôn lòng đường ngay khu trung tâm Vĩnh Long.
Khi đển bến xe, các bác xe ôm bu lại cứ như ong và tranh dành khách một cách vô trật tự. Đến nỗi mà hành khách không có lối xuống. Bác tài xế phải lên tiếng yêu cầu họ đừng bu vào cửa xuống xe, nhưng họ không hề quan tâm. Tôi cũng cảm thấy bực mình, khi phải lắc đầu lia lịa.
Tại bến xe, tôi lại đón chuyến xe buýt khác để đi về hướng Vũng Liêm. Tôi xuống xe gần khu Bến Mới và từ đó đi xe ôm chở tôi tới xã Tân Long Hội, nằm khoảng 3 km cách đường lộ.
Đi xe buýt tôi thấy thật ấn tượng và cảm nhận được cuộc sống khó khăn hàng ngày của người dân. Một người đàn ông tàn tật bước lên xe buýt, mọi người đều tận tình giúp đỡ ông ta lên xe. Anh thanh niên ngồi gần tôi, liền mua giúp cho ông ta vài tấm vé số, và ngã ý trả tiền xe cho ông ta. Nhưng bà lơ xe không lấy và xe bà thường xuyên cho ông ta đi ké. Bà ta còn cho chúng tôi biết thêm, ông bán vé số tàn tật phải nuôi thêm bà vợ lành và ăn hại ở nhà.
Ông người lùn này tranh thủ thời gian xe buýt đậu lại đón khách, để rao bán hàng.
Tôi ghé thăm gia đình anh bạn mà tôi quen từ Mũi Né, tên Danh và hôm nay anh trở về quê để dự đám giỗ. Tôi được anh ta rủ về đây chơi vài ngày. Anh ta cũng vừa về đến nhà cùng lúc với tôi.
Một ít sau các người thân trong gia đình đến tham dự đông đủ. Tôi thấy cứ mỗi gia đình đến dự đám, họ lại mang theo một thùng bia, như thế là tổng cộng khoảng 10 thùng, ngoài ra, ba của Danh còn thủ sẵn 1 can 20 lít rượu đế, theo tục lệ tryền thống. Buổi tiệc đề ba từ lúc trưa cho tới chiều tối. Trong bữa tiệc giỗ có 2 món mà đặc trưng cho vùng này, đó là món vịt nấu chao và thịt trâu nhúng cơm mẻ, chuối xiêm, mà gây ứng tượng cho tôi nhất.
Buổi tiệc gần tàn, khi Ông 5 cao thủ trong bàn đi ngủ trước.
Bên bờ sông Cái Nhum, các du thuyền khách từ SG- Cần Thơ, đều phải chạy ngang đây. Đôi khi họ neo lại, để du khách lên bờ thăm quan cảnh sinh hoạt đồng ruộng của người dân.
Tôi ở lại nhà Danh chơi thêm một ngày nữa.
Hôm nay chúng tôi phụ đập phá một phần của căn nhà cũ và chiều đến, chúng tôi lại tiếp tục nhậu những món ăn còn dư và bia rượu từ bữa tiệc hôm qua.
Thật là mộc mạc, khi nước lớn, Ba của Danh ra mé sau nhà tung một mẻ chài, thế là bắt được vài con cá mè vinh đem thả lu. Nếu Ông 5 tối nay có muốn nhậu tiếp, sẽ có mồi mới cho ông ấy.
Sáng nay Danh chở tôi ra lại đầu đường thuộc QL53, và chông chốc lát, tôi đã đón được xe đi về lại Bạc Liêu. Gia đình của Danh chỉ muốn tôi ở lại thêm vài ngày nữa. Họ muốn nấu cho tôi ăn thử món, nào là canh chua cua đồng, lươn kho mắm, gà nòi nấu tiêu (còn gọi là Gà Sát, gà bị tử trận, loại gà này trong thời gian nuôi dưỡng, được ăn với quy chế cao cấp, vì thế thịt rất ngon, chỉ có dân quen biết trong giới chọi gà mới mua được những con gà này), và nhiều món nữa…. Tôi hẹn có dịp tôi sẽ quay lại.
Chiếc xe tốc hành ngoài luồng chạy ngược lại Vĩnh Long. Khi chạy ngang qua sở giao thông của tỉnh, xe dừng lại và anh lơ xe vội vã chạy vào phía bên trong với một tờ báo, trong đó có kẹp thêm gì thì tôi không biết? nhưng ít lâu sâu, anh ta chạy ra lại với 2 bàn tay không. Xe chạy tiếp theo đến Cần Thơ, để xuống khách, còn tôi và một người khách khác cũng đi Bạc Liêu, được anh lơ xe gửi tiếp qua chuyến xe khác.
Mãi đến gần trưa tôi mới về lại tới nhà anh Tráng. Con Mau thấy lại tôi nó nhảy lên mừng lắm. Tôi chỉ ngồi chơi tại nhà anh Tráng một chút, vì tôi sợ anh ta còn nghỉ trưa. Tôi quay lại nhà nghỉ mà tôi ở cách đây 2 hôm, nhưng họ đã hết phòng, họ hẹn tôi là chiều mới có. Tôi đạp tàn tàn vào phố và ghé lại một quán cà phê, để có dịp lên mạng check mail.
Gần chiều thì tôi lại một lần nữa phải thử món Bún Nước Lèo của Bà Quý, nằm gần chợ Xóm Mới. Tại đây bà cũng kiêm luôn món Bún Riêu.
Tôi thấy món bún của Bà Quý nấu khá đậm đà, cũng gần tương tự như chỗ tôi ăn tại khu ẩm thực đêm, chỉ khác là tại đây họ có cho thêm ít bì. Nồi nước lèo, Bà Quý có tiếc lộ cho tôi biết là bà chỉ dùng mắm cá sặc và ít xương heo.
Từ hôm ở Cà Mau, tôi cũng để ý thấy nơi đây cũng có nhiều quán bán món Bún Cà Ri Vịt. Chiều nay tai khu ẩm thực đêm, tôi cũng ráng ăn thêm, thử coi món này ăn ra sao.
Thứ nhất món này rất nhiều mỡ, tôi phải mượn thêm một cái chén, để hớt mỡ ra. Ở đây họ nấu không ngon bằng món Bánh Tằm Cà Ri Gà mà tôi từng thưởng thức tại Cà Mau. Món này ăn chung với các loại rau y chang món phở trong Nam và thêm chén muối, ớt, bột ngọt.
Sáng nay tôi muốn ghé ăn thử món Bún Bò Cay, một món khoái khẩu tại đây và tôi cũng thấy món ăn này tại vùng Cà Mau, nhưng vẫn chưa có dịp để ăn. Khi ghé ngang vào lúc 8 giờ 30 sáng thì họ đã bán hết.
Tôi tiếp tục rẽ qua con đường Lò Rèn để đi ăn món Bánh Xèo vậy.
Ôi mùa vú sữa, tôi phải mua vài quả.
Đạp theo con đường Lò Rèn vừa mát, không bị cản gió và cảnh đẹp.
2 bên đường là những vườn rau xanh tươi.
Khu này nổi tiếng với những cây nhãn cổ thụ.
Món ăn nổi tiếng này nằm ngay khu Giường Nhãn, gần Nhà Mát. Tại đây có rất nhiều quán, nhưng tôi được người dân địa phương mách, là quán A Mật là ngon nhất. Quán ăn này rộng và thoáng mát, nhân viên làm việc rất vui vẻ và tận tình.
Tôi gọi trước 2 cuốn gỏi cuốn, món này khá đơn giản thôi, bánh tráng cuốn với bún, rau sống, thịt ba chỉ luộc, tôm và ít cọng hẹ. Món này chấm với tương ngọt và đậu phọng giã nhuyễn.
Tôi đợi cũng khá lâu thì món bánh xèo mới tráng xong.
Quán này bếp núc sạch sẽ.
Ngoài ra ở quán này khách có thể thưởng thức thêm vài món như Lẩu Thái, Lẩu Chua, Nghêu hấp Xả, Ốc Len xào Dừa và ít món khác. Thật đơn rất đơn giản, nhưng chất lượng thì rất tươi, quán này thật xứng đáng với danh hiệu 20 năm của nó. Vào những dịp lễ, ngày cuối tuần hay là dịp sau Tết, khi bà con đi cúng chùa Bà Giáo Hải, quán này đông cứng khách.
Tôi đợi cũng khá lâu thì món bánh xèo mới tráng xong. Cái bánh to đùng, trông thật hấp dẫn và rổ rau cũng khá ấn tượng.
Họ cho tôi biết là ở đây họ pha bột bánh bằng bột gạo mua sẵn, ít bột nghệ, hành lá sắt nhỏ và nước cốt dừa. Nhân bánh thì gồm có thịt ba chỉ, tép đât, đậu xanh nguyên vỏ hấp, cảu đậu sắt sợi và giá. Rổ rau sống gồm có: xà lách, giấp cá, cải bẹ xanh non, tía tô, húng thơm, húng quế, lá cha ăn có vị chát, lá nàng hai còn gọi là lá ít mẫu ăn có vị hơi đắng và hơi chát, lá này có tính cách trị bệnh gan, điều hòa kinh nguyệt, có sữa cho con bú và hạ huyết áp, lá cát lòi thì không có mùi vị, hơi giòn giòn, giúp trị bệnh nhức mỏi, và lá cách có vị đắng. Bánh xèo ở đây tôi ăn thấy rất giòn và thơm ngây mùi nước cốt dừa. Để làm cho bánh thật giòn, thì tôi thấy anh chàng tráng bánh rưới mỡ liên tục vào chảo, vì thế bánh rất béo. Hèn chi rổ rau lớn kia là có vị chát đắng giúp cho tiêu hóa bớt chất béo. Nước mắm ở đây họ pha ngon.
Bụng no nê tôi đạp ra chợ Nhà Mát, lúc này tôi mới biết là chỗ Giường Nhãn cũng là khu vực nổi tiếng về nhãn, rất thơm ngon, hột to và vỏ mỏng. Những cây nhãn có cả 100 năm tuổi, mới là nhản chính tông, còn nhửng cây nhãn mà người ta trồng sau này đã bị lai, không còn thơm ngon nữa. Hiện này chính quyền địa phương cũng khuyến khích người dân gây tạo lại giống nhãn đặc trưng cũa vùng đất này. Tôi rất tiếc là lúc nãy tại quán A Mật họ có bán ít nhãn, nhưng lúc đó thì tôi không biết gì, nên không ăn thử. Giờ thì mới nắm được thông tin, nhưng bụng đang căng, sao mà đạp được ngược gió lại để thử vài trái nhãn, từ những cây nhãn trăm năm của họ, thôi hẹn dịp khác.
Trò chuyện với anh bán vé số tại quán cà phê, anh ta chỉ cho tôi nên thử ăn món Bò Kho Mai Anh, nằm gần khu công nghiệp Phả Kha trên đường QL1, quán này cũng có trên 20 năm tuổi và anh ta cảm thấy là món này ngon hơn là món Bún Bò Cay.
Tôi nghe theo lời anh ta hướng dẫn và tôi đạp ngược trở lại tp. Bạc Liêu. Đoạn đường từ Nhà Mát về lại Bạc Liêu năm ngoái tôi có đi ngang qua, nhưng năm nay có sự thay đổi mới, là con đường mới được tráng nhựa láng o, đạp sướng lắm, ít khi nào có cơ hội như thế.
Vì tấm bảng nhãn hiệu của quán quá nhỏ, mà làm tôi phải đạp hớ tới 2 km. Tôi phải đạp ngược gió để trở lại và lần này tôi đã tìm được quán Mai Anh. Món này không còn ngon như ngày trước nữa, vì kinh tế thị trường thay đổi, thay cho 3 miếng thịt bò lớn, giờ đây trong tô chỉ vỏn vẹn 3 miếng thịt bỏ nhỏ hơn ngón tay cái của tôi. Món này ăn chung với bánh phở, giá, húng quế, ngò om và muối tiêu chanh.
Trên đường tôi đạp về lại nhà trọ, thì xe tôi bị cán phải đinh. Hôm nay tôi đã quá chủ quan, nên bỏ toàn bộ đồ nghề ở lại nhà trọ. Tôi chỉ dẫn bộ không xa lắm, thì bên kia đường có chỗ vá xe. Tuy chỉ dẫn bộ xe không có vài trăm mét, mà cây đinh tôi cán phải đã đăm rất nhiều lỗ vào ruột. Anh thợ vá phải chạy vào phố mua giúp tôi cái ruột mới. trong khi đó cái ruột dự bị mà anh Khuê tặng tôi, hôm nay tôi lại không mang theo.
oh, cúp điện rồi, anh vá xe cứ để tôi phụ cho. Anh ta mà giúp cô vợ xay mía, mắc công lại có thêm mùi nhớt từ 2 bàn tay đen nhuốc nữa.
Chiều tôi quay lại khu trung tâm để ăn món Bún Xào. Món này tôi đã ăn thử hồi năm ngoái, nhưng chiều nay ghé ăn là chụp lấy tấm hình. Tuy là nằm ở vỉa hè gần bưu điện thành phố, nhưng quán này rất đông khách.
Tô Bún Xào gồm có thịt heo xào với xả, rồi cho bún và giá vào xào. Nhờ sợi bún ở đây có pha bột năng, hay đúng ra là bột củ mì, vì thế sợi bún dai, nên xào không bị nát. Họ gấp bún vào tô, trong đó đã có ít rau sống, thêm ít ớt lên trên, dưa leo băm, một sâu nem nướng và đậu phụng rang giã nhỏ. Tùy ý theo khách mà tự chan thêm nước mắm chua ngọt, chủ yếu là ngọt và thêm ít ớt.
Ăn xong tô bún.
Tôi ghé lại nhà anh Tráng nhậu lai rai vài lon bia.
Vợ chồng anh Tráng kinh doanh thêm nghề nuôi trăn.
Sau khi dùng cà phê và chào vợ chồng anh Tráng, tôi phải tranh thủ lên đường. Trước tiên là tôi phải ghé ăn tô Bún Bò Cay, món ăn này tôi cũng có thử qua hồi năm ngoái, nhưng ký ức của tôi giờ không còn nhớ gì về món này nữa.
Sáng nay quán cũng rất đông khách.
Anh giữ xe vẫn còn nhớ và lại hỏi thăm tôi là chiếc xích lô đâu rồi. Tôi tình cờ ngồi chung bàn với một ông lớn tuổi, trò chuyện với ông ta. Thì ra sáng qua ông ta có ghé đây hơi trễ như tôi, nên hôm nay ông cũng đi ăn cho bằng được. Tôi có kể là tôi thấy món này có bán tại Cà Mau, nhưng chưa có dịp ăn thử, ông liền cho biết. Là người nhà của quán mà tôi và ông đang ngồi ăn cũng có một quán tương tự ở Cà Mau.
Bún Bò Cay là bò nấu với sa tế. Nếu không phải khách quen, người bán sẽ hỏi khách cay hay không cay. Món này thì ăn chung với bún gạo, húng quế và muối chanh ớt. Ngoài ra thực khách có thể ăn cùng với giò cháu quảy, một nét văn hóa của người Hoa. Tôi thấy món này không có đặm đà bằng món Bò Kho và món này ăn mau ngán vì rất ít rau ăn kèm, như những món bún khác. Ăn xong tô, mồ hôi tôi chảy đầm đề, cái áo của tôi lúc này ướt còn nhiều hơn lúc mà tôi mới bước vào quán.
Tôi đạp theo hương lộ 12 và dọc theo sông Bạc Liêu. Tôi cứ tưởng là đi theo con đường này tôi sẽ đị ngang những vườn cây và núp được gió. Nào ngờ 10 km đầu tôi phải dùng gần 2 tiếng mới vượt qua chặng đường này.
Khúc này rất trống, bên tay phải tôi là những ruộng tôm, còn bên tay trái là những cánh đồng lúa. Gió cứ thổi mạnh vào thẳng mặt tôi, làm tôi cũng khá vất vả mới đạp qua khỏi đoạn đường trống vắng này.
Đến khúc con đường bẻ cong về trái qua hương lộ 17, tôi được người dân hướng dẫn quẹo phải, để đi theo con đường làng. Khúc đường này tuy hẹp, nhưng với nhiều loại cây cối 2 bên đường, làm cản bớt những cơn gió lòng lộng. Tôi cảm thấy đạp đỡ cực nhọc hơn đoạn đường vừa rồi rất nhiều.
Khi đạp qua một cái cầu treo, tôi đã vào địa phận của tỉnh Sóc Trăng. Đoạn đường làng này cũng mới được hoàng thành, tương đối rộng và nhiều bóng mát.
Tôi dừng chân ăn trưa tại một khu chợ làng ngay xã Hòa Tú 2. Nhờ bà 8 với những người buôn bán, họ cho tôi biết, con đường hình thành là nhờ các quan lớn trên trung ương đến đây thăm quan. Chính quyền địa phương cũng khuyến khích người dân trồng thêm cây 2 bên đường và trước cửa nhiều nhà, có phong trào trồng cây hoa mười giờ. Ờ đây họ đang chủ trương thực hành một khu nông thôn mới. Đây cũng là lần đầu tiên tôi thấy ở một xã hoang vắng lại có xe đi gôm thu rác. Phải công nhận là đoạn đường này sạch đẹp và rất ít rác rưới dọc theo 2 ven đường, như tôi đã từng thấy những nơi khác.
Trên đường tôi thấy có vài nơi họ đang bơm nước ra khỏi ruộng và thu hoạch tôm. Những con tôm sú được lựa theo loại ngay bên lề đường, rồi được ướp đá, để tiếp tục vận chuyển đến các công ty thủy sản.
Họ cho tôi biết, nếu ai có điều kiện kinh tế. Thì cứ sau mỗi mùa thu hoạch tôm, từ 5-6 tháng, họ bơm hết sình lầy lên vườn, rất tốt cho cây cối. Sau đó họ sử lý lại ao tôm và tiếp tục nuôi tôm vụ tới. Còn những người mà tiếc tiền, họ chờ 2 mùa, họ mới sử lý ruộng tôm một lần. Làm như thế thì tôm sẽ dễ lay bệnh và thu hoạch sẽ giảm đi đáng kể.
Cũng nhờ vào việc nuôi tôm, mà các xã khu vực này nhiều hộ đã vượt qua cảnh nghèo khổ.
Vào đây uống một ly nước đã, một nhóm đàn ông đang ngồi uống nước tại một quán ven đường gọi réo lên. Tôi thắng cái két và quay lại. Họ rất vui vẻ và hỏi han tôi đủ thứ. Một anh trong nhóm cũng cho tôi biết là tôi gần xắp đến Cổ Cò, nơi đó là đặc sản với món bánh in. Tiếp theo tôi sẽ đi ngang qua Mỹ Xuân, hãy ghé lại và ăn tô bún nước lèo. Anh cũng kể cho tôi biết một ít sinh hoạt về đời sống nông thôn của nghề làm tôm. Anh cho tôi biết là từ ngày làm tôm, có rất nhiều người giã từ làng quê để vào SG sinh sống. Lý do làm ăn thiếu hiểu biết, nên thua lỗ, thiếu nợ rồi bỏ xứ trốn. Điều nay cho tôi biết, trong sự kiện phát triển kinh tế, cũng có mặt trái và mặt phải của nó.
Tôi lên đường đạp tiếp, người đàn ông vui vẻ giành trả tiền ly cà phê cho tôi và mọi người chúc tôi lên đường vui vẻ.
Họ nói là khoảng 1 cây số là tôi đến Cổ Cò, mà sao tôi đạp mãi mà không thấy. Nghi ngờ tôi dừng lại một tiệm tâp hóa ven đường và hỏi thăm. Thì ra tôi đã đạp qua ngã ba đó cả cây số rồi. Mấy người đàn ông lúc nãy không dặn tôi rẽ trái, làm tôi cứ đinh ninh là chợ Cổ Cò nằm ngay bên đường như tôi thường thấy. Cũng hên là cô bán hàng có luôn bánh in Cổ Cò để tôi mua ăn thử, nên tôi không cần quay lại. Tôi mở bịch bánh ra ăn thử, thì theo tôi nghĩ đây không xứng đáng được gọi là đặc sản. Tôi biết loại bánh này có rất nhiều nơi trên đủ mọi miền đất nước đều làm được. Ngoài ra vùng này giờ toàn là nuôi tôm, lấy đâu ra nếp và đậu xanh để làm chiếc bánh này. Thêm vào đó hương vị sầu riêng là từ tinh sầu riêng thôi. Đúng là tỉnh Sóc Trăng này họ tiếp thị giỏi thật.
Đường từ Cổ Cò xuống tới bến phà, tôi đạp ngang qua nhiều khu giáo xứ. Gần đến lễ Giáng Sinh, họ đang trang trí những hang đá trước cửa nhà họ và 2 ven đường, họ giăng nào là cờ xanh, đỏ, tím vàng…
Phà Hòa Minh- Dù Tho chỉ qua một con sông nhỏ thôi. Bên kia sông đường cũng vắng và 2 ven đường cũng nhiều nhà cửa hơn.
Tôi đạp cũng không lâu thì tôi đã tới Mỹ Xuyên.
Quán Bún Nước Lèo nổi tiếng tại đây nằm ngay ngã tư. Quán này rộng rãi và đông khách.
Tôi được biết là vào buổi sáng nơi đây họ bán thêm bún bò và cơm, còn buổi chiều thì chỉ bán bún mắm mà thôi. Tôi cảm nhận thấy tô bún ở đây có vẻ đậm đà hơn những tô bún nước lèo mà tôi đã từng ăn qua, họ cũng nêm bằng mắm cá sặc. Nhưng đến hôm nay tôi mới thấy trong tô bún có heo quay và lại không có tép. Bún ở đây đúng là bún gạo, không phải sợi bún dai dai như là ở Cà Mau hay Bạc Liêu. Tôi thấy quán ở đây chắc họ quen phục vụ cho khách từ xa, nên họ đưa cho tôi dĩa rau sống riêng, tuy là tôi đã quên dặn. Tôi thấy những bàn khác thì họ đã bỏ sẵn rau giá phía dưới tô. Gu ở đây họ ăn thêm giò cháu quảy nữa.
Từ đây về tới Sóc Trăng không còn xa nữa, gần tới ngã ba quẹo qua Chùa Dơi, bên phía tay phải tôi, một khu phố Cầy Quay hiện lên. Tôi thấy chỉ có một quán mà giờ này mới hơn 4 giờ chiều mà đông nghẹt khách, chắc là ngon lắm nhỉ, mà tôi đi có một mình, sao nhậu được món này? Mà lại tôi đã thây đổi tư tưởng là sẽ không nhậu thịt cầy nữa.
Tôi ghé lại nhà nghỉ mà tôi đã từng nghỉ qua hồi năm ngoái. Tôi thấy chỉ có khu vực bên hông chợ Bông Sen này là có nhiều nhà nghỉ thôi. Nhưng các nhà nghỉ này đều nằm trong hẻm, mà bảng quảng cáo ngoài đầu hẻm cũng không đặp mắt, nên ít có du khách biết được khu này. Hầu hết trên các con lộ chính thì lại không có nhà nghỉ mà chỉ có khách sạn mà thôi.
Tối nay tôi ăn thử món Bún Tiêu phía bên kia cầu, trên đường Sô Viết Nghệ Tĩnh. Món ăn này lần đầu tiên tôi nghe qua, món này cũng không bán chạy cho lắm, vì thế khong có một quán nào ở đây, chuyên bán món này, họ phải bán kèm theo những món khác.
Bún Tiêu, có nghĩa là vịt nấu tiêu và ăn chung với bún. Tôi ăn thấy cũng được, món này ăn chung với rau muống chẻ, giá, húng quế và hành tím bào mỏng ngâm dấm. Bà chủ quán chỉ cho tôi cách nấu là tước tiên chặt vịt ra từng miếng nhỏ, rồi ướp gia vị: muối, tiêu, hành, tỏi, bột ngọt và đường. Xào một ít tiêu cho thơm, xong mới bỏ vịt đã ướp gia vị vào. Xào cho miếng vịt chín hết xung quanh, sau đó mới đổ nước vào hầm với lửa riu riu cho tới khi thịt vịt chín mềm. Nhớ hớt bọt. Đơn giản thôi, không cầu kỳ mà lại ngon.
Giò cháu quảy nóng ngon quá, xơi luôn 2 cái.
Xong tôi ăn thêm một chén tàu hũ đá, vì chiều nay tôi đã chấm món này khi đi ngang qua và thấy rất đông khách. Đậu hũ họ có bỏ một ít rau cau dẻo, để cho đông lại, xong họ chan lên một ít nước súp nhãn nhục hơi ngọt ngọt, giá chỉ 5 ngàn đồng thôi. Tôi đã học thêm một món mới.
Trở về lại nhà nghỉ, tôi muốn dành thời giờ viết bài, nhưng cặp mắt tôi không hề mở nổi, rồi tôi đã thiếp đi trong giấc ngủ thật sâu.
TP. Sóc Trăng vào buổi sáng.
Sao tôi cảm thấy nhức mỏi quá, chắc là vì hôm qua đạp ngược gió, nên giờ này 2 bắp đùi tôi cảm thấy hơi ê ẩm.
Tôi cũng ráng thức dậy và công việc sáng nay là ăn thử món Bún Gỏi Dà, một món ăn mà tôi chưa hề bao giờ nghe qua. Tôi hỏi thăm anh chàng bán vé số trên đường Xô Viết Nghệ Tĩnh, anh ta chỉ tôi một quán gần đó nằm ngay trên đường Phạm Ngũ Lão. Khi tôi đến quán rất đông khách, món này hình như chỉ phục vụ vào buổi sáng mà thôi.
Món này cũng đơn giản lắm, nước lèo là nước hầm xương heo thôi, không một gia vị nào đặt biệt hết. Bà chủ cho ít rau sống vào tô (giá, xà lách, rau răm, húng lũi), sau đó là một ít bún gạo, một ít tôm và thịt heo quay (ai muốn ăn xương thì gọi xương), rồi bà chan nước lèo vào tô. Kế tiếp bà múc một thìa lớn tương ngọt xay, đậu phọng rang giã nhỏ, một ít ớt xay, một ít nước sốt giống nước tương (tôi quên hỏi là nước gì) và một ít nước gì màu trắng (quán đông khách quá, nên tôi đã không có thời gian quan sát kỹ, nên cũng không biết nước gì). Món này họ còn ăn kèm theo bánh cống nữa và có thêm một chén tương ngọt có ớt để chấm. Nếu ai hỏi tôi có ngon không, thì tôi không biết phải trả lời thế nào, nhưng rất lạ miệng, nước súp ngọt. Tôi đã ăn hết sạch cả tô và chén luôn 2 cái bánh cống nho nhỏ, chỉ to hơn nắp chai nước suối một chút.
Ăn xong tôi cần nghỉ giải lao một chút, lát nữa tôi còn nhiệm vụ ăn món Cơm Cà Ri. Tôi ghé lại một quán cà phê cóc bên bờ sông và bắt đầu lôi máy ra viết bài. Tôi chỉ giỏi tham khảo thông tin, nhưng về khía cạnh viết bài của tôi thì kém lắm. Vật vã mãi tôi chỉ viết được có một trang nhật ký của ngày hôm kia mà thôi. Còn nhật ký của ngày hôm qua thì tạm để đó.
Khi cảm thấy cái bụng tôi có thể nạp thêm năng lượng, tôi tàn tàn đạp xe qua cầu bên kia, ngay góc đường Xô Viết Nghệ Tĩnh. Quán này chỉ bán món Cơm Cà Ri, Bò hay Gà thôi, họ chỉ bán vào buổi sáng cho tới gần 11 giờ hết là đóng cửa. Chiều thì họ mở cửa từ lúc 3 giờ cho tới 7-8 giờ. Ông bà chủ quán vẫn còn nhớ tôi và chào hỏi tôi rất vui vẻ. Đợt trước tôi đã thử ăn gà, kỳ này tôi chọn bò. Họ bưng ra cho tôi đến 3 dĩa, một dĩa cơm trắng, một dĩa cà ri bò và một dĩa rau sống (ngò gai, húng quế và giá), thêm một chén muối ớt chanh. Họ nấu rất ngon, thịt bò mềm nhưng không nát báy, nước cà ri hơi sệt sệt, gia vị vừa ăn, mùi khánh hồi không nồng nàn như món Cà Ri Bánh Tằm mà tôi cũng mới ăn qua ở Cà Mau. Bà chủ quán cũng tặng thêm một phần xương gà cho con Mau nằm nhai chơi.
Gần chiều, tôi ghé qua quán Bún Nước Lèo Cây Nhãn ăn thử một tô. Tôi hỏi thăm, thì ở đây họ cũng dùng mắm cá sặc và họ dùng nước dừa với tỷ lệ là một một, có nghĩa là một phần dừa và một phần nước. Tuy mới hơn 3 giờ chiều mà quán rất đông, tôi phải đợi cũng khá lâu. Ở đây họ bán từ 1 giờ trưa cho tới 7-8 giờ tối là hết, cũng như nhiều quán khác, họ phục vụ rất vui vẻ và nhanh nhẹn. Theo tôi cảm nhận, thì thấy không ngon bằng quán ở Mỹ Xuân. Chủ yếu trong tô của tôi là toàn thịt heo quay mà ít thịt cá lóc lắm, hỏng lẻ nước ngọt của nồi nước lèo chỉ bằng mắm cá sặc sao? Tô bún trông không bắt mắt, vì rau sống được trụng sẵn dưới đấy tô. Khi tôi bước ra khỏi quán, tôi cảm thấy lưỡi tôi hơi tê tê, đó là một cảm giác tôi cảm nhận được mỗi khi tôi ăn món gì có nêm nhiều bột nêm, bột Knor, Ajino Moto hay còn gọi chung là bột ngọt.
Quán Bún Nước Lèo Cây Nhãn.
Bện kia sông là chợ Sóc Trăng.
Cù nèo hay còn gọi là kèo nèo.
Tép bạc va 2 tôm càng
Cấm mua bán, lấn chiếm lòng, lề đường,
Bánh củ cải, chỉ 3 ngàn 1 cái.
Bà bán bánh cho tôi biết là bánh củ cải có nguồn gốc của người Hoa.
Tôi phải ghé ăn thử món Bánh Cống Phượng Vĩ.
Tôi cũng giải thích là tôi muốn ăn thử một phần nhỏ thôi, vì tôi đang đi tìm hiểu. Ông chủ Kim rất vui vẻ và làm một phần nhỏ cho tôi với 2 cái bánh cóng. Ông cũng là một người yêu thích ẩm thực, và chính ông là người pha chế bột để làm ra món ăn hấp dẫn này.
Món ăn này là ăn như món Bánh Xèo. Người ta lấy lá cải hay lá xà lách, rồi thêm vào một ít rau sống như: húng lũi, tía tô và húng thơm. Tiếp theo là gắp một miếng bánh cóng đặt lên trên lá cải hay lá xà lách. Xong cuộn lại và chấm vào nước mắm chua ngọt.
Ông cho tôi biết là ông tự ngâm gạo và đậu nành rồi xay nhuyễn ra thành bột. Lúc trộn bột, ông thêm ít trứng gà vào đó. Ông cũng cho biết là ông chỉ chọn loại gạo của Sóc Trăng mà thôi, được gọi là ST1- ST5.
Nhân bánh thì ngoài đậu xanh hấp chín, ông cho thêm một ít thịt băm, trộn chung với hành tím bào mỏng, nêm thêm ít gia vị. Phía trên mặt của bánh là ông dùng con tép bạc. Ông cho tôi biết là con tép bạc khi chín màu không đỏ rực như con tép đất, nhưng vỏ lại mỏng hơn, ăn cả con mà không có cảm nhận là đang nhai vỏ. Trò chuyện với ông ta tôi cũng tiếp thu được nhiều điều hay.
Nghe theo lời chỉ dẫn của anh Kim, tôi ghé ngang qua quán Bún Nước Lèo Bà Xim ăn thử bên đường Phú Lợi. Quán này nhỏ và cũng không đông khách cho lắm.
Tô bún nước lèo ở đây ăn ít ngọt hơn tô bún bên quán Cây Nhãn, trong tô bún có ít thịt heo quay, nhưng có nhiều cá lóc và thêm 2 con tép. Tôi yêu cầu dĩa rau sống kế bên, gồm có bắp chuối, rau muống chẻ, giá, giấp cá và húng lũi.
Tôi rời khỏi nhà trọ lúc gần 8 giờ sáng. Tôi đạp theo QL60 đi về hướng Đại Nghãi. Lúc này gió rất êm và bên phía tay phải tôi có rất nhiều bóng cây ven đường. Đoạn đường này cũng khá rộng và vắng xe.
Đến bến phà Đại Nghãi tôi phải đợi một lúc, khi phà đông khách, phà mới rời bến.
Lúc này gió thổi mạnh và trên sông Hậu tôi thấy cũng nổi sóng lăng tăng.
Phà cặp bến tại cù lao Dung và tôi đạp khoảng 1 km trên con đường đan, để qua phía bên kia cù lao.
Đường trên cù lao yên tĩnh và nhiều cây cối phủ kín tạo bóng mát hết cả đường, có nhiều cành xoài nặng trĩu trái, treo tòng teng phía trên đầu tôi.
Bên bến phà này, tôi phải đợi khá lâu, phà mới đủ khách để rời bến. Tôi mất khoảng một tiếng mới vượt qua sông Hậu Giang.
Gió thổi mỗi lúc mỗi lớn.
Cái mái che của tôi hơi cao, nên xe không đẩy xuống hầm được. Tôi đành phải buộc xe cho chặt phía bên ngoài.
Tôi chỉ mới rời khỏi bến phà 3-4 km là tôi cảm thấy mệt và chỉ muốn ghé lại một quán nước nghỉ mệt thôi.
Đối diện một chùa Miên, tôi thấy một quán nước ven đường có bàn nước thốt nốt, tôi ghé lại nghỉ mệt và uống luôn 2 ly. Nước thốt nốt ở đây họ nấu lại, cho nên có vị ngọt hơn và cũng bảo quản lâu hơn.
Tôi gọi cho anh Hai Nghĩa, một người bạn tôi quen hồi chuyến đi đầu năm. Anh ta muốn tôi nên ghé qua nhà anh ta bên Càng Long và đừng nên đi Trà Vinh nữa, rồi anh ta chỉ tôi hướng đi. Cũng có lý, nếu đi về hướng đó thì tôi đỡ phải nặng nhọc đạp ngược gió hơn là tiếp tục đạp tới Trà Vinh.
Nghỉ mệt xong, tôi đạp tiếp 4 km nữa đến Tiểu Cần để ăn trưa. Sau đó tôi đạp tiếp trên QL60 thêm khoảng 5 km, thì tôi rẻ phải đi đến chợ Bến Cát. Tại đây tôi được hướng dẫn đap tiếp đến Tân An.
5 km đầu thật là khủng khiếp, tôi đap qua một con đường làng đất đỏ đầy hố gà, nhưng cảnh đồng quê thì khỏi chê.
Như lời hứa, anh Hai chiều nay chở tôi đi Trà Vinh để khám phá ẩm thực ở Trà Vinh. Trước tiên chúng tôi ghé qua quán Bánh Canh Bến Có ăn thử. Đã là chiều tối nhưng quán rất đông khách. Chúng tôi kêu 2 tô nhỏ để còn dành bụng chút nữa ăn tiếp. Họ bưng ra 2 tô bánh canh với lòng heo, tôi cũng không biết ở đây họ có giò heo hay không? Tôi chỉ thấy bàn kế bên họ gọi tô xương heo.
Trong tô bánh canh nào có thịt nạc heo, tim, gan, phèo, ít hành ngò và giá. Lúc ăn thì có thể chấm thêm nước mắm và chanh ớt. Thật tình mà nói tôi thấy món này rất dễ nấu và kiểu của nó cũng y chang như là tô cháo lòng, nhưng còn kém hơn tô cháo lòng ở chỗ, là không có dồi và không có huyết. Tôi chỉ thấy có chén nước mắm là ngon, còn miếng gan luộc thì bị đen xì. Tôi chỉ có thoát lên, quá nghèo nàn, tiếp thị giỏi quá.
Sau này tôi biết thêm, quán này họ giết heo tai chỗ, nên họ bán giá rất hữu nghị. Nhưng khi đã được nổi tiếng rồi họ bán hơi mắc lại và mỗi khi hết phần thịt ngon, họ cho khách ăn toàn là thứ đồ lòng rẻ tiền. Khách địa phương, họ không còn ghé quán này nữa, ma giờ đây chỉ còn xe khách hay thực khách phương xa ghé ăn mà thôi.
Anh Hai dẫn tôi lại một quán Bún Nước Lèo trong một con hẻm. Khi bưng ra, tôi thấy món này ở đây cao cấp hơn các tỉnh khác. Một dĩa rau sống riêng, trong đó có súng, bắp chuối, hẹ và húng thơm. Ăn kèm thì có một dĩa heo quay, được gói sạch sẽ trong lá chuối, một dĩa huyết vịt và một dĩa chả giò (trong nhân bánh chả giò chỉ có khoai môn bào mà thôi, ăn không ngon cho lắm).
Để nêm thêm thì có dấm ớt và để chấm thì có chén muối ớt. Trong tô bún có thêm một ít rau sống để lên trên và thêm một ít nắm rơm bào mỏng nữa. Ở đây họ chỉ dùng có mắm bò hóc thôi, còn cá lóc sau khi được luộc chín, họ gỡ thịt ra và dằm cho nát, xong họ bỏ cá lại vào nồi. Vì thế trong tô tôi không phát hiện được miếng cá nào cả. Gia vị trong tô bún ở đây không có vị ngọt gắt như những nơi khác mà tôi chỉ cảm thấy vị mặn vừa ăn mà thôi.
Thằng cu cháu anh Hai dẫn tôi đi ăn sáng.
Nó phải tranh thủ ăn cho lẹ, để về lại nhà chụp một bô hình trên chiếc xe đạp.
Rau này được gọi là rau đắng.
Rau muống đồng.
Bữa cơm trưa cùng với gia đình của anh Hai. Mắm thái, mắm kho, dưa mắm....
Sau khi dùng cơm trưa với gia đình anh Hai, đúng như hẹn, anh Năm đến đón tôi và chở tôi đi chơi. Anh Năm rất là vui vẻ và tận tình. Anh chở tôi đến ao Bò Om và kể cho tôi biết một ít di tích về cái ao vuông vức này. Xung quanh ao là những hàng cây sao cao lớn, cũng hên là vào thời kỳ bao cấp, bộ đội đóng quân ở đây, nếu không thì e rằng những hàng cây này không còn nữa.
Gần ao là chùa Âng, bên trong đó cũng có nhiều cây sao to lớn, mà tôi thấy trong các chùa Miên của tỉnh Sóc Trăng và Trà Vinh, đều có nhiều cây cao to.
Đối diện cổng chùa là nhà Bảo Tàng Văn Hóa Dân Tộc Khmer. Chúng tôi định ghé vào thăm quan, nhưng nơi đây đang trong thời gian tu bổ, nên các hiện vật được di dời qua chỗ khác.
Anh Năm chở tôi ghé thăm chùa Phật Quang, trong sân chùa có tới 49 tượng phật và một tháp 7 tẫng, để cất giữ hài cốt.
Tiếp theo chúng tôi ghé thăm quan Chùa Hang, vì cổng vào trông giống như cái hang, nên người ta đặt tên cho chùa như thế. Một số thầy tu trong chùa này có truyền thống với nghề tạc tượng gỗ.
Những gốc cây sao lâu năm được họ tạc thành nào là bàn ghế, tượng người hay tượng thú.
Trong sân chùa họ cũng sưu tầm nhiều cây duối rất đẹp. Anh Năm cho tôi biết những cây này có giá trị rất cao, thí dụ một chùm nhỏ, có thể mất đến 10 năm để uốn nắn mới hình thành.
Tôi thấy cây này chưa được 20 năm tuổi, mà đã cho một tàn cành to lớn rất mát.
Bông của cây Sala lại rất đẹp.
Trước cửa cổng chùa hang.
Anh Năm chở tôi ghé thăm cơ sở làm bánh tét 2 Lý.
Với đặc sản bánh tét Trà Cuôn.
Cơ sở này đã từng hành nghề trên 30 năm, nhưng chỉ trong vòng 6 năm nay họ mới bắt tay vào nghề gói bánh đặc sản này mà có trứng muối trong đó. Người chủ lò cũng không biết món này được ai chế biến? ông nghĩ là đã có khoảng trong 10 năm nay thôi.
Sản phẩm này được gói bằng nếp sáp (một loại nếp hạt nhỏ), có tẩm màu xanh bằng nước lá bồ ngót. Nhân bánh gồm có đậu xanh đã hấp chín, mỡ heo, thịt heo và lòng đỏ củ trứng muối. Lúc này tôi chỉ thấy có 4 người đang gói bánh, một người chuyên làm nhân, một người thì vào nếp và gói bánh với lá chuối, giai đoạn tiếp theo là 2 người bó lạt. Sau cùng là bánh được nấu chín trong vòng 8 tiếng, bằng lò củi.
Cứ mỗi nồi họ xếp được 100 đòn.
Vào mùa Tết, kéo dài khoảng một tuần lễ, họ sản xuất bánh ngày đêm. 25 lò cuổi trong nhà được đốt liên tục trong thời gian đó, và ông chủ còn cho tôi biết, họ phải tiêu thụ khoảng 300 thước củi.
Anh Năm, người hướng dẫn viên của tôi ngày hôm nay, cũng là người từng hành nghề thầy thuốc Nam. Anh ta cho tôi hiểu biết thêm một ít về tác dụng của những loại cây lá, mà người dân ở đây sử dụng trong việc nấu nướng. Thí dụ như lá Bồ Ngót được xử dụng như rau sống hay dùng nấu canh cũng được. Lá non có vị ngọt. Lá chứa một hàm lượng A vitamin, giúp cho sáng mắt. Trước kia dân nhậu khi đấu rượu, họ ngậm một miếng rễ bồ ngót trong miệng để giã rượu.
Rất tình cờ khi ghé lại một quán nước trên đường anh ta chở tôi đến Ba Động. Tôi thăm hỏi được cách làm nước mắm rươi, một sản phẩm nổi tiếng ở đây.
Ông chủ quán kể cho tôi biết cứ vào mùa đông, từ tháng 10 âm lịch kéo dài cho tới Tết. Mùa này nước vừa lớn và lạnh. Không hiểu vì lý do gì, con rươi nổi lên trong các ao nước mặn. Người ta mới hớt chúng về chế biến món ăn, như là đánh chung với trứng vịt rồi đem hấp, hay là làm nước mắm…
Tôi ghé thăm một bãi biển xấu nhất trong đời tôi.
Nhiều kẻ háu thắng coi thường sức mạnh của thiên nhiên và đã đầu tư thất bại tai bãi biển Ba Động.
Anh Năm đang chỉ vào cây cầu xây trên 10 năm vẫn chưa xong.
Hiện nay anh Năm không còn hành nghề thầy thuốc nữa, lý do gì thì tôi không biết. Vào thời điểm này thì anh ta đang hành nghề bán Bún Nước Lèo đã được nhiều năm rồi. Sáng nay tôi cùng anh Hai ghé qua quán anh Năm ăn ủng hộ. Anh ta không làm chả giò mà làm bánh cóng, còn huyết vịt thì khu Càng Long họ không thích, nên anh ta dùng huyết heo.
Bánh cóng của anh ta khi tôi ăn đã bị nguội, nên không còn giòn và xốp nữa. Nước lèo trong tô bún thì tôi cảm thấy đậm đà và vừa ăn. Quán anh ta còn có thêm xả bào ngâm giấm, một phụ gia cũng rất quan trọng cho món này, và anh ta cũng có thêm chanh, nếu thực khách không thích dấm ớt. Tôi được biết thêm, để món này thêm ngon, trước kia người ta còn dùng cá kèo. Có thể thời nay giá cá kèo hơi mắc hay là làm tốn công, nên ai nấy cũng chỉ dùng cá lóc.
Hôm nay cả tỉnh bị cúp điện, nên gia đình anh Hai ngại nấu cơm, nên tôi ra tay nấu món lẩu thái. Trong tủ lạnh nhà họ đã có sẵn một gói nắm đủ loại từ siêu thị và một gói chả cá viên. Anh Hai ra chợ mua thêm con gà, phần tôi thì mua thêm ít rau cỏ. Tôi mua nào là rau tần ô, rau mồng tơi, rau ngổ, tai tượng (cũng giống như cù nèo, nhận dạng là lá cù nèo thì xoắn lại, còn lá tai tượng thì xòe ra. Cù nèo có vị đắng, hậu ngọt, còn tai tượng thì ngọt) và thêm một ít nấm rơm. Gia vị thì gồm có ít khóm, me, tỏi, giềng, xả, ớt, tỏi, muối, đường, bột ngọt và lá chanh.
Chiều nay tôi và anh Hai lại đi Trà Vinh. Tp. này có nhiều hàng cây to lớn rất đẹp.
Tôi thấy làm lạ là thời buổi này mấy thầy chùa cũng được đi ăn rong nữa.
|
Gà hấp mướp. Nhờ món ăn mới mẻ này mà anh chủ quán từ một người bán rong, trở thành đại gia đấy.
Tôi thấy món này chỉ là gà luộc, được xé ra và để trên dĩa mướp xào. Sao lại gọi là gà hấp mướp được nhỉ.
Anh Hai cho tôi mượn xe để chạy lại Vĩnh Trường tìm hiểu thêm về rượu Xuân Thạnh. Quang dẫn tôi qua một nhà gần đó, họ mới bắt đầu cất rượu. Trong ngôi nhà này họ làm rượu theo truyền thống gia truyền. Họ đã hành nghề trên 30 năm và họ rất nhiệt tình giúp tôi trả lời những thắc mắc về cách làm rượu ở đây.
Sáng hôm nay họ chỉ cất có 60 lít thôi, họ sẽ lấy được 10 lít rượu nhất và vài lít rượu nhì. Nồi cất rượu của họ khá đơn giản và ở đây họ đốt bằng nhiên liệu trấu.
Trước tiên là họ nấu cơm hay là nếp, kế tiếp họ trải nếp hay cơm chín ra một cái nia lớn để cho nguội, rồi họ mới ủ men và cho hết vào khạp
(thời buổi này tôi thấy họ dùng xô nhựa, theo tôi biết xô nhựa có thể tiết ra tạp chất, mà có thể ảnh hưởng đến chất lượng của rượu, nhưng nếu tôi nói ra, thì họ sẽ không tin tôi). Họ cho rượu lên men trong 6 ngày rồi mới cất. Tôi hỏi sự lên men luôn lệ thuộc vào thời tiết, nếu khí hậu lạnh vào những tháng mùa đông, họ có cần phải cho lên men thêm thời gian không? Họ trả lời là lúc nào họ cũng cho lên men đúng 6 ngày.
Chỉ có anh chàng chủ tịch của hội làng nghề rượu Xuân Thạnh, mới có hệ thống vào chai như thế này.
Lò cất rượu của anh ta rất sạch sẽ và nồi cất cũng to lớn. Nhờ anh ta có đi học hỏi thêm tại SG, nên tôi thấy sự làm việc của anh ta khác với lò truyền thống lúc nãy. Anh ta cho tôi biết là sản phẩm rượu nhất là nằm vào khoảng 52-55 độ, nếu để lâu một thời gian sẽ dịu dần và còn khoảng 52 độ. Bên lò của anh ta thì anh cho ủ men đến 7 ngày rồi mới cất. Khi xong sản phẩm, anh ta cất rượu từ đầu năm cho tới cuối năm mới vào chai (tôi không tin mấy về điều này, vì đòi hỏi một hầm chứa rộng lớn, đầu tư rất nhiều tiền, mà việc đó tôi không thấy ngay tại lò của anh ta).
Ở đây tôi cũng thấy anh ta ủ men trong xô nhựa và cất giữ rượu trong những can nhựa rẻ tiền. Tôi liền phải ngứa miệng đóng góp ngay, là quá trình làm rượu, không nên sử dụng những vật liệu như thế.
Tôi thăm quan lò rượu xong, tôi quay trở lại Càng Long, vì trưa nay, tôi còn phải trổ tài nghề nội trợ của tôi.
Phới cau.
Lò làm bánh tráng này không muốn cho tôi vào phía trong thăm quan.
Tôi trở về lại nhà thì anh Năm đang chờ tôi từ lúc nào. Anh ta sẽ dẫn tôi vào vườn để chỉ cho tôi biết về những loại cây lá của thiên nhiên mà người dân Miền Tây thường sử dụng. Anh chỉ cho tôi biết nào là cây sâm dùng để làm sương sâm.
Nào là dây mối, cũng đông lại như sương sâm, nhưng lại có vị đắng.
Anh tìm cho tôi trái bồ ngót, để tôi mang về lại Mũi Né trồng.
Đậu rồng.
Anh chỉ cho tôi biết dây mỏ quạ, cũng ăn được và có vị ngọt.
lá cải trời còn gọi là hạ thu thảo ăn mát,
lá mui dây ăn sống trị cảm.
Anh ta thích thú và cứ tiếp tục tìm những cây lạ chỉ dẫn cho tôi.
Tôi phải yêu cầu anh ta ngưng lại, vì tôi không thể tiếp thu hết những gì anh ta dậy trong trưa nay. . Lá bình bát thì ăn xào trị sổ, lá cải trời còn gọi là hạ thu thảo ăn mát, lá mui dây ăn sống trị cảm. Anh ta thích thú và cứ tiếp tục tìm những cây lạ chỉ dẫn cho tôi. Tôi phải yêu cầu anh ta ngưng lại, vì tôi không thể tiếp thu hết những gì anh ta dậy trong trưa nay.
Rồi anh ta chở tôi qua dến nhà một người bạn, để tôi tìm hiểu về cách làm sương sáo. Cách làm sương sáo có nguồn góc từ Trung Quốc và sau này được người VN học lại. Anh ta cũng không biết cây sương sáo mọc ở đâu, anh ta chỉ biết mua dây lá khô từ Cần Thơ, rồi đem nấu thành sản phẩm. Anh ta chỉ cho tôi biết những thứ gì trong sương sáo, nhưng công thức và kỹ thuật, thì anh ta không nói ra. Anh ta nấu dây lá sương sáo khô chung với một liều lượng nước. Sau đó đem lược cho kỹ rồi đun sôi lại và hòa thêm một ít bột, tôi cũng không được biết là bột gì. Cuối cùng là cho vào khuôn và để cho đông.
Một số người cho rằng, nếu mà ăn sương sáo với mật ong, gây đến tử vong, thì anh Năm có nghiên cứu về lời tin đồn này. Theo tài liệu của Hải Thượng Lãng Ông, thì mật ông kỵ với hàn the. Một số người bán sử dụng chất này để giúp sương sáo có độ dai. Còn nếu không có hàn the trong sương sáo, thì ăn chung với mật ong cũng không sao cả.
Trưa nay tôi mới được thử, bánh tét Trà Cuôn.
Tôi nấu đơn giản món cơm vịt, vì hôm qua ăn gà rồi. Tôi thấy cũng lạ là sao tôi chưa thấy ai nấu cơm vịt nhỉ, ăn cũng ngon lắm. Thằng cháu nội của anh Hai nó thích món này lắm.
Nghỉ trưa xong, anh Hai dẫn tôi đi thăm quan vườn của nhà anh ta.
Vườn của anh ta không ai trông coi, nên cũng thường hay bị những kẻ khác vào thu hoạch giùm.
2 người này là người quen, họ chỉ vào đây nhặt lá dừa khô mang về đốt.
Anh Hai đã gia mà còn máu lắm, cứ một hai là phải hái một trái dừa xuống cho tôi uống.
Hái không được, thế là phải tụt xuống. Cũng hên là cây này là cây thấp nhất trong vườn.
Tiếp theo anh ta nhảy xuống ao, để hái bông lục bình.
Cho tôi ăn thử, tôi thấy có vị ngọt.
Sau cùng anh ta phải chặt cho được bẹ dừa nước, để mang về cho toi uống.
Tôi ghé chào anh Năm để lên đường. Anh Năm siêng lắm, mỗi sáng phải thức từ 3 đến 4 giờ sáng, để chuẩn bị mọi thứ cho bà vợ đi bán.
Tiện thể tôi cũng ôn lại được những bài, mà anh ta đã hết công truyền lại cho tôi ngày hôm qua.
Anh ta chỉ tôi đạp theo con đường đan ra tới chợ Lo Co, đạp xe trên đường này thì mát lắm.
Chỉ có cái mỗi lần có xe muốn qua mặt, là tôi phải giảm tốc độ và nép hết mình vào mép đường bên phải, nếu rung tay, bánh xe mà lọt ra khỏi mép đường, thì có cơ hội tắm rạch.
Tại Lo Co.
Sau đó tôi phải đạp trên một con đường làng bằng đất khoảng 12 km, tôi mới ra đến xã Hựu Thành. Con đường đất rất hên là ít xe lớn, nên không bụi bặm cho lắm, nhưng nhiều khúc tôi có cảm giác cứ như là cưỡi ngựa.
Ra lại lộ chính, tôi hỏi tiếp đường đi tới Trà Ôn. Tôi đi theo QL54, hôm nay không có gió cho lắm, nên dù đạp ngược gió khúc này, nhưng vẫn không sao. Khu vực Trà Ôn, trước kia người ta trồng lúa, nhưng thời nay thì lại có phong trào trồng cam. 2 bên đường tôi thấy rất nhiều vườn cam.
Trưa nay tôi dững lại một quán cơm ven dường, khi còn cách Trà Ôn khoảng 10 km. Khi tôi ăn xong, thì tôi vẫn chưa thấy con Mau nó về, lúc nãy nó không chịu ăn, mà lo giỡn với 2 con chó khác. Tôi phải bận công đi tìm mà không thấy, tôi đành phải qua bên quán cà phê bên cạnh ngồi đợi nó. Trong lúc đó anh chủ quán cũng tận tình đi tìm nó cho tôi. Anh ta thấy nó đang gò con chó cái kia tút ở xóm sau, nhưng anh ta không kêu nó về được. Thì ra nó mê gái mà quên mất đi cả chủ, tôi chẳng bận tâm, tôi biết chút nó lại về. Tôi vẫn tiếp tục ngồi trò chuyện với anh chủ quán.
Lúc nó quành lại, tôi mới lên đường.
Tôi xuống bến phà Trà Ôn và tôi đi qua Lục Sỹ Thành nằm trên cù lao May. Đap xe trên cù lao thật là yên tĩnh. Khi đạp ngang qua một làng làm bánh tráng, tôi cũng ghé vào thăm hỏi một chút. Các hộ ở đây đang nhộn nhịp làm bánh, chuẩn bị cho mùa tấết. Hôm nay họ phải nghỉ sớm vì trời đã kéo mây, lúc này mới 2 giờ 30 trưa.
Thông thường thì họ chỉ cần phơi bánh ngoài nắng 20 phút là được. Nhà làm bánh tráng mà tôi xin phép vào hỏi thăm, họ đang xay bột, chuẩn bị cho ngày mai. Bây giờ tôi mới hiểu tại sao một số bánh tráng ăn vào tôi hơi thấy mặn, thì ra họ xay bột mỗi lần cho nhiều ngày. Họ phải pha thêm muối vào bột, để tránh cho bột không lên men.
Trong nhà anh ta chỉ có một lò và chị vợ anh ta có thể tráng 75 cái bánh mỗi tiếng
Đất trên cồn được trồng với nhiều loại cây ăn trái.
Cách chuyển bưởi từ ghe bên này con kênh, qua một ghe khác nằm bên kia con kênh.
Ah, bến phà đây rồi, từ nãy giờ tôi đã đạp qua 2 bến phà mà không đúng.
Xuống đến bến phà, tôi phải đợi khoảng 30 phút, chuyến phà bên kia bờ mới cập bến.
Trên phà không có đông khách cho lắm.
Tôi đến viện bảo tàng quân đội uống cà phê cùng với anh Lộc. Tại đây tôi có dịp gặp gỡ vài người bạn của anh Lộc, họ đều là những hội viên trong hội nhà văn. Trao đổi với họ, tôi đã học hỏi rất nhiều điều hay.
Trong nhóm họ có anh Thám, vừa là nhà văn mà cũng là một người phụ vợ bán quán nhậu bình dân. Hay quá, thật bất ngờ, tôi đã nghe qua lẩu mắm của Cần Thơ từ lâu. Sáng nay tôi có dịp phải thử ngay.
Anh Thám liền điện về nhà và báo cho vợ anh biết để mua thêm những loại rau mà tôi ít có dịp thử qua hay là mua được cá lóc đồng thì càng tốt.
dĩa cá, trong đó gồm có: cá basa, cá lóc, cá trê, cá trắng (các loại cá nhỏ mà có vảy), tôm và thịt ba chỉ. Dĩa rau thì có nào là: bông bí, đọt rau lang, rau nhúc, bông súng, rau muống, giá, cải trắng, cà mỡ, ổ qua, cù nèo, bông so đũa và bắp chuối.
Anh Nhất, một nhà báo của tờ Sài Gòn Giải Phóng, chạy xe đến đón tôi và anh Lộc cùng nhau qua quán của anh Thám. Anh Nhất là một người rất vui vẻ và hoạt bát, trưa nay anh có hẹn đến phỏng vấn một chuyên gia gói bánh tét cẩm nổi tiếng của Cần Thơ, mà tôi chưa hề biết tới.
Quán của anh Thám nằm khoảng 30 phút lái xe, tại phường Long Tuyền, Quận Bình Thủy, gần chợ Miễu Ông. Tuy không phải là quán nổi tiếng nhất, nhưng cũng có rất nhiều người biết tới quán này, vì vợ của anh Thám vừa nấu ngon mà giá lại rất bình dân.
Nồi nước lẩu của vợ anh Thám chỉ dùng ½ phần mắm cá linh, ½ phần mắm cá sặc, nước lã, hành tím, xả và ớt. Lẩu mắm cần ăn chung với ít bún và chấm với nước mắm ớt. Thật là ngon quá và thêm vài ly rượu Vĩnh Trường, Xuân Thạnh, mà tôi đã có công mang theo từ Trà Vinh, làm ai nấy cũng đều phải hài lòng. Nhưng bữa thưởng thức món lẩu mắm hôm nay hơi có phần hấp tấp, vì chúng tôi chỉ có vỏn vẹn 30 phút là chúng tôi phải đi làm việc.
Anh Nhất chở tôi và anh Lộc tới nhà bà Quỳnh Thị Trong, năm nay đã 83 tuổi mà vẫn còn giúp con cháu hàng ngày gói bánh tét. Hồi tháng trước anh Nhất có dẫn Jan Can Cook đến đây học làm bánh tét, nhưng hôm đó quá bận rộn, anh ta không có thời gian phỏng vấn, nên hôm nay anh mới quay lại và tôi quá hên được cùng đi.
Bà Trong là người gốc Hoa, bà đã gắn bó với nghề gia truyền này trên 60 năm. Riêng món bánh tét lá cẩm và trứng vịt muối, theo bà nhớ là từ hồi bà quay lại Cần Thơ cách đây khoảng 40 năm, khi người chồng bà qua đời. Bà thấy người ta nấu xôi lá cẩm và bà đã nảy sinh ra cách thực hiên bánh tét lá Cẩm. Từ lúc rời bỏ đất Sai Gòn, bà vừa sống bằng nghề gói bánh tét mà bà cũng là một chuyên gia làm các món bánh Tây, do chồng bà truyền lại. Ngoài ra Bà còn là một thơ nấu đám nổi tiếng của vùng.
Trước tiên bà nấu lá Cẩm cho ra màu và ngâm nếp với nước lá cẩm trong vòng 2 tiếng. Tiếp theo là bà xào nếp với ít muối, đường và nước cốt dừa khoảng 45 phút. Lúc này nếp đã chín khoảng 30 %, đây là một sáng kiến của gia đình bà, từ hồi bà bắt đầu gói bánh tét lá Cẩm. Nhân đậu thì bà cũng hấp chín cùng ít gia vị, khâu gói cũng giống như là những nơi khác. Bà dùng dây nylon để buột bánh, như thế bánh mới dẻ hơn, nghĩa là chắt hơn và gói nhanh hơn. Nếu gói dây lát thì bà chỉ chọn dây lát từ vùng Cà Mau, vì dây lát từ vùng nước mặn chắt hơn, ít khi bị đứt. Luộc bánh, bà chỉ cần luộc khoảng 5 tiếng mà thôi, vì nếp đã chín một phần nào rồi. Bà chỉ dùng củi để nấu bánh, vì lửa dể kiểm soát. Còn dùng than đá bà cũng đã thử qua, lửa vừa nóng hỗn lại rất khó canh. Trong khi đó nồi nấu bánh cũng mau bị lủng sớm và người thợ nấu, khi hít không khí từ than đá, thường hay bị bệnh.
Anh Nhất và anh Lộc đang phỏng vấn 2 người con trai nối nghiệp của bà Trong.
Tôi lần đầu tiên được làm phóng viên ké.
Giai đoạn ngâm nếp với lá cẩm.
Lá Cẩm.
Cối xay gạo, một vật kỷ niệm trong khu bếp nhà bà Trong.
Chiều tối nay tôi thấy anh Lộc bận chuyện gia đình, nên tôi lang thang thành phố một mình. Tôi quay lại một quán Bún Mắm trên đường 30 / 4, để ăn lại tô bún mà tôi đã từng thử hồi đầu năm. Quán này chỉ bán vào lúc buổi chiều, hồi tối qua khi tôi đạp qua đây lúc hơn 8 giờ, họ đã treo bảng, hết bún.
Quán này rất là đông khách, và tôi thấy họ phục vụ rất tốt, rất niềm nở. Thấy họ bận rộn quá, nên tôi cũng không hỏi rằng nước lèo của họ nấu bằng mắm gì. Trong tô bún của họ gồm có: bún, giá, rau muống, bắp chuối, thịt heo quay, cá lóc miếng, huyết, chả cá chiên, một hột vịt lộn, rau răm và hẹ. Nhờ hột vịt lộn mà nước lèo của họ tôi thấy rất ngọt, một vị ngọt thiên nhiên. Làm tôi cũng nhớ đến tô Bún Riêu mà tôi cũng ăn vào dịp hồi đầu năm, tại khu chợ Cái Khế, trong tô bún ấy có hột vịt lộn.
Quanh quẩn khu Bến Ninh Kiều cũng toàn là hàng ăn.
Sáng nay tôi cũng ghé uống cà phê cùng các anh chị trong hội nhà văn. Hôm nay anh Lộc vắng mặt, nhưng chị Dung và chị Tuyết sẵn sàng dẫn tôi ghé thăm quan một lò làm tương tại Cái Răng.
Chị Tuyết trước kia cũng đa từng viết bài về lò tương Nam Hưng Lợi rồi, nhưng Chị vẫn rất thích quay lại trò chuyện với ông chủ lò tương tại đây, vì ông ta rất thật tính và vui vẻ.
Ông ta cho tôi biết là gia đình ông ta đã làm nghề tương này hơn 100 năm rồi và ông thuộc thế hệ thứ ba.
Để làm thành sản phẩm tương, ông phải luộc đậu nành cho nhừ khoảng 4 tiếng, nhưng hột đậu không được bị nát.
Sau đó trải đậu ra bàn cho ráo và nguội. Rồi ông trộn đều 3% bột mì (trong đó có meo giống. Meo tương vi sinh là nhờ công của ông Trần Phước Đường cấy tại trường đại học Cần Thơ) chung với đậu.
Trải đậu đều vào nia và để nia ở một chỗ mát cho lên men.
Sau 4 ngày đổ đậu ra bàn và đánh cho tơi lên rồi vô khạp, cứ mỗi khạp của lò ông làm là khoảng 60 kg.
Kế tiếp là vào nước muối. Ông phải xây một bể riêng để khoáy nước muối. Trước kia khi nước sông còn sạch, ông dùng muối hột hòa tan với nước sông và để cho chất dơ lắng xuống. Ông chỉ dùng nước muối trong ở bên trên thôi. Vào mùa khô thì độ đạm của nước muối là 17 và mùa mưa là 20.
Đổ nước muối gần đầy miệng khạp, ông lấy miếng kiếng đậy miệng khạp lại. Khạp được để ngoài trời, rồi sau 25 ngày, là ông cho rút nước nhất ra.
Sau đó ông đổ thêm nước muối vào khạp với độ đạm là 15 và để thêm từ một tuần cho đến 10 ngày, rồi cho rút nước ra, gọi là nước hai.
Phần còn lại trong khạp chỉ cần vào nước đường sẽ được gọi là tương hột.
Nước tương sau khi được rút ra, ông cho vào một khạp mới, và để phơi nắng một thời gian cho trong. Thời gian bao lâu tùy thuộc vào kinh nghiệm của người thợ. Trong thời gian phơi, nước tương sẽ rút đi khá nhiều, khoảng 2 tháng, nước tương trong khạp rút mất khoảng 30%. Nước tương được phới nắng sẽ càng thêm thơm và ngon.
Cuối cùng là rút nước tương trong ra và hòa chung với một lượng nước đường thắng thích hợp và sản phẩm coi như là xong.
Nước rút nhất sẽ cho nước tương nhất, nước rút nhì sẽ thành nước tương loại nhì.
Thăm quan lò tương xong, tôi chia tay với chị Dung và chị Tuyết. Tôi tiếp tục một mình la cà bên khu Cái Răng. Tôi có nghe tin đồn rằng bên Cái Răng có một nhà làm món Nem Nướng rất ngon, nhưng cũng vì sợ bác thuế quá, nên họ cũng chỉ bán cho khách quen đến mua mang về mà thôi. Họ cũng rất sợ nhà báo đến viết bài về món nem của họ. Nếu mà tôi tìm được đến quán nem này, thì tôi cũng không cho các bác biết đâu, hihi.
Sinh hoạt trên chợ nổi Cái Răng.
Bán nước giải khát trên sông.
Sống lấn chếm bờ sông.
Dơ quá, chắc đây không được gọi là khu phố văn hóa rồi.
Bữa cơm trưa dưới chân cầu Cái Răng.
Từ chợ Cái Răng tôi đạp theo một con đường mòn dọc theo bờ sông, cho tới gần chân cầu Hưng Lợi.
Tôi thấy một bến phà đưa khách qua sông. Hay quá tôi tận dụng cơ hội này ngay, chứ đạp qua cầu vào lúc giữa trưa thì vất vả lắm.
Tuy trên phà chỉ có mình tôi là khách , nhưng anh lái phà trẻ vẫn đưa tôi qua đến bên chợ nhỏ trên đường Tầm Vu.
Ăn ly sương sáo hạt lựu cho mát. Cả thành phố Cần Thơ vẫn còn cúp điện.
Chiều tối tôi hẹn cùng đi ăn với anh Lộc. Anh dẫn tôi đến một quán nem ngay khu trung tâm, một trong những quán nổi tiếng nhất ở đây và đông khách lắm.
Dĩa nem nướng họ bưng ra gồm có: nem, bánh hỏi, bành tráng, xà lách, húng thơm, húng quế, dứa miếng nhỏ, dưa leo, chuối chát, giấp cá và hẹ. Dĩa đồ chua thì có: xã bào, củ kiệu, củ sen, cà rốt và củ cải trắng. Nước chấm là tương xay và đậu phọng.
Trong bữa ăn, anh Lộc cho tôi biết thêm vài món độc đáo của các tỉnh ma tôi mới đạp qua. Tôi tranh thủ ghi chép lại những thông tin đó. Tôi sẽ còn quay lại vùng đất thân thiện này một dịp khác.
Khi chia tay với anh Lộc và không quên cám ơn thời gian quý báu anh đã dành cho tôi. Tôi và đệ tử ruột đạp tàn tàn xuống bến Ninh Kiều hóng mát.
Tôi ghé lại quán nước mía bên khu cung viên mà tôi đã ghé hôm tối qua. Hôm nay tôi mới có dịp lần đầu tiên ăn thử món trứng nướng. Cũng không có gì đặc biệt cho lắm, anh bán trứng chỉ tôi kỹ thuật làm, là trước tiên anh ta đâm một lỗ nhỏ để bơm hết trứng ra. Sau đó mới đánh đều với ít gia vị. Bơm trứng lỏng đã được thêm gia vị vào lại quả trứng, rồi mới đem nướng. Khi ăn thực khách chấm thêm muối tiêu chanh và nhai thêm vài lá rau răm.
Tại khu vực công viên này cũng có vài nơi bán mấy món chiên mà tôi không hạp cho lắm. Tôi thấy món xôi thập cẩm mặn là đáng thử nhất. Tôi tìm xe xôi nào mà đông khách nhất, tủ kiếng đầy ấp thịt, tôi ghé lại xếp hàng.
Hộp xôi chỉ có 10 ngàn mà hấp dẫn quá trời.
Cần thơ là thành phố lớn nhất ở khu vực Nam Bộ, nhưng rất tiếc là lại không có những món ẩm thực riêng biệt để lôi cuốn du khách, tôi đành phải lên đường tiếp thôi.
Hôm nay tôi lại quay lại Long Xuyên để ghé lại khu Tràm Pha bên kia bờ sông. Tôi đạp theo con QL91B, con đường mới được làm để giảm bớt lượng xe bên đường cũ. Nhưng khách qua lại vẫn chưa quen thuộc với con lộ mới, nên vắng xe lắm. Đến khi gần tới quận Ô Môn 2 con đường giáp lại, tôi mới thấy thật là đông xe.
Nơi đây trước kia chỉ là ruộng, giờ thì được nâng cấp thành quận. Cứ làm như thế mới có điều kiện tăng giá đất, tăng giá thuế, tăng giá điện, tăng lương cho quan chức… và nhiều người dân sẽ thêm khổ.
Tôi thấy đường chật chội mà lại nhiều xe qúa, đoạn đường mới ra khỏi Ô Môn có một khúc văn hóa là có lằn riêng cho xe 2 bánh, nhưng khổ nổi chỉ dài khoảng 200 mét thôi. tôi chỉ muốn đi đò qua bên kia sông, để đạp theo QL54 xem sao? Nhưng tôi còn lững lợ là tôi muốn đạp qua Thốt Nốt xem có gì đặc biệt không? Đáng tiếc là không có gì đặc biệt cả, Thốt Nốt giờ cũng trở thành một quận thuộc thành phố Cần Thơ.
Mà sao lại lạ thế, con đường QL91 đi ngang qua thành phố, sao tôi đạp cứ như là đang cỡi ngựa vậy. Từ đầu này đạp tới đầu kia Thành Phố, tôi đếm vỏn vẹn có 2 cây xanh lớn mà thôi.
Tôi mau lẹ lẹ đạp qua cầu Bò Ót, để xuống bến phà vượt qua sông cho được việc.
Qua bên kia bờ Cái Dầu, tôi đạp vòng vo theo con lộ đan để đến bến đò Vàm Cống. Lộ đan bên này vừa rộng, vừa mát, vừa yên tĩnh và không bụi bặm. Đến khu bến đò Vàm Cống, tôi được hướng dẫn qua một con đò nhỏ, rồi đạp tiếp hương lộ 01 để tới Tràm Pha.
Khoảng hơn 4 giờ chiều tôi mới ghé tới nhà Nãng. Anh ta đã chuẩn bị cho bữa nhậu họp mặt chiều tối nay cho tôi. Anh ta đã chuẩn bị nào món gỏi ốc xoắn hay còn gọi là ốc đắng cho tôi ăn thử. Anh ta đã bỏ công lội sông để bắt đám ốc này vào 2 ngày trước, và rộng chúng trong khạp nước cho sạch. Chỉ có một thiếu sót nhỏ trong món này, là hôm nay trong vườn nhà anh ta không có bắp chuối hột, nên anh ta đành dùng bắp chuối xiêm để làm món gỏi này. Món này ăn chắm chung với nước mắm chua ngọt thật là tuyệt vời. Thêm một món nữa mà tôi đã từng thử qua, đó là món Gỏi Sầu Đâu. Vào mùa này Sầu Đâu trộ bông, nên có vị ngon hơn.
Tôi có việc, nên tôi cần phải về SG, nên tôi phải gửi lại con Mau và chiếc xe đạp lại tại nhà Nãng. Tôi vừa lên xe thì trời đổ mưa tầm tã, tôi nghe nói là hình như ảnh hưởng bảo. Tôi thấy sao mà tôi hên thế, từ hôm về Miền Tây tới giờ những ngày mưa tôi đều thoát ướt.
Bữa cơm trưa tại quán ăn chuyên dành cho khách xe, ếch xào lăn và đậu đũa xào thịt. Ăn ở những quán này giá thường là mắc gấp đôi so với những quán ăn bình dân trên đường.
Về đến bến xe Miền Tây, tôi đón xe buýt đi về Ngã 4 An Sương và sau đó mới đi tiếp đến Hóc Môn. Hôm nay là ngày đám giỗ của một người chú không bà con, nhưng tôi vẫn coi ông ta như là một người chú ruột. Nhóm bạn của ông ta và tôi năm nào cũng họp mặt để làm một bữa cổ nho nhỏ, để luôn nhớ đến một người bạn tốt đã ra đi.
Cây Sake tại nhà anh bạn tôi mùa này có nhiều trái lắm, trái Sake chiên ăn ngon hơn cả khoai tây.
Tôi trở lai SG với cảm nhận một bầu không khí nặng nề và nóng nực. Tôi tranh thủ ghé thăm những người quen và đi lo một số công việc. Ngày mai tôi sẽ lên đường. Tôi không ở lại SG vui chơi đón ngày đầu năm? Đối với tôi không cần thiết. Nhóm bạn tôi mới quen ở Long Xuyên, họ quý mến tôi. Đón ngày đầu năm với họ, tôi tin rằng chắc vui hơn.
Xe honda ôm đến đón tôi vào lúc 8 giờ 30 sáng. Tôi đã đặt vé trước cho chuyến đi vào lúc 9 giờ. Chuyến xe xuất bến rất đúng giờ và tôi thấy nhân viên trên xe phục vụ khách rát tận tình.
Đến 2 giờ trưa tôi mới tới bến phà An Phú. Nãng cũng vừa đến và đón tôi về. Tuy là công việc đồng quê luôn bận rộn, nhưng anh ta lúc nào cũng hăn hái tìm kiếm một món đồng quê gì đó để đãi tôi. Mùa này bắt chuột hơi khó khăn, anh ta đã thử vài ngày trước đây, nhưng không bắt được con nào. Chiều nay anh ta rủ tôi ra một bờ ao để thả lưới bắt cá lòng tong bay. Tiếp theo anh ta mò bắt cá lau kiếng cho tôi ăn thử, nhưng chúng lại bé quá.
Về lại nhà, anh ta chưa hài lòng với sản phẩm mới bắt. Anh ta lại rủ thằng cháu xuống sông bắt ốc, vì lúc này nước đang cạn. Tôi cũng muốn tham gia lội bùn bắt ốc, nhưng lại không nhờ được ai chụp hình giùm.
Bắt được mớ ốc, anh ta lại chạy ra một ao khác để chích điện, tìm cho bằng được một con cá lớn cho tôi thưởng thức. Rất tiếc là cá trong các ao đó đã bị bắt sạch, tôi phải năn nỉ mãi anh ta mới chịu thôi.
Rau mồng tơi.
Lá thuốc vòi hay là đọc theo kiểu người Nam, lá thuốc dòi. Lá này người ta dùng để ủ trong những hủ mắm, các con vòi sẽ bám vào cành cây và chết.
Ngoài ra người ta còn nấu lá thuốc vòi chung với lá dứa để làm nước mát giải khát.
Đám trẻ con trong làng cũng tò mò theo dõi chúng tôi bắt cá.
Trở về túp lều lý tưởng, Nãng trổ tài làm bếp.
Khi chúng tôi trở về lại nhà, thì vợ của Nãng đã lo xong bữa cơm. Mớ cá lòng tong bay được chế biến thành 2 món: tẳm bột chiên và kho quẹt. Đám ốc mới bắt lúc nãy thì phải ngâm cho sạch, ngày mai mới dùng được. Còn đám cá rô và đám cá sặc nhỏ mới bắt đợt sau, thì Nãng đem chiên giòn. Bữa cơm còn có thêm món canh bắp non của nhà tự trồng, và món canh cò nấu đu đủ, cũng là sản phẩm bắt được hôm qua và đu đủ cũng từ ở nhà.
Trong bữa cơm, ba của Nãng, năm nay đã 84 tuổi, nhưng vẫn khỏe mạnh và minh mẫn.Ông giải thích cho tôi biết là ở miệt quê thì không sợ đói. Hễ muốn ăn là cứ siêng năng ra vườn ao, tìm một thứ gì đó là về chế biến thành món ăn.Như con cò, không có nhiều thịt, nhưng nấu với đu đủ, nước súp trở thành ngọt lịm, chỉ có cái là còn thoáng mùi tanh. Món cá lòng tong kho quẹt thì ngon khỏi chê.
Tối nay tôi ầm thầm đón năm mới một mình trong khi mọi người đã chiềm sâu trong giấc ngủ ngon.
Dẫu sao tôi cũng cảm thấy rất vui trong không khí thân mật tại nhà Nãng.
Tiếng cọc cạch của bước chân trên ván nhà sàn làm tôi tỉnh giấc. Tôi ngó đông2 hồ mới 5 giờ sáng mà nhiều người trong nhà đã thức giấc. Tiếng gà gấy và tiếng nhạc cải lương cũng làm cho tôi không thể ngủ tiếp được. Tôi thấy ngoài trời còn tối, nên tôi cũng cố nằm nướng thêm nửa tiếng. Khi thấy Nãng dậy rồi lúc đó tôi mới bò ra khỏi mùng.
Sáng hôm nay là đầu năm rồi, không khí mát lạnh hơn thường khi. Tôi và Nãng chạy xe qua Long Xuyên, vì anh ta cần phải hàn một cái cây lõi cho ống bơm, còn tôi là đi để tìm hiểu về món cơm tấm Cây Điệp, mà nhiều người khen ngợi.
Chúng tôi hẹn gặp Sơn bên kia phà và rủ nhau đi ăn sáng. Tìm được quán Cây Điệp theo địa chỉ tôi truy cập trên mạng không được. Chúng tôi cần phải hỏi thông tin của quần chúng. Quán đã dời đến một địa điểm mới, và chỉ vài phút sau chúng tôi đã tìm tới quán.
Quán cũng tấp nập người ra vào. Mới ngồi xuống là chủ quán hỏi liền là đi mấy người. Tôi liền trả lời là 3 lớn 2 bé. Tôi tưởng là anh ta đi tìm bàn rộng cho chúng tôi, nào ngờ chỉ một phút sau, đã có người mang ra 2 dĩa cơm nhỏ và 3 dĩa cơm lớn. Ấn tượng đầu tiên của tôi là, khách kông được lựa chọn chăng? Trong dĩa cơm gồm có thịt nướng sắt chỉ, bì, trứng kho sắt nhỏ mà hơi bị nát, hành lá phi và ít đồ chua. Tôi thấy cơm ở đây không phải là hạt cơm tấm như những chỗ khác mà lại nấu hơi khô. Một vấn đề khác thật khó chịu là khi tôi đang ăn, hình như là có tới 4 cọc vé số được xòe ra trước mặt tôi. Cơm đã khô mà còn làm tôi lại khó nuốt thêm. Khi tính tiền thì dĩa ngó sen được tính tiền riêng? Quán này thật tình không xứng đáng để thử như lời đồn. Có thể là quán này ăn đứt nhiều quán cơm tấm ở Sài Gòn, nhưng đối với vùng Long Xuyên này, thì tôi đã thử có vài quán ngon hơn.
Vợ của Nãng đang làm bánh lá.
Bột bánh làm từ bột gạo, và được ép một lớp mỏng trên lá mít.
Rồi thả chúng vào nồi nước sôi, luộc cho chín.
Nếu dùng mặn, thì ăn những chiếc lá bột này với nước cốt dừa và nước mắm pha.
Họ lại trộn gỏi sầu đâu.
Mới sáng sớm khi tôi mới dậy là đứa con gái lớn củ Nãng hỏi là sao tôi không ở lại chơi thêm vài ngày. Tôi chọc cô ta là nhà sẽ không đủ gạo nuôi bác đâu. Mấy đứa con của Nãng lễ phép và dễ thương lắm. Tôi cũng hy vọng qua Tết tôi sẽ ghé lại đây thăm họ, nhưng hôm nay thì tôi phải tiếp tục lên đường. Đã mấy ngày nay không đạp mà còn ăn nhậu, thì e rằng sẽ mau béo phì mất.
Nãng hướng dẫn tôi ra lại đầu đường TL944 và ghé lại quán cà phê ao sen 209, nơi mà chúng tôi lần đầu tiên quen biết nhau và đồng thời để tôi chào cô bé chủ quán.
Sau đó tôi đạp khoảng 2 km đến cầu Cỏ Nai và tôi rẽ phải đi theo một con đường làng bên này cầu. Đây là một con đường đất cũng khá láng và rộng rãi, chạy dài theo con kênh. Đạp hết con đường này tôi đến chân cầu Cái Nai và tôi phải hỏi đường đi tiếp tới TT. Lấp Vò.
Đến TT. Lấp Vò tôi rẽ phải đạp theo QL80. Tôi dự định là ghé đây ăn sáng, ai ngờ nơi tôi vừa quẹo là mé phía bên ngoài khu trung tâm. Giờ này đã gần 9 giờ, tôi quan sát không thấy một điểm ăn sáng nào khả quan, tôi tiếp tục đạp qua cầu Lấp Vò và dần dần rời xa khỏi thị trấn.
Con đường QL80 rộng và vắng xe lắm. Bên phía tay trái của tôi là mé sông, có nhiều đoạn được trồng cây phượng, trong tương lai là con đường này rất đẹp. Nơi đây tôi thấy rất nhiều kho lúa, ghe cộ trên sông vận chuyển hàng tấp nập. Chỉ có nỗi là khu vực này sao ít quán xá thế. Tôi vừa mệt và hơi đói bụng, tôi đành phải ghé lại một quán ăn tạm cho đỡ đói, bình thường thì quán này tôi không bao giờ ghé đâu. Quán ăn lúc này không có khách, tôi hỏi là còn gì ăn sáng không? Thì bà chủ la là còn. Tôi gọi một tô hủ tíu xương, nhưng bà ta nói không có xương mà chỉ có thịt và bò viên thôi. Nghe nói một quán bán phở, hủ tíu mà không có xưong là tôi nghi rồi. Tôi đợi cũng khá lâu, bà ta mới bưng ra cho tôi một tô hủ tíu nóng hổi, mới nấu xong. Thì ra hồi nãy tôi đợi lâu là để bà ta nấu nước sôi, trước mặt tôi là một tô hủ tíu nấu bằng bột nêm của loại hủ tíu ăn liền. Thôi lỡ rồi, đành nuốt đại, tôi chỉ gấp lấy sợi hủ tíu ăn thôi còn nước bột ngọt thì không dám. Những viên bò viên loại siêu thị cũng để thùng đá hơi lâu, ăn toàn là bột mà lại có mùi không mấy hấp dẫn. Tôi cho con Meo ăn thử mà nó cũng không thèm.
Tôi hỏi trả tiền, thấy bà chủ quán phân vân một chút rồi mới nói 25 ngàn. Tôi đã tính trước là nếu bà ta mà hét 30 ngàn là tôi sẽ phản ứng ngay. Tuy là tô này không xứng đáng với giá đó, nhưng tôi nghĩ tới đến lời mẹ tôi khuyên nên tôi bỏ qua. Tôi rút tiền ra trả cho lẹ và chỉ muốn rời khỏi nơi đây cho rồi.
Tôi cũng an ủi là đoạn đường mà tôi đạp tiếp theo cũng không có quán nào hợp lý để tôi ghé ắn. Tuy quán lúc nãy tôi không hài lòng, nhưng bây giờ bụng no, đạp cũng dễ dàng hơn. Có điều là mỗi lần tôi ăn bột ngọt, là lưỡi tôi một lúc sau sẽ bị tê, hôm nay thì bị tê rất lâu. Tôi đạp thêm khoảng 5 km, tôi mới thấy một quán cà phê có sân rộng để tôi ghé lại. Tôi chọn quán cà phê rộng rãi là để cho con Mau nó chạy thoải mái, chứ bắt nó nằm hoài thì nó sẽ ngu người ra mất. Tôi không ngờ một quán sạch đẹp rộng rãi mà ngồi cả hơn nửa tiếng chỉ có mình tôi. Từ hôm lòng vòng ở khu vực Miền Tây đến giờ, tôi chưa thấy một QL nào mà lại vắng người qua lại và vắng quán xá như khu vực này hết.
Nghỉ mệt xong, trước cửa quán cà phê tôi thấy mình chỉ còn 25 km nữa là tới Sa Đéc, khoảng trưa nay tôi sẽ tới đó.
Tôi tàn tàn đạp tiếp và đến một ngã tư, tôi rẽ sang tây trái theo TL852. Tôi chỉ thích đạp theo những con đường tiểu lộ thôi, vì vừa vắng xe mà lại vừa mát.
Đạp được một chút, tôi thấy một quán nước mía ven đường tôi ghé lại nghỉ mát. Anh chủ quán đang chuẩn bị ăn cơm và tiện thể mời tôi cùng ăn, tôi phải cám ơn khéo là vì còn no với tô bún dở ẹt lúc nãy. Anh ta kêu tôi nên lấy ít cơm cho con Mau ăn. Chúng tôi ngồi trò chuyện cũng khá lâu, rồi tôi mới xin phép lên đường tiếp. Lúc tính tiền ly nước mía, anh ta không lấy, tôi phải gửi lại tiền cho cô em gái. Anh ta mời tôi khi khác có dịp hãy ghé chơi. Những người vui tính như thế, nếu có điều kiện đi ngang qua, dĩ nhiên là tôi sẽ ghé.
Vào chưa đến khu trung tâm, trên một góc đường của Nguyễn Tất Thành và Trần Thị Nhượng, tôi thấy một quán thịt vịt nướng than mà họ đang quay rất nhiều con. Chứng tỏ là họ phải làm ngon nên mới quay nhiều đến thế. Tôi đã thấy một quán tương tự khi tôi đạp ngang qua tt. Mỹ Thọ gần Cao Lãnh. Hôm đó tôi còn ngần ngự, hôm nay là tôi phải ghé vào thử xem sao?
Ở đây phần nhỏ nhất là nửa con, giá 90 ngàn. Tôi kêu thêm chai bia uống giải khát, dĩa thịt bưng ra to chà bá luôn mà họ còn hỏi tôi ăn thêm bánh mì không?
Chỗ đâu mà nhét nè mấy cha, hihi. Tôi cùng con Mau ăn phủ phê mà vẫn không hết. Tôi phải xin một hộp xốp mang về cho nó chiều nay xơi tiếp.
Quán này là quán vịt nướng mà người chủ không am hiểu về món này và dám lấy tên quán là Vịt Quay Bắc Kinh.
Đảo qua khu chợ đêm, tôi cũng chẳng tìm được món gì lạ cả.
Nhờ thông tin của Phuongdiver, mà tôi tìm mãi không ra được quán Văn Vĩ, trước kia nổi tiếng với món Hủ Tiếu Sa Đéc. Hỏi tới hỏi luôi thì ra quán này đã dẹp lâu rồi, người ta mới hướng dẫn lại một quán cũng người trong gia đình nấu. Quán nằm ngay đầu hẻm, trên đường Thống Nhất hay giờ đây gọi là Nguyễn Tất Thành, cũng ngay gốc đường mà quán Văn Vĩ nằm trước kia. Quán có tên là Ông Bảy, tôi gọi một tô hủ tíu khô, lần đầu tiên tôi thấy hủ tíu được trình bày trong dĩa với một chén nước lèo, thường thì các quán khác tôi thấy họ để hủ tíu trong tô. Kèm theo là dĩa rau gồm có giá, xà lách, cần và hẹ. Miếng giò heo ở đây ngon, làm tôi nhớ tới miếng giò heo mà mấy bữa trước tôi ăn tô bún bò ở SG mà thấy ngao ngán, miếng thịt ấy bở rẹc. Nước súp ở quán này gia vị vừa ăn và ngon, nhưng hơi nhiều bột ngọt. Giá cả thì mềm thật, chỉ có 20 ngàn mà thôi.
Tô Hủ Tíu Sa Đéc đặc biệt là tôi thây sợi hủ tíu mềm mại và dai, không co khô như là hủ tíu các nơi khác. Nước lèo thì tôi thấy quán hủ tíu nào cũng vậy.
Những gia đình nghèo sống trên sông.
Cho tôi một ly sưa đậu nành đi bà chủ.
Tôi thấy nước sông kinh quá, vậy mà người ta vẫn tắm rửa và giặt giũ, thậm chí cả rửa thức ăn và rửa chén bát.
Một đoàn khách Tây.
Họ cũng đi thăm quan khu vườn kiểng.
Ở Sa Đéc nổi tiếng với nghề ươm cây kiểng. Nhưng những loại bông đẹp, họ vẫn phải nhập từ Đà Lạt hay Trung Quốc về rồi bán lại vơi giá cũng khá mắc như nước ngoài.
Sa Đéc cũng là vựa lúa lớn nhất VN.
Đối diện ngôi chùa này là một quán ăn chay miễn phí khá rộng rãi.
Tôi cũng ráng tìm tới quán Hủ Tíu Mực Cầu Đốt, ai ngờ nơi đó cũng không còn bán nữa. Tôi ghé lại một quán hủ tíu gần đó và gọi tô Hủ Tíu Mực. Thật tế vị nước lèo cũng y chang như Hủ Tíu Sa Đéc mà tôi ăn lúc sáng. Nước lèo cũng nấu bằng mực khô, tôm khô, củ cải và xương heo. Chỉ có khác nhau là mực hay heo mà thôi. Tô hủ tíu tôi ăn ở đây cũng rẻ lắm, chỉ với giá 18 ngàn mà thôi.
Tôi chạy ra phía sau chợ, khu vực bán trái cây và ngồi uống nước theo dõi cảnh làm việc tấp nập tại đây.
Bên cạnh chỗ tôi ngồi là một bến phà nhỏ, chủ yếu dành cho xe đạp. Tôi hỏi thăm anh bán quán nước bên ấy có gì đặc biệt không, thì anh ta trả lời là chỉ có vài cái nhà cổ.
Tôi thì không am hiểu nhiều về cổ học, nên tôi cũng không biết qua đó mình sẽ làm gì? Và tôi đạp về lại nhà trọ nghỉ trưa là thượng sách.
Những người cắt thuốc Nam tình nguyện.
Ở khu vực Miền Tây, có rất nhiều nơi, bà con nghèo có thể đến nhận thuuôc Nam miển phí.
Chính bản thân của ông già cũng chẳng giàu có gì, mà thấy ông ta bỏ thơi gian đi làm công quả, thạt là bái phục.
Nhà nghỉ tôi ở đối diện ngôi chùa này.
Chiều nay tôi đi tìm kiếm món chả cua đồng, thì mọi người lắc đầu là không biết. Họ chỉ tôi nên đến quán lẩu cua đồng mà hỏi thử. Tôi cũng ráng đạp tới quán kế bên quán trưa qua tôi đã ghé ăn vịt nướng. Tôi hỏi cô chủ quán là trong lẩu có chả cua đồng không? thì cô vui cười là không, nhưng trong nước súp thì có cua. Tôi thấy một phần lẩu ở đây nhiều lắm, có thể đến 4 người nhậu cũng được. Tuy giá chỉ có 120 ngàn một cái lẩu, nhưng tôi không thể phung phí nhậu một mình, nên tôi đành hẹn cô chủ quán lần sau tôi sẽ rủ thêm bạn bè đến ăn.
Tôi đạp ngược lại khu chợ và không thể tìm được món gì hấp dẫn, nên tôi ăn tạm tô mì và mua thêm một cái bánh bao với danh hiệu Tài Có. Cái bánh bao ăn dở thật, chắc đây không phải là chi nhánh mà là những kẽ vô tài ăn cắp danh hiệu của người khác mà thôi.
Cứ nước lên, là bà con co người giặt quần áo, mà có người ngồi đầu cầu vớt cá bằng cái vó nhỏ.
Sáng hôm sau, trước khi rời hkoir Sa Đéc, tôi ăn thêm một tô Hủ Tíu Sa Đéc nữa, hơi khác biệt hơn tô tôi ăn hôm qua, nhưng nươc lèo thì cũng giống nhau.
Tôi chưa bao giờ đạp với một tinh thần thoải mái như là ngày hôm nay. Thứ nhất là trời mát, thứ hai là đường rộng và láng o, thứ ba là gió thổi cũng chiều, thứ tư là chặng đường hôm nay tôi đạp quá ngắn.
Đường tới Vĩnh Long.
Anh này cũng có tâm trạng thoải mái như tôi.
Chẳng mấy chốc tôi đạp tới bến phà Hàm Lương. Tôi phát hiện một quán cơm sườn ngay ngã ba rất đông khách, tôi liền ghé vào ngay. Họ bưng ra cho tôi một dĩa cơm sườn chả, 2 miếng sườn to rất dầy thịt, thật đúng là miếng sườn. Còn các quán trước hay là những quán khác mà tôi ăn, họ rao sườn mà bán miếng thịt nạc lưng, miếng thịt lưng thì không có mỡ và khô hơn.
Dĩa cơm 25 ngàn đồng.
Quán ăn này tôi sẽ quay lại ăn và cũng có thể giới thiệu cho mọi người khác có dịp đi ngang hăy ghé mà thưởng thức. Ngoài ra nhân viên phục vụ vui vẻ còn tặng cho con Mau một phần sương. Những người bán vé số cũng lịch sự đợi khách ăn xong mới tới mời.
Xong bữa cơm tôi đạp một lèo tới ngay góc bùng binh của Bệnh Viện Đa Khoa Vĩnh Long. Tôi ghé lại một quán cà phê tại góc đường. Vừa uống cà phê và tôi vừa suy nghĩ là nên ở lại đây hay đi tiếp. Tôi gọi cho Ba của Danh, gia dình mà tôi ghé ngang dự đám giỗ cách đây gần khoảng 2 tuần, ông ta không cầm ống. Tôi có hứa là đến Vĩnh Long tôi sẽ ghé thăm gia đình ông ta, chắc là ông bận. Tôi thấy Vĩnh Long không có gì đặc biệt để lôi cuốn tôi ở lại. Thế là tôi quết định đạp tiếp đến Cái Bè.
Tôi thật bất ngờ khi trả tiền cho ly cà phê đá mà tôi mới uống. Quán cũng khá khang trang mà ly cà phê chỉ tốn có 7 ngàn, thật rẻ bất ngờ.
Trước tiên tôi ghé quán Tài Có bên kia đường, để ăn món Bánh Bao và Bánh Ú của quán này. Chỉ có 2 món này là tôi thấy ngon thật, còn những món khác như bánh canh cua hay mì vịt tiềm thì tằm thường thôi, không đáng để ca ngợi. Bánh Bao ở đây ăn khác hẳn cái bánh bao rởm mà tôi ăn tối hôm qua.
Lúc này là hơn 3 giờ chiều, tôi mới đạp xuống bến phà Đình Khao. Tôi phải đợi tại bến phà cũng khá lâu mới có chuyến. Qua bên kia phà mới đạp một chút là có lối rẽ trái và tôi đi theo con đường ấy. Đạp đến ngã ba kế tiếp, cô bán trái cây chỉ cho tôi là nên đạp ngược lại, vì đoạn đường kế tiếp đang sửa. Tôi đạp lại con lộ chính và phải đạp qua một cái cầu.
Dưới chân cầu có bảng hướng dẫn rẽ trái để đến bến phà đi Cái Bè. Đoạn đường này là đường làng và chạy dọc theo một con kênh. Tôi cũng phải đợi một lúc phà mới rời bến, hình như phà này chỉ dành cho xe 2 bánh mà thôi. Chuyến phà này giá hơi cao hơn những phà khác vì phải chạy rất lâu mới tới Cái Bè.
Chiếc xe này tải hơn 150 kg chôm chôm.
Thị trấn Cái Bè nhỏ tí teo. Tôi phải đạp qua đến ngoài bìa của thị trấn, tôi mới thấy được một ks. Thật ra Cái Bè chỉ là nơi vận chuyển hoa quả từ Đà Lạt về đây rồi bằng tàu bè, họ vận chuyển tiếp đến các tỉnh Miền Tây. Nơi đây có một chợ nổi và du khách chủ yếu đến đây là thăm quan các cồn trái cây. Ngoài ra ẩm thực nơi đây nghèo nàn lắm, cũng hên là tôi vẫn còn cái Bánh Ú của Tài Có để ăn cho bữa chiều tối nay.
Các bác điện lực và viễn thông không hề quan tâm đến mỹ thuật thành phố.
Tôi quay lại chợ Cái Bè để ăn sáng và tôi tìm được một chỗ với món Bún Chuối.
Nghe lạ quá, cọng bún có màu hơi đen, hơi dai như miến, nhưng sợi bún chuối lại to hơn sợi miến. Bà chủ quán cho tôi biết cọng bún này xuất xứ từ Tây Ninh, làm bằng bột gì thì bà ta không biết. Nước lèo ăn với bún chuối cũng là nước lèo ăn vời hủ tíu. Tôi thấy nước lèo bà chủ này nấu ngon, vì bà nấu nhiều xương hơn là bột ngọt.
Xong tôi xuống bến đò thuê một chiếc đò chở tôi đi thăm quan khu chợ nổi và sau đó chở tôi sang cồn Tân Phong. Chợ nổi Cái Bè không có gì là hấp dẫn cả, lúc tôi đi là khoảng 9 giờ 30 sáng, mà tôi đâu có thấy họ buôn bán gì đâu. Chỉ có ghe đò là chạy qua lại tấp nập mà thôi và được thêm một cái là cảnh nhà thờ từ phía sông rất là đẹp.
Nhà thờ Cái Bè nhìn từ phía sông.
Ông lái đò với khuôn mặt rất tập trung, nơi đây có rất nhiều ghe cộ qua lại.
Tôi đến cồn Tân Phong.
Hoa Đa Lộc, có nghĩa là nhiều tiền, thích quá, tôi mua một nhánh mang về Đồi Cát Trắng trồng thử, nhưng thất bại.
Bụi hoa Đa Lộc đẹp lắm.
Khu tiếp khách của vườn ông Năm On sạch đẹp và rất thoáng mát. Ngồi trò chuyện với ông chủ, tôi được biết. Là vườn của ông thường đón khách Tây của đoàn ghé thăm quan vườn trái cây rồi nghỉ lại một đêm cùng với thưởng thức ẩm thực Miền Tây. Tôi hỏi giá thì thấy nghỉ lại đây rẻ hơn bên Cái Bè một chút.
Tôi chỉ chê là ở đây họ lại trang trí bông giả trên bàn, ghế thì lại ghế nhựa. Cảnh đồng quê phải dùng ghế tre mới hài hòa chử. Ông chủ cũng nhiệt tình trả lời, là vì không biết chỗ mua.
Du khách còn được nghe nhạc cải lương miễn phí nữa.
Ông chủ tốt bụng cũng giúp tôi cách phân biệt các loại chuối và dùng chúng thế nào khi biến chế thức ăn. Như chuối già hay là chuối tiêu, chỉ ăn trái mà thôi, bắp chuối không dùng được vì có vị đắng và mau bị ố đen, lá chuối cũng đắng và không dùng để gói bánh được.
Cây chuối hột, chuối sáp và chuối xiêm hay còn được gọi là chuối sứ đểu có thể dùng lá gói bánh, dùng bắp chuối để ăn và cả thân chuối non cũng dùng để bóp gỏi được. Đặc biệt là thân chuối hột và chuối sáp bóp gỏi rất ngon. Kỹ thuật để bóp gỏi thân chuối, là người ta phài sắt dọc theo bẹ và dài khoảng 10 phân. Làm như thế nó mới không hút nhiều nước và giữ được độ giòn. Nếu sắt ngang như kiểu trộn với rau sống, thân chuối sẽ hút nước nhiều và bị mềm. Ông còn chỉ thêm, trái chuối sáp khi mới chín, nấu cà ri rất ngon.
Vừa giảng dậy cho tôi, ông dẫn tôi đi coi con cá lóc 5 kg ông mới mua và chiều nay nó sẽ hy sinh cho một đoàn khách. Tôi cũng được phép vào nhà bếp nhìn người nhà ông đang nấu nướng cho khách và tôi có thiện cảm ngay, nhà bếp họ sạch sẽ. Tôi thấy thực đơn của họ chỉ tập chung vào đồ đồng thôi và chỉ là đồ tươi bắt từ thiên nhiên. Rất hạn chế món, rất đơn sơ, nhưng lại chất lượng.
Quan sát khu bếp xong, tôi thấy có lý quá. Tôi sẽ ở lại đây hôm nay để thưởng thức những món ăn tươi và chất lượng này. Nhưng khổ nổi khách đã đặt hết phòng chiều nay.
Trái cây mùa này ngoài vú sữa, không có gì là đặt biệt cả.
Lúc này khách đến đông, ông ta cũng phụ vào làm bếp. Tôi không muốn làm phiền ông ta nữa và xin phép lên đường. Tôi cũng mua của vườn ông một củ bông Đa Lộc, vì tôi thấy bông này đẹp, tôi sẽ mang về nhà anh bạn tôi ở Bàu Trắng trồng. Nơi đây chắc chắn tôi sẽ quay lại để tìm hiểu và học hỏi thêm.
Tôi phải vòng vo trên con đường mòn giữa những vườn cây xanh mát một lúc, tôi mới ra được con lộ nhựa. Rồi kế tiếp là đường đan.
Tôi cảm thấy rất sản khoái, không khí trên cồn thật thoáng mát và không hề có tiếng còi xe in ỏi. Tuy không phải là một cồn lớn, nhưng tôi cũng thấy có nhiều ngã ba lắm. Nhiều lúc tôi cũng không biết nên quẹo lối nào và tôi đã đi đậu phọng. Thay vì tôi phải đến bến phà Rạch Giông, tôi lại chạy xuống bến phà Tân Phong. Thế là tôi lại trở lại bên bờ bên kia, không sao cả, tôi đạp tới bến phà Châu Thới cũng gần đó, để đi qua bến phà Thới Lộc.
Tôi cũng phải vòng vo một lần nữagiữa các vườn cây trên những con đường mòn bằng đất, rồi lộ đan, rồi lại đường đất. Tôi mới ra tới QL57 và tới Chợ Lách. Tôi đạp ngang qua một quán, thấy có món lạ, Hủ Tíu Gà, tôi ghé vào ngay.
Ngoài ra tôi để ý rất nhiều quán ăn ở đây đều có món Hủ Tíu Mực. Thì ra hủ tíu gà, hủ tíu mực hay hủ tíu xương đều dùng chung một loại nước hầm xương hay nước luộc gà. Nhưng bà chủ quán cho tôi biết, nấu hủ tíu mực là dễ nhất. Có nhiều quán người ta không muốn bỏ công hầm nước xương để lấy vị ngọt mà người ta chỉ dùng bột nêm để nấu nồi nước lèo, rồi khi khách ăn, chỉ bỏ vài con mực thế là xong tô hủ tíu.
Hỏi thăm về những món đặc sản nơi đây, Bà cho tôi biết vào dịp từ mùng 3 đến mùng 6 tháng 5 âm lịch hàng năm. Khu Chợ Lách tổ chức hội lễ trái cây và vào thời điểm đó, họ vớt nào ốc gạo và hến từ sông để đổ bánh xèo. Riêng con hến họ còn nấu thêm món bánh canh và hủ tíu.
Hến thì có quanh năm, nhưng ngoài dịp lễ không ai dùng hến để chế biến món ăn cả. Bà cho tôi biết cả khu chỉ có khu du lịch Ba Ngói nằm ở Vĩnh Bình, là lúc nào họ cũng có món Bánh Xèo Hến.
Thu nhập được một chút tài liệu, tôi lại đạp tiếp đến bến phà Tân Phú. Tôi thấy QL57 và cả khi tôi quẹo qua TL884, tôi thấy đường nào cũng vắng người qua lại cả. Chiều nay trời không có nắng thật là mát.
Đến bến phà Tân Phú tôi phải đợi khá lâu mới có phà, và từ bến phà tôi đạp thêm 12 km nữa là tôi tới Tiên Thủy. Lúc này đã xế chiều và khi tôi gặp được nhà nghỉ đầu tiên ở đây, tôi ghé lại.
Nhà nghỉ này thoáng mát và có sân cây đẹp.
Tôi dừng lại thăm quan một cơ sở làm mứt dừa dẻo ven đường. Họ rất niềm nở và mời tôi uống một ly nước dừa mát rượi.
Anh chủ nhà trọ cho tôi biết gần đó có quán nhậu thịt dơi và thịt chuột. Oh, vậy tuyệt quá, tôi qua đó thử ngay. Mới hơn 6 giờ là quán đã hết hàng và chuẩn bị đóng cửa. Người chủ quán giải thích cho tôi biết là các món nhậu của họ, còn tùy thuộc vào người đi bắt, nên họ không dám hứa là sáng mai sẽ có hàng. Tiếc quá, đã bao nhiêu lần tôi thử món dơi sao lại hết hàng vậy, chắc đây là hàng quý hiếm.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét