Thứ Bảy, 21 tháng 9, 2013

Săn lùng ẩm thực dân gian 5


Tui được phép ngồi trên boong tàu ôm con Meo. Theo quy định thì tôi phải cho con chó vào một cái lồng. Các nhân viên trên tàu đã có phần dễ dãi cho tôi, vì tôi không có cái lồng chó.


Chỉ hơn 1 tiếng sau, là tàu cặp bến tại Phú Quốc.


Tôi chạy về An Thới.


Và đi phà qua Hòn Thơm, xe gắn máy thì tôi gửi lại quán nước tại An Thới.


Tôi đến hơi trễ. Sơn đã qua bên hòn khác ăn đám giỗ. Chỉ có Sự chờ tôi ở nhà.
Anh ta trổ tài làm món Gỏi Cá Trích.


Sáng hôm sau tôi và Sự chèo xuồng ra bè câu cá. Nhiều cá vô cùng, thế là có cá ăn trưa rồi.
Cá Chàm Chuột thì nướng ăn, cá Chàm Trắng ăn không ngon, đem cho đám Cá Bóp trong bè đớp.


Chiều đến, chúng tôi lại rủ nhau ra bè câu cá. Anh chủ bè quá vui tính rủ nhậu. Anh ta bày ra Chả Cá Chàm Vàng, rất là dai và ngon. Thêm Lẩu Mực, Chả Trứng Mực và Cá Dìa vớt từ bè mang nướng.
Tôi và Sơn cứ tưởng là chiều nay chốn khỏi chầu nhậu, nào ngò...quá tuyệt vời, Ngọc Sương sao có vé?


Chúng tôi đang phân vân hôm nay nên làm Robinson bên Hòn Mây Rút hay là đi theo ghe đánh cá qua bên Đền Ông Dội hay còn gọi là Giếng Tiên.


Tôi và Sơn thì không thích ồn ào, nhưng nhiều người khác ham dzui, nên chiều theo số đông vậy.


Người dân họ tin rằng Đền Ông Đội có sự linh thiêng, nên họ đến đó cầu xin để làm ăn tốt đẹp như các đại gia.


Từ Hòn Thơm ghe chạy đến Đền Ông Đội mất hơn 1 tiếng đồng hồ. Trong thời gian đó các anh ngư dân tranh thủ vá lưới cho chuyến đi đánh cá vào ngày mai. Tối qua các chú Tý trên ghe đã cắn phá lưới của họ tanh bành.


Bãi Đền Ông Đội đẹp thiệt, bên An Thới người ta có thể đi theo đường mòn ra đây. Khu này là khu quân đội, nên chỉ vào những dịp lễ, người dân mới được sử dụng đường bộ. Khách nước ngoài miễn vào.
Tôi nghe nói trong những ngày lễ, các chòi nước và hàng ăn mọc lên tưng bừng trên bãi này.


Nếu đổ bộ như chúng tôi thì đến Đền lúc nào cũng được.


Mới đột nhập vào khu vực Đền, là nhóm phụ nữ liền bắt tay chuẩn bị cho việc cúng bái.


Việc cúng bái nhanh chóng bắt đầu.


Người dân cho rằng, lúc Vua Gia Long thất trận, ngài đã từng ở đây. Cái ghế đá là của ngài ngồi đợi thời thế.


Phía bên kia là Bãi Khem. Cũng là khu quân đội, khách Tây miễn vào.
Nếu các bác có đến Bãi Khem ăn Gỏi Cá Trích, thì bên đó có thế mướn đò qua bên bãi này.


Bãi này có linh thiêng không thì tôi không biết.


Nhưng ông gác đền tình nguyện này cho chúng tôi biết là lâu lâu có cặp tình nhân qua đây tắm tiên.
Công việc của ông này ở đây là nhậu ké và gôm đồ cúng dzìa.


Chính giữa hình là Giếng Tiên, chỉ sâu chưa đầy 1 mét, có nước ngọt quanh năm. Người dân múc nước về để nấu nướng, rửa ghe.... một hình thức như nước thánh.


Đang chờ đợi cho nhang mau tàn.


Thần thánh nhậu xong rồi, đến phiên chúng ta thôi.


Dzô.


Mấy đứa nhỏ ăn xong trước nên có nhiều thời gian bơi lội.


Nhậu mới hết có 3 thùng bia thôi.


Anh tài công đưa chúng tôi trở lại Hòn Thơm.


Phụ nữ và con nít đi xuồng vào bờ.


Đám nam nhi cặp lại bè cá.


Nhậu tiếp 3 thùng bia còn lại.


Qua ngày hôm sau


Nhóm chúng tôi chỉ có 6 người, qua Hòn Mây Rút chơi tró Robinson.


Đến điểm lặn rồi.


2 thợ lặn chỉ cần 30 phút thôi. 
Tôi thì câu cá.


Mồi nhậu hôm nay.


Củi thì lũ khũ.


Sơn, anh bạn ở trần, người bạn đại gia mới quen của tôi. Đây là lần thứ 2 tôi ra Hòn Mây Rút này. Sơn là chủ đât của một khoảnh nơi đây.


Bên đây một anh thợ lặn đang chuẩn bị món nướng mọi.


Anh thợ lặn bên kia đang luộc ốc.


Nào nhậu. 


Ít rượu quá, trở lại bè nhậu tiếp.


Anh bạn tôi quen từ Mũi Né với chú Cá Nóc.


Cá trong bè vớt lên làm mồi nhậu.
Tôi mà ở đây lâu dài, chắc chắn anh chủ bè này sẽ bị phá sản, hihi.


Cá Chiên Xù, tôi cũng chẳng còn nhớ là cá gì nữa.


Cá Mú Chiên Xù. 
Tôi mới học được cách làm. Trước tiên đập đầu con cá cho nó chết, không mổ ruột, lấy nước mươi cho thiệt mặn chà rửa conb cá cho sạch nhớt. Lấy cái đũa đâm thẳng vào họng con cá (làm như thế khi chiên cá không còn búng ra khỏi chảo dầu nóng được). Chiên phải bằng mỡ heo nóng có phi tói mới thơm ngon.


Cảnh thế này nhậu sao say?


Lại nhậu đến tối mới về.


Tạm biệt Hòn Thơm, tôi trên đường đến Dương Đông.
Tôi muốn tìm đến nơi bán món Bánh Canh Chá Cá và món Bánh Tét lá Mật Cật.
Tôi được biết quán bánh canh nổi tiếng nhất, họ chỉ bán vào buối sáng, đôi lúc chỉ 8 giờ sáng là hết rồi. Còn các quán khác thì không ngon, đừng có ăn.
Bánh Têt lá Mật Cật thì chẳng có gì đặc biệt cả. Lá Mật Cật là một loại lá rừng, hình như là cùng loại mà người ta dùng làm nón lá. Bánh ăn cũng bình thường như là bánh tét gói bằng lá chuối, thậm chí lá mật cật không có mùi vị gì cả.
Đang trong lúc thât vọng lai gặp hên.
Anh có phải là anh Xích Lô không?
Tôi ngạc nhiên nhìn đôi bạn trẻ và hỏi lại. Tôi đâu còn đạp xích lô đâu, mà nhận ra tôi.
Thì ra nhận dạng tôi nhờ cái thùng đá và chú chó. Nghĩ cũng buồn cười, lần trước anh bạn Charlie cũng nhận diên ra tôi như thế, hihi.
Mời anh cùng ngồi dùng cơm trưa với bọn em. Oh cám ơn nhe, tôi tự nhiên lắm
Mình mà mỗi ngày gặp môt fan như thế này thì suốt đời đi chơi lang bang cho sướng, tôi chợt nghĩ.
Anh bạn trẻ là từ Châu Đốc, anh ta đang dẫn cô bạn gái thơ xinh đi thăm quan cảnh đẹp Phú Quốc.


Chia tay với đoi bạn trẻ. Tôi thấy giá phòng trọ tại Dương Đông hơi mắc, tôi quay về Hàm Ninh nghỉ lại đêm.


Tôi ghé lại nhà nghỉ Hải Anh, hên quá, ông chủ đi chơi chưa về, thế là chiều nay không có kèo nhậu.



Nam anh bạn chạy xe ôm mà tôi quen được trước, giờ cũng bận chạy xe thêm bên Dương Đông, nên mãi đến tối anh ta mới rảnh uống chung ly cà phê với tôi.


Cũng hên nhờ Nam mà tôi mua được một trong cái vé cuối cùng cho chuyến sáng nay. Trời hôm nay có gió lớn, chiếc tàu cao tốc lắc qua lắc lại, làm cho khối người phải cho chó ăn chè. Cũng hên là mới cấp 5 hay 6 mà thôi, chứ gió thổi cấp 7 là tàu không được rời bến. 
Tôi đành phải nhường ghế cho một bà lão khiếm thị ngồi ghế dự bị kế bên tôi, để bà ta ngòi an toàn hơn.


Rồi chiếc tàu cũng an toàn cập bến Hà Tiên.


Tôi mới phát giác ra ở Hà Tiên cũng có vài món lạ.
Quán này nằm phía sau lưng nhà thờ, trên đường Mạc Tử Hoàng, chỉ bán từ 1 giờ trưa đến khoảng 5 giờ chiều là hết.


Bún Nhâm, một món bún có nguồn gốc từ Campuchia.
Trong tô bún gồm có: bún, giá, đu đủ sống bào sợi, dưa leo băm nhỏ, tôm chà bông và môt ít húng thơm. Sau đó nước cốt dừa tươi chan lên trên cùng với ít nước mắm pha hơi mặn mặn. 
Khách ăn món này là phải cắn thêm miếng ớt cay xé lưỡi mới ngon, bà chủ quán nói. 
Nhưng tôi đành làm lơ, tôi mà cắn một miếng, là chắc phải tìm lu nước nhảy ùm vào quá.


Món kế tiếp.

Bánh Lọt Xào. Bánh lọt xào chung với giá và hẹ trong một cái chảo. Cái chảo khác là dùng để chiên trứng. Bánh lọt xào nóng lên và bỏ vào dĩa, rồi tôm xào băm nhỏ rắc lên trên với ít đậu phọng rang, sau cùng là úp cái mền bằng chứng chiên. Món này cũng được chan nước mắm pha và cũng phải cắn thêm miếng ớt.
Trong lúc tôi ăn, điện thoại đặt hàng cứ reo liên tục. Tôi nghĩ giờ ăn ở đây cũng khá lạ nhỉ. Lúc này là đang 1 giờ rưỡi trưa mà họ bán đắt hàng thiệt.


Cô chủ quán khuyến khích tôi ăn thêm dĩa Bánh Khọt. Chơi luôn.
Trong dĩa có 6 cái bánh khọt không có pha màu nghệ còn nóng hổi. Bột của bánh là có nước cốt dừa, hành lá và giá. Bên trên bánh thì có rắc thêm ít tôm xào và phải ăn chung với nước mắm pha hơi ngọt.
Tôi ăn thấy miếng bánh rất mềm mại và thơm lừng mùi dừa.


Cô chủ quán cho tôi biết là còn món Bún Kèn nữa.
Thôi để sáng mai tôi tìm quán khác ăn, giờ thì căng lổ rún rồi.


Chiều nay tôi ăn thử thêm tô Bún Cá Hà Tiên.


Bà chủ hàng rong này bán bên góc đường Lam Sơn và Mạc Công Du. Bà tiết lộ cho tôi biết là bà có dùng thêm mắm cá linh để nấu cho nồi nước lèo thêm ngọt. Trong tô bún của bà ta là không có tôm tép gì cả, chỉ có thịt cá lóc xé nhỏ và chả cá hấp. Trong dỉa rau nào có: giá, rau muống, bông súng, rau nhúc, hẹ, rau răm và húng cây.Ngồai ra khách có thể nêm thêm, nước mắm, chanh, ớt xay, ớt khô và muối ớt.
Tôi thấy hoàn toàn không giống tô Bún Cá Hà Tiên (kém ngon) mà tôi ăn lần trước. Tôi thấy tô bún này gần giống tô Bún Nước lèo Sóc Trăng, và tôi thấy bà người Miên này nấu ngon.


Còn món gì lạ nữa không ta?
Tôi quan sát thấy ở đây họ có nghề làm tôm khô.


Nhiều loại sò ốc.


Nhiều loại hải sản tươi sống.


Trước khi rời Hà Tiên phãi ăn tô Bún Kèn đã. Món này tôi thấy chỉ bán vào buối sáng. Đặc biệt chỉ có quán ngày hôm qua là họ lại bán vào buối trưa.
Ở Hà Tiên hầu như chỗ nào có bán món Bún Kèn, là có luôn món Bún Nhâm.

Tôi thấy có thêm một món lạ, đó là Phở Hải Sản. Quán này họ cho rằng món họ là món đặc biệt. Trong khi đó lúc tôi vào là họ đã phục vụ xong đám khách trong quán. Vậy mà họ để tôi ngồi bơ vơ hơn 5 phút. Thấy đợi lâu quá mà không ai nói gì, lúc đó tôi mới biết họ đang nấu ở phía sau, chiếc xe phở thì nằm phía trước???
Tôi thấy khả nghi, kiểu này nước lèo chắc chắn là bột ngọt thôi. Thế là leo lên xe vọt. Bác nào đã dùng qua món đặc biệt này, xin hãy chia sẽ cùng cho anh em biết nhé, vì tôi đã bõ lỡ cơ hội. 


Tô Bún Kèn cũng tương tự như tô Bún Nhâm, tôi thấy chỉ có nước lèo chan lên trên là khác thôi.
Trong tô bún gồm có: bún, dưa leo bào, đu đủ bào, giá và lá húng cay. Một ít nước cốt dừa tươi, một ít nước mắm pha mặn mặn và nước lèo cà ri cá được chan lên tô bún. Cá đã nấu chín, gỡ lấy thịt và xào với ít cà ri, rắc lên trên cùng.
Món này ăn là cũng phải cắn thêm trái ớt hiểm mới ngon.
Bà bán hàng bật mí cho tôi biết là món này thường nấu với cá biển: cá sòng, cá sọc, cá ngân... nói chung cá nào cũng được. Trong nối nước lèo là phải có thêm ít nước côt dừa cho có vị thơm và béo.


Ăn xong tô Bún Kèn, vẫn chưa đủ đô, phát hiên thêm một món lâu rồi chưa ăn qua, Bánh Canh Ghẹ.
Tô bánh canh ghẹ ở đây không ngon bằng tô bánh canh ghẹ ỡ Chợ Đầm, Nha Trang. 
Tôi thắc mắc hỏi chỉ có một que ghẹ nho nhỏ này trong tô, là được gọi bánh canh ghẹ sao?
Cô chủ quán thật thà trả lời, ghẹ lúc này mắc quá anh ơi, 300 ngàn 1 kg đó.
Tôi nghe thấy cũng chóng mặt. Nếu giá cả mà cứ leo nhanh như chong chóng thế này, tôi e rằng chỉ trong thời gian ngắn nữa thôi, các món ăn dân gian này sẽ dần dần biến mất, mà chỉ xuất hiện trong những nhà hàng sang trọng mà thôi. Vào lúc này tôi đã thấy rất nhiều món ăn có phần kém đi chất lượng hơn xưa rồi.


Hôm bữa trước còn thiếu nhai qua món xôi này, Xôi với Đậu Xanh rang và Nước Cốt Dừa.


Căng bụng quá rồi, lên đường thôi.


Mới ra khỏi Hà Tiên lại thấy mấy cái hũ này mé ven đường.


Món gì lạ thế ta.


Cà Síu Chua, tôi mua thữ một bịch mang theo vì không dám mua trong lọ nữa. Mấy bữa trước mua 2 lọ mắm tiêu xương, để trong thùng đá, khi xe chạy bị lắc, thế là cái nắp nó bung lên, mắm văng ra đầy thùng, công nhận thơm thiệt, nhưng phải mất mấy ngày làm vệ sinh, mới bay hết mùi.


Ngay Ngã Ba Cay Bàng, là một khu bán hải sản tươi sống.


Có nhiều loại sò ốc mà tôi chưa có dịp ăn qua.


Tôi đang trên đường quay lại Tịnh Biên. 
Con đường hoang vắng này, cách đây 3 tháng tôi đã phải ráng đạp qua trong bóng tối với tâm trạng lo sợ.


Đây là rau rút.


Cách con kênh lịch sử này, Kênh Vĩnh Tế khoảng 1 km là lãnh thổ của Campuchia.


Tôi lại hết thời hạn visa, vì thế phải qua bên Campuchia và quay lại, để lấy cái mộc mới, tiếp tục du hý VN thêm 3 tháng nữa.
Tôi phải mất 20$ cho visa vào Campuchia và 2$ cho tấm hình. Tôi không có mang theo Bác Hoa Thịnh Đốn mà chỉ mang theo Bác Hồ, thế mà các anh đại học chữ to ấy tính ra là tôi phải trả 700 ngàn đồng. Tôi kèo nèo bằng tiếng việt là sao mắc thế còn 600 ngàn à. Biết là bị hớ nhưng kệ bà, cho xong việc. Tôi cứ nhớ lời ông bà dậy, đồng tiền đi trước là đồng tiền khôn ngoan. Mà đúng thiệt.
Nhân viên cửa khẩu hỏi tôi, your address? how many days?
Tôi trả lời lại bằng tiếng việt, không có địa chỉ, mà cũng không có ngày nào hết.
Thế là anh ta vui vẻ đóng luôn một phát 2 cái mộc, mộc vào và mộc ra.
Mà chắc họ thấy tôi xấu trai hay sao, mà lại quên chụp hình cho hồ sơ visa nhỉ.


Trong thời gian làm thủ tục visa, mới thấy được xe vận tải 800 kg loại 2 bánh này với khá nặng tải.


Chiếc rờ mọc kia tải được bao nhiêu tấn thì tôi không biết.


Nhiều người đến chợ Tịnh Biên là để mua sắm, mặt hàng gì? tôi không biết.


Tôi tìm những con đường làng, để chạy tiếp về hướng Tri Tôn.


Món gì lạ à nha. Bánh Tép Chiên Giòn ăn với muối tiêu. Bà này làm ngon, biết cách pha bột, cắn một miếng giòn tan.
Đến Tri Tôn là tôi phải uống một ly nước thốt nốt cho đã, mặc dầu đã biết lời căn dặn của bác Phuongdiver, hihi, hễ thấy mấy người đi lấy nước thốt nốt hứng bằng mấy chai nước suối đen xì thì khỏi uống.
Tôi đâu có thấy đâu, khuất mắt mà, cứ thế mà nốc. Hồi còn đạp xe mini là phải nốc tơi 3 ly cơ mới đã.


Bánh Canh Cá Lóc ăn với Bánh Cam Mặn. 
Có 2 gánh ven đường nằm gần lúc vào tơi tt. Tri Tôn. Bán vào lúc trưa chiều mà thôi, cũng khá đông khách.


Chạy qua Tri Tôn một đoạn, vượt qua cầu Sóc Thiết, phía dưới cầu có một con đường làng dọc theo con kênh chạy thẳng tới Hòn Đất, nằm trên QL60. Tôi chạy khoảng 20 km.


Ra lại QL80 tôi chạy về hướng Rạch Giá.


Đợt vừa rồi ghé Rạch Giá, tôi không thấy món gì lạ. Giờ thì mới đọc báo chí trên mang, họ ca ngợi Bún Cá Kiên Giang. Không gì hấp dẫn cả, giống tô bún tại Hà Tiên, một trong những tô Bún Cá dở nhất của vùng Đồng Bằng sông Cửu Long. Các bác nhà báo lại khoác nữa rồi. Tôi ăn tại quán nổi tiếng nhất trên đường Mạc Cửu, gần trường Kinh Tế Kỹ Thuật đấy.


Tôi thấy cặp bạn trẻ này hay, họ dám tạo ra cho mình một phong cách riêng. Anh chồng thì deco chiếc xe, cô vợ về SG học 2 khóa pha chế nước uống tại Nhà Văn Hóa Phụ Nữ.
Xe bán giải khát trước cửa Metro.


Tôi phải chạy ra khu chợ Rạch Sỏi để tìm món này.


Bún Riêu Sò.
Tjàh, cũng là tô bún riêu, chỉ cần bỏ vào thêm vài con sò, thế là Bún Riêu Sò. Tôi sẽ không ngạc nhiên trong tương lai sẽ có Bún Riêu Bò, Bún Riêu Cá Lóc, Bún Riêu Lươn....


Trong câc tỉnh Miền Tây nơi đâu tôi cũng thây món Cút Nướng, Gà Nướng.....


Thêm một chiếc xe độ.


Tìm được môt món mới đây, quán này là một quán ăn bình dân, nằm gần đầu hẻm 140 đường Lê Thị Hồng Gấm. Họ chỉ mở cửa vào buổi sáng, khoảng 10 giờ trưa là hết


Cơm Vịt.
Dìa cơm của tôi có nào là dưa leo, đố chua, hành lá phi và rau muống chua. Dĩa thịt để riêng có cả mề và gan. Món này ăn chung với nước mắm pha chua ngọt.
Ăn ngon thiệt, nước mắm hơi mặn, chỉ có một điều là béo quá, ăn mau ngán.


Tôi chạy theo QL61 đến Long Thành.




Anh này cũng có sáng kiến kiếm sống hay.


Đến khúc này tôi đi đậu phọng. Chạy tới Giồng Riềng mới biết mình chạy hớ 10 km.




Thấy cổng ngôi chùa này đẹp chạy vào thăm quan.


Chùa Thanh Gia.






Trên ngọn cây cao trong chùa có 2 loại cò, Con Việt và Còng Cọc.
Chính quyền địa phương cấm săn bất chúng, nhưng mỗi khi gió lớn, chim con bị rơt (có con nặng cả 3 kg), người ta lượm về nhậu.




Người dân Miền Tây thật là mộc mạc. Đi trên đường thấy cây nhãn lồng, anh này dừng lại hái í


Trái Bình Bát, cũng gần giồng họ với Mẵng Cầu Xiêm, đến đầu mùa mưa mới ăn đươc. Trái này không có giá trị, chắc chắn là không dùng thuốc.


Tơi chợ Gò Quao là giữa trưa.


Không có món lạ, ăn dĩa Bánh Khọt, 10 cái 10 ngàn.


Chạy tiếp đến bến phà Xám Cụt.




Bến phà cũng có văn hóa à nha.


Đây là một trong những sản phẩm từ cây Lục Bình.


Đan giỏ bằng dây lục bình.


Phơi dây lục bình. 


Qua thêm một phà nữa, phà Cầu Đỏ


Đoạn đường đá chẻ này dài khoảng 4 km. Nếu lủng bánh là tiêu đời, nơi đây không có tiệm sửa hay vá xe.




Tại chợ Phước Long.


Tô Bún Riêu kiểu Miền Nam.


Vào mùa này còn Năng sao? thì ra bây giờ người ta trồng. Cho tôi 3 bó nhé.

Chiều nay tôi ghe lại gia đình anh Tráng tại Bạc Liêu dùng bữa cơm. Tôi đóng góp thêm món Cà Síu Chua (tôi mua từ Hà Tiên), chấm chung với Năng. Ôi ngon quá, ai cũng khen món Cà Síu Chua.

Sáng ngày hôm sau tôi không muốn bước ra khỏi giường, tôi đang bị cảm lạnh. Chắc tối hôm qua tôi uống quá hớp với anh Tráng? hay là mấy ngày nay trưa nào cũng ngoài nắng?
Tôi nằm nghỉ trong phòng trọ cả ngày, không uống thuốc cũng không ăn, chỉ uống nước thôi. Trong khi đó tội nghiệp cho anh Tráng cứ băng khoăng không biết tôi bị sao nữa.
Đến chiều tôi thấy hơi khỏe lại và nhờ đi xông hơi, nên sức khóe tôi lúc tối đã trở lại gần như bình thường, nhưng không dám lai rai với anh Tráng nữa.


Tôi lại phải chia tay với gia đình Anh Tráng. Lần này chị Tráng có làm một hũ mắm cá lóc tặng tôi mang theo.
Khi rời TP. thấy quán này đông khách lắm, tính tò mò là phải ghé lại.
Quán nằm trên đường Hà Huy Tập thì phải.


Hủ Tíu Cà Ri Vịt, muốn ăn gà cũng có gà. Không ngon bằng Bánh Tầm Cà Ri Gà của Cà Mau.


Tôi lại chạy theo con đường Nam Sông Hậu. Lúc chạy ngang qua Vĩnh Châu, lần này thì thấy họ đang thu hoạch cải.


Tôi cũng phải chạy đến tt. Trần Đề, qua đò Rạch Tráng, cứ đầu giờ có chuyến.


Bên kia Cù Lao Dung, đi tiếp đò Định An, cùng đầu giờ có chuyến.


Và kế tiếp tôi phải qua đò ngang Định An đế chạy theo QL53 về Duyên Hải.
Tôi có hẹn đến một quán cà phê nằm gần khu Ba Động, để lấy một chai Nước Mắm Rươi, mà chính từ tay ông chủ nhà tự làm. Ông ta hứa với tôi khoảng 3 tháng trước (tình cờ làm quen), lúc đo ông ta mới bắt đầu muối Rươi, là sau Tết nước mắm mới chín ông ta sẽ tặng cho tôi 1 lít thưởng thức.
Đúng là quân tử nhất ngôn, tôi đúng hẹn và ông ta cũng giữ lời. (tôi còn đang chờ chai nước mắm quý hiếm cho trong, tôi mới ăn thử, mùi thơm thì thơm lắm).



Xin được chai Nước Mắm Rươi lớn, tôi tặng lại ông chủ quán cà phê tốt bụng một chai Nước Mắm Phú Quốc nho nhỏ.
Bây giờ tôi chạy về Càng Long, khi chạy ngang qua Cầu Ngang, tôi không thể không ghé thử tô Bún Nước Lèo tại đây. 
Tôi không còn nhớ là tôi đã ăn qua bao nhiêu tô Bún Nước Lèo, Bún Cá trong vòng gần 3 tháng qua tại vùng đất thân thiện này. Nhờ thế đã cho tôi một kết luận của riêng tôi, là tô Bún Nước Lèo của vùng Trà Vinh mới xứng đáng là bậc đàn anh của các tỉnh Miền Tây.


Gần về tới Trà Vinh lại thấy nhiều hàng bán Bò Khô, đặc sản chăng? Cũng phải dừng xe mua vài lạng cho bạn bè nhậu thử.


Cô bán cho em một bịch Bánh Lọt nhé.


Tại Trà vinh, tôi ghé quán Cà Ri Ja, nằm trên đường Điện Biên Phủ. Ông chủ quán đúng là người Ấn Độ rồi.


Quán này chỉ bán Cà Ri Gà hay là Cà Ri Dê mà thôi.
Đây mới đúng là Cà Ri, thật là ngon.


Tôi vòng vo Trà Vinh phải nhiều lần, tôi mới tìm được duy nhất môt điểm cũng gần Cà Ri Ja, họ chuyên bán Bánh Tét Cốm Dẹp.
Hình thức cũng y chang như Bánh Ít Nhân Dừa, tôi ăn chẳng thấy ngon lành gì. Món này là của người Khmer.


Sáng hôm sau, tại Càng Long, anh Hai lại rủ tôi đi ăn sáng. Lại Bún Nước Lèo.
Tôi thấy hầu như ít còn quán nào còn bán kèm theo Banh Giá chung với tô Bún Nước Lèo như quán của anh Năm. Vì làm bánh giá đòi hoỉ nhiều thời gian, nên các quán khác trong tỉnh Trà Vinh, họ làm chả giò cho lẹ.


Ăn sáng xong rồi, mình đi tìm một đặc sản cúa Miền Tây đi anh Hai.


Chuột.


Cả ba tháng nay ta mới có cơ hội sực mi.


Nhiều chú tý nín thở hay lắm đó, Phuongdiver, hihi. Chắc phải hơn 2 phút.


Ông chủ quán lột lông chuột xong. Đến phiên bà chủ tẩm gia vị.


Quàn nhậu dân dã này chỉ bán từ trưa tới chiều. Những gì tôi mới chứng kiến, đúng là hàng tươi, bảo đảm an toàn vệ sinh thựa phẩm luôn.


Tôi mua 5 con mới ướp mang về, tổng chi phí 100 ngàn. Bà chủ khuyến mãi thêm cho tôi 1 con.


Trưa nay tại nhà anh Hai, anh Năm trổ tài làm bếp.


Anh Hai đảm nhận công việc làm nước chấm. Anh ta chỉ cho tôi là nếu tỏi và ớt đâm nhuyễn, bỏ sau cùng vào nước mắm đã pha sẵn, sẽ nổi lên trên, trông bắt mắt. Không biết cách làm, chúng sẽ chìm.


Trong lúc chờ đơi món Chuột Khìa Nước Dừa, anh Năm làm thêm một dĩa Cá *** Dê Nướng.
Anh Năm một thời là thầy thuốc giảng dậy cho tôi, bị phong chớ nên ăn cà, sẽ có chịu trứng nhứ mỏi. Còn bị đâu dạ dầy, nen kiêng ăn mắm.


Hôm bữa ăn Mắm Cá Lóc chiên tại Bạc Liêu dở quá. Hôm nay tại chợ Càng Long có bà bán mắm rất nhiều năm, tôi tin tưởng lời PR của anh Hai, tôi mua ăn thử.


Bữa tiệc trưa đã xong.


Vui quá, nhưng rất tiếc tôi không nhậu được, vì lát nữa tôi lại lên đường.


Anh Hai cũng văn nghẹ quá ta, chiếc đờn Contra Bas làm bằng thùng xăng của quân đội Mỹ đẫ được anh cho ra đời cách đây hơn 40 năm àh.
Vào thời kỳ bao cấp, cây đờn này đã mang lại niềm vui cho biết bao người, lâu lắm rồi anh Hai mới lôi cây đờn bám đầy bụi bặm này ra trình diễn riêng cho tôi.
Tôi thật quá hãnh diện không thể tả, ráng ở lại đến 3 giờ 30 chiều, tôi xin chào tạm biệt với mọi người và lại lang bang lên đường cùng chú chó.


Tôi trên đường quay lại Tràm Pha.


Gia đình Nãng mời tôi cùng dự bữa tiệc thôi nôi của một đứa Chít.


Tôi chỉ kết nhất món Cà Ri Vịt Xiêm.


Món này bình thường quá.


Cũng bình thường.


Quá bình thường.


Gỏi Vịt, món này được.


Bò Xào Xà Lách Xong, ăn cũng tạm được, hơi bị béo.


Tráng miêng, Bánh Trôi Nước, ngon.


Phụ nữ và con nít không nhậu, ngồi riêng.


Bánh Canh Tép, món lạ àh nha, chỉ có khu vực gần trường Đại Học Sư Phạm An Giang. Chỉ có 10 ngàn thôi, ngon bổ và rẻ.


Bún Mực, đây cũng là một món tôi thấy cũng phăng hơi tào lao. Nếu là tô Hủ Tíu Mực thì tôi lại cảm thấy hợp khẩu vị hơn.
Quán này họ dùng nước lèo của nồi hủ tíu. Tôi thấy có vài quán gần khu vực Vàm Cống, họ lại dùng nước riêu cua.


Tại Long Xuyên, quán này nằm trên đường Xô Viết Nghệ Tĩnh, có món Bún Suông.


Không hề giống tô Bún Suông tôi đã từng ăn qua. Ông chủ quán cũng công nhận là ông ta không biết Bún Suông phát xuất từ đâu, ông cũng phâng đại thôi.
Tô Bún Suông của ông ta khá đặc biệt là có cả dứa băm. Hihi, lấn đầu tiên tôi thấy.


Hôm nay tôi phải chạy về SG có công việc. Khi chạy ngang qua Cao Lãnh, tôi thấy cái bảng này, lần tới tôi sẽ thử.


Gần chân cầu Tham Lương, có quán cơm này đông khách lắm.


Vào buổi trưa, tôi thấy 5 ngươi đứng nướng thịt liền tay.


Dĩa cơm ở đây chất lượng thiệt, đúng là miếng sườn. Nhưng không phải là Cơm Tấm mà là Cơm Sườn.


Tôi chạy theo đường tiểu lộ để về Tân An, lúc chạy ngang qua Chợ Tân Phước. Thấy mấy chú Chuột Cống Nhum.


Làm giùm luôn 2 con nhe ông chủ. 
1,4kg bằng 100 ngàn. 
Chuột này thui để nguyên da, đem nướng lu là heo sữa quay không có dzé.
Về SG nhà cửa chật chội sao thui được, để lần sau tôi sẽ thử.


Tôi phải về SG là lý do đị dự đám cưới một người bạn.
Các món ăn tại tiệc cưới hầu như đều như nhau.
Gỏi Tôm.


Giả theo Súp Vi Cá.

Nặng phần trình diễn quá. Ở đây người ta không cho khách tự lặn.


Ragout Bò, mỗi người đều có tiêu chuẩn, một miếng thịt nho nhỏ.

Mực Xào, ô hay, tôi phụ chuyển bát cho mọi người. đến phiên tôi là người cuối cùng đến phần tôi, thì dĩa mực đã hết, uhu.

Cơm Chiên. Nói chung tệ quá.


Tan tiêc, trên đường về, ghé ăn tô Hoành Thánh cho chắc bụng.

Tôi chỉ ở SG vài ngày, là tôi chỉ muốn về lại nơi tôi đang tạm trú, Hòa Thắng. Vẫn còn một số món mà tôi muốn tìm hiểu thêm ở vùng Cà Mau, Bến Tre và Gò Công, tôi đành tạm thời để dành cho chuyến đi khác.
Trong 3 tháng rong ruổi các tỉnh của khu vực Đồng Bắng Sông Cửu Long, cho tôi nhìn nhận thấy người dân nơi đây thật là mộc mạc và quá thân thiện. 
Về khía cạnh ẩm thực, tôi có học hỏi rất nhiều, nhưng tôi vẫn còn phải học tiếp. Tôi cũng nhìn nhận thấy một điều, là một số món ẩm thực dân gian coi như đi vào dĩ vãng, đơn sơ là vì môi trường xung quanh chúng ta đã bị thây đổi. Giá cả gia tăng và thị trường cạnh tranh, cũng làm cho một số món trở nên kém chất lượng và có nguy cơ sẽ biến mất khỏi thực đơn của những người thường dân. Điều cuối cùng tôi nhận thấy là sự thiếu kiểm soát (hay hiểu biết) về tác hại của viếc sử dụng các hóa chất trong nghành nông nghiệp, thật hãi hùng, kính nể và hoang mang.


Tôi trên đường rời khỏi SG về lại Mũi Né.


Trên đường chạy ngang Bình Ba, phải ghé ăn lại một phần Chả Giò Cá Trích.
Chỉ có xung quanh khu vực thành phố Bà Rịa là tôi thấy có món này.




Một ly Sam Nam tại gần Kê Gà. Đây là một loại nước giải khát đặc trưng của vùng Bình Thuận. Trong ly chè gồm có sương sâm, nước cốt dừa, nước đường, đậu xanh nghiền


Đây là con đường cao tốc ngon nhất VN mà tôi biết tới. Một con đường lãng phí, xây xong 4 năm nay rồi, mà ít người sử dụng đến.


Tôi đã về gần nhà. Đồi Cát Vàng, Mũi Né.



Tôi lại tiếp tục cuộc hành trình tìm kiếm và học hỏi về ẩm thực dân gian. Chuyến đi lần này tôi sẽ đi vùng cao nguyên và dĩ nhien là tôi cần phải đi bằng xe gắn máy, lần này là tôi phải đổ xăng rồi, các bác thông cảm nhá.
Ngày 17 tháng 4 tôi lên đường trước dự định 1 ngày, bởi vì cũng vì tội ham vui, nên tôi muốn tham gia tiệc lễ trao bằng cho các đồng chí trong hội lặn.


Vì phải ráng chạy về SG cho kịp giờ lễ hội. Khi đi ngang qua khu Long Khánh, bị thổi cái réc.
Chạy gì mà hấp tấp thế bác, 57 km đó.
Thông cảm mà, không thấy bảng thành phố.
Anh qua bên kia làm biên bản.
Mới đầu mấy chú ấy hơi làm căng, thấy mình nhá nhá xiền, các bác ấy bắc chuyện.
Anh đi du lịch hả, đi với ai vậy.
Đi với chó, tôi trả lời cộc lốc và anh này đang còn giật mình, thì anh thổi còi lúc nãy lên tiếng.
Đúng rồi, ổng đi chung với con chó con, dễ thương lắm.
Thôi lần này khỏi ghi biên bản đó nha.
Tôi thật xin lỗi là đã làm cho các bác ấy đành phải phàm ăn. Tôi luôn nhớ tới lời má tôi dặn dò, đồng tiền đi trước là đồng tiền khôn, quả là đúng thật.


Tôi cũng về kịp trước lúc trao bằng và huy chương. Thật là long trọng.


Tôi ủng hộ vài món ăn chơi, các món đều làm từ 1 con cá Cờ.
Chăc là ảnh hưởng chạy xe, nên tay còn run và hình nào cũng bị mờ, hihi.


Buổi tiệc được tổ chức ngay giữa không gian của tòa nhà Hoang Anh Gia Lai bên Q2.

Tiêc BBQ bắt đầu, nhiều đồ ăn quá.

Đi ăn quà rong ở Sài Gòn. Bánh tráng với kẹo mạch nha và dừa nạo.


Mấy ly chè này là để kiểng thôi. Khi khách mua ăn thì họ chỉ múc có khoảng 1/3 ly thôi. Phần còn lại là họ cho đá bào, nước cốt dừa và nước đường.


Sau vài ngày ăn chơi và thăm bạn bè ở SG, tôi lên đường đi tiếp. Tôi chạy theo đường Khả Vạn Cân và đi ngang qua thành phố Biên Hòa.
Bữa ăn trưa tại Biên Hòa, Cơm Cá Thu Kho Thơm và Canh Ổ Qua.


Chợ Bảo Lộc không có gì là đặc sản cả.


TP. Bảo Lộc không phải là điểm du lịch, mà là nơi nghỉ dưỡng lý tưởng.


Bảo Lộc nổi tiếng chỉ có trà. 
Thác Dambri thì không xứng đáng là nơi để tôi quay lại thêm lần nữa.


Tôi mới chạy được tới chợ Bảo Lâm là trời lại mưa.


15 phút sau thì tạnh mưa, lên đường đi tiếp, 5 phút sau lại mưa, cũng hên có một mái hiên ven đường để núp mưa.


Mưa tằm tã cả 30 phút. Đôi khi gió hắt ngang, dù đứng núp dưới mái hiên, vẫn bị ướt 1 chút.


Cũng hên là trời tạnh mưa, còn không thì không biết chuyên gì sẽ xảy ra nữa?


Nhiều bè nuôi cá trên hồ Trị An.


Bán Ốc bên chân cầu La Ngà.


Khi lên Đèo Chuối, tôi bị mắc mưa. Trú mưa tại một quán nước, tôi được thử trái Sầu Riêng của vùng Madaguoi.
Sầu Riêng chín cây sẽ rớt xuống đất, và chỉ vòng trong 1-2 ngày, các muối sẽ bị rạn nứt. Khi muối sầu riêng bị vào gió, sầu riêng sẽ bị đắng và mất đi khá nhiều mùi thơm. Do đó các người buôn sẽ không vận chuyển sầu riêng đi xa được, cho nên họ phải hái trái khi còn non, và khi cần thiết, họ sẽ dùng thuốc làm cho trái sẽ chín.

 Mùa sầu riêng nơi đây kéo dài cho đến mùa hè là hết.


Tại Bảo Lộc, tôi không tìm được món ăn nào lạ. Tôi ăn lót dạ với tô bánh canh. Trong khi đó bà chủ quán hướng dẫn tôi nên đi ưn Đậu Hũ Mắm Tôm ngay phái sau lưng nhà nghỉ. Theo tôi món ăn này, tôi phải đợi đến khi tôi ra Hà Nội


Họ gọi gỏi bò là Xắp Xắp. Ngoài ra nơi nào họ bán món này họ đều bán thêm món Chè Đậu Đỏ.


Bên phía này đập, cảnh trông đẹp thật, ôi rừng thì toi mất rồi.


Đường này cũng ít xe qua lại lắm, vãn chưa thấy trên bác Google Maps.


Qua khu bên này lại thuộc về công nghiệp trồng cà phê. Môt anh chủ quán cà phê cho tôi biết đặc sản của vùng này ngoài thú rừng, họ có Lá Bép, còn gọi là Rau Nhíp. Một loại rau rừng mọc dưới tàn cây lởn và chứa một hàm lượng dinh dưỡng rất cao. Anh ta sẵn sàng chạy ra chợ mua về nấu một nồi canh cho tôi ănthurwr. Rất tiếc trời gần tối rồi, tôi còn 20 km nữa mơi tới Gia Nghĩa.
Anh ta mời tôi khi khác có dịp thì cứ ghé.


TX. Gia Nghĩa vào chiều tối.


Hên quá, tôi mò ra chợ và thấy có Lá Bép. Bà bán nói là vào đầu mùa mưa, lá bép mới non và ngon.


3 bó 5 ngàn đồng.


Tối nay tôi thử nghiệm ngay, một tô mì gói vởi thịt hộp và lá bép.
Cái lò so đun nước ở chợ Dân Sinh tôi mua với giá 40 ngàn đồng. Chỉ cắm vào ổ điện 1 phút, là đủ đun sôi vừa đủ nước cho 1 tô mì gói.
Nhớ thận trọng, trong phòng tôi không có bảng nội quy của ks. hihi.


Công nhận lá Bép ngon lắm. 

- Trong lá rau bép có tới 16 loại Aminoacid (trong số 20 Aminoacid quan trọng không thể thiếu đối với con người) tham gia xây dựng Protein nhằm đảm bảo các chức năng xúc tác, miễn dịch, vận chuyển… cho các hoạt động sống hàng ngày của cơ thể.

- Qua phân tích tại Viện Nghiên cứu Hạt nhân Đà Lạt, thành phần cũng như hàm lượng các chất khoáng trong lá rau bép khá cao, trong đó K, Fe, Cu, Zn, Mo, Mg và Mn cao hơn nhiều so với xà lách, bông cải trắng…

- Hàm lượng đường trong lá rau bét cũng đạt 0,93%, do vậy khi nấu canh có vị ngọt; đồng thời với hàm lượng đường khử 0,88% giúp cơ thể dễ hấp thụ nguồn năng lượng này một cách nhanh chóng.

- Nhân hạt lá rau bép chứa khoảng 10,9% Protein, 1,6% lipid và 50,4% tinh bột – nguồn bổ sung quan trọng trong điều kiện thiếu lương thực.

- Sinh trưởng và phát triển trong môi trường tự nhiên, không bón phân, phun thuốc trừ sâu nên lá rau bép hạn chế được các tác nhân gây ngộ độc như dư lượng nitrate, kim loại nặng…

- Không chỉ ngon, đủ calo, an toàn, lá bép còn chứa các hoạt chất sinh học tự nhiên cần cho sức khỏe. Chất chiết xuất trong lá cây bép có chứa các chất kháng sinh có ích cho cơ thể.

Trongraulamvuon tổng hợp


Ngoài ra đọt mướp đắng cũng bán ngoài chợ. Dịp khác tôi phải ăn thử.


Tôi tiếp tục cuộc hành trình đi về hướng Ban Mê Thuột.


Khúc đầu đến Đăk Mol thì đường hơi vắng. Còn đoạn đường sau đến Đức Mạnh là đông dân và tôi lại phải tiếp tục rẽ theo QL14. Nói chung là đường đẹp, khá bằng phẳng. Tôi cảm thấy buổi trưa ở cao nguyên nóng thiệt.


Trên đường mùa này có bán nhiều bơ. Tôi cũng ghé mua 1 ít cà phê rang tại lò, được bà chủ vui tính mời vào nhà ăn cơm, nhưng mới mua giúp vài cái bánh chưng ế, nên đành từ chối.


Tìm được nhà nghỉ sạch đẹp. Lên phòng ngủ mọt giấc, chiều lúc xuống lại, bà chủ thấy chó, không cho ở. Tìm nhà trọ khác.
BMT khá rộng và nhiều quán buôn bán nhộn nhịp. Buổi tối ở đây ko có lạnh. Phuong chỉ tôi đến quán Cà Te nằm trên đường Lê thánh Tong, ếch um cà đắng, gà 7 vị Tây Nguyên. Thấy quán đó ế quá. Chạy tìm dược một quán lấn vỉa hè rất đông khách, có món ếch, thấy có mình tôi, ông chủ xin lỗi là ko thể dành riêng 1 bàn cho tôi được. Tôi hỏi mua mang về thì được., nhưng thôi hẹn dịp khác.
Tôi tìm ra nơi bán bún Đỏ. Khu này tập trung hầu như là 4 quán, nằm ngay góc Phan Đình Giót và Lê Duẩn. Các quán này đều bán Bún Đỏ và bún riêu mà thôi. Tôi chọn quán đông khách nhất vào ngồi.
Cọng bánh trong tô bún to như cọng bánh canh, có màu đỏ lạt gạch cua, trong tô có thêm 1 viên chả cá hấp, 1 trứng cút, 1 miếng riêu cua chủ yếu làm bằng thịt heo băm và trứng, tôi ko cảm nhận thấy mùi cua hay tôm gì cả, 1 miếng tóp mỡ, giá và rau cải được trụng sẵn trong tô. Tôi cảm thấy tô bún của tôi được đậm đà là nhờ tôi nêm vào thêm thìa mắm tôm. Tô bún tôi thấy cũng gần tương tự như tô canh bún của người bắc.
Trên mang tôi thấy người viết bài về món bún này coi bộ nổ bừa bãi quá. Nồi nước lèo tại đây không hề có xương heo. Con Meo của tôi chạy lùng xục các góc bàn đầy rác rưới mà ko hề tìm được 1 mảnh xương để gặm.
Tôi hỏi bà chủ về tiểu sử của món này, hóa ra bà chủ bị câm.


Giới trẻ ở đây vào buổi tối họ thường uống, sữa bắp, đậu nành, đậu xanh, đậu phọng.....


Đậu hũ rong biển, một món khoái khẩu vào buổi tối tại Ban Mê Thuột. Ngoài ra tôi cũng chưa thấy một thành phố nào, món Phở lại bán rất phổ biến chung với hủ tíu gõ, ở các góc đường như nơi đây. 


Sáng hôm sau tôi quay ra chợ, nhưng cũng không tìm được món ăn gì lạ cả.


Tôi chạy lại quán Cà Te ăn dĩa cơm gà 7 vị Tây Nguyên. Đây là món ăn đặc sản của quán này do ông chủ người Nha Trang lên đây lập nghiệp.
Dĩa cơm nào có, dưa leo, cà chua, vài lát hành tây, rau răm, củ cải muối, gà luộc, lá chanh, cơm chiên và ít cơm rang phồng, 1 chén nước mắm pha, 1 chén muối có 7 vị Tây Nguyên, tôi đếm được vài vị như: lá chanh, ớt, tiêu, xả, nước cốt chanh, muối và có lẽ vị cuối cùng là bột ngọt. Kèm thêm là một chén canh rau đây với mướp.


Gần chiều tôi chạy qua 45 Tran Nhat Duật, đây là một quán bánh ướt. Người chủ quán bật mí cho tôi biết họ đã bán được 12 năm rồi. Món này có nguồn góc từ Ninh Hòa, và sau nhiều năm với sự góp ý của các thượng khách, ngày nay họ có được một sản phẩm mà không nơi nào có.


Trước mặt tôi là , 1 dĩa nhỏ xoài băm, 1 dĩa nhỏ dưa chua, 1 chén nước mấm pha, 1 chén mấm nêm, 1 dĩa thịt heo tẩm mè nướng có ít dưa leo và rau húng băm rắc lên trên.


Đầu tiên họ mang ra cho tôi 2 cái dĩa bánh ướt, tráng thật mỏng, mỗi dĩa chỉ có một cái bánh, bên trên có rắc hẹ và tôm xấy. Khách phải cần sụ khéo léo mới tự cuộn được môt cái bánh không bị bể, chỉ to bằng cỡ ngón tay cái mà thôi.
Khi khách ăn xong 2 cái bánh ướt ấy, họ lại mang thêm 2 cái bánh mới tráng ra. Cứ như thế chồng dĩa hết bánh của tôi cứ cao dần, cho tới khi tôi ra hiệu là no rồi, thì họ sẽ không bưng ra nữa.


Khi tính tiền, , dĩa thịt 18 ngàn, dĩa xoài và dĩa dưa chua mỗi dĩa 1 ngàn, mỗi cái bánh 1 ngàn (tôi ăn chỉ có 9 cái), thêm ly cà phê 10 ngàn. Tổng cộng 39 ngàn, rẻ bất ngờ, có tính lộn không đó. Tôi rông rãi bo luôn 1 ngàn cho chẵn 40 ngàn. Quá thỏa mãn.
Trung bình mỗi khách ăn được 20 cái bánh.
Kỷ lục của quán là 70 cái bánh.
Quán chỉ bán vào buổi chiều.


Tôi chạy qua đường Nguyễn Đức Cảnh, đến một căn nhà lụp xụp đối diện với ks. Bạch Mã, nơi đây họ bán bánh khọt vào buổi chiều, ngoài ra họ có thêm một món khá đặc biệt, đó là bánh bắp chiên, ăn với nước mắm hẹ.




đến Buôn Mê Thuột, tôi cũng không quên phải thưởng thức ly cà phê tại đây.


Tôi thấy có rất nhiều quán cà phê đẹp, mà giá cả và chất lượng thì rất hài lòng.


Chiều tối tôi quay lại quán Cà Te, lần này là để ăn món Bò nhúng Me, cũng là món chỉ có ở quán này mà thôi. Tôi được một người khác cho biết thêm là quán ăn này trước kia chuyên bán hải sản tươi từ Nha Trang và quán rât đông khách. Sau này chắc có lẽ gặp sự cạnh tranh cưa một số quán khác, hay vì lý do gì đó, ông chủ quán này chuyển qua một thực đơn mới với vài món lạ, thế là khách địa phương ít ghé lại quán của ông ăn nữa. Dẫu sao cũng có rất nhiều khách phương xa ghé quán của ông ta để thưởng thức những món ăn lạ, mà chính ông ta tự phăng ra.
Món Bò Nhúng Me là bò xắt lát mỏng được ướp với xả, ớt, mè, nước sốt me, hanh tây, bột ngọt và các gia vị khác mà tôi không thể phân tích được. 


Khi ăn, khách sẽ cho thịt bò và ít sốt me lên miếng con bò bằng gang nóng hổi, đang để trên bếp than, trong đó có bơ Tường An và vài tép tỏi đập dập cho thơm. 
Giai đoạn đầu khi bò mới được thả vào là các thượng khách lo mà né, bơ nóng sẽ bắn lên tung tóe, đây cũng là phần mà tôi không thích lắm về món này, ăn xong lại mắc công về nhà tắm lại ( vừa mới tắm xong).
Lúc thịt chín tới mức mà mỗi người khách thích, thì họ gắp chúng ra ăn kèm với rau. Trong dĩa rau nào có, cà chua, xà lách, vài khoanh mướp và rau rừng (chỉ gọi là rau rừng, nhưng họ lại không biết tên). Mướp thì tôi cũng gắp bỏ lên miếng bò gang cho chín. Ngoài ra khách ăn có thể nêm thêm tương ớt và ăn chung với bánh mì. Ăn đến đâu, thì khách tự nhúng thịt vào miếng bò gang đến đó. 


Tôi cảm nhận thấy thịt bò mềm, gia vị nêm vừa miệng, sốt me chấm bánh mì rất ngon. Chỉ có cái là món này hơi bị béo vì phải dùng nhiều bơ, thêm vào đó tôi cũng cảm nhận thấy hơi nhiều bột ngọt nữa.
Một phần ăn ở đây cho 2 người là 120 ngàn, vì tôi đi có một mình nên họ ươu đãi làm phần nhỏ hơn với giá 90 ngàn đồng. Quá bèo luôn.


tôi lại một lần nữa quay lại quán Cà Te để ăn nốt món Ếch Nấu Cà Đắng, trước khi ngày mai tôi sẽ lên đường.
Ếch nấu cà đắng, món ăn của người Ê Đê, người Kinh mình nấu hơi khác đi một chút. Cà đắng có hình thù giống cà pháo, mà đắng chẳng khác gì ổ qua (có thể dùng bóp gỏi rất ngon). Món này nấu chung với rất rất nhiều ớt, xả và gừng, ngoài ra còn nhiều gia vị khác. Tôi vừa ăn mà cảm giác như đang ngồi sauna tại một điểm masage nào đó. Trong khi đó ngoài trời đang đổ mưa và rất mát.


Bà chủ quán thấy tôi dễ thương, khuyến mãi thêm 10 bộ lòng ếch trong thố (nói là 10 bộ, nhưng có chút xíu àh. Tặng thêm một dĩa trái Sa Kê tẳm bột chiên. Trái Sa Kê ở đây cũng to lắm, mỗi quả nặng cả ký.


Vừa ăn ngon miệng mà lại được bác Trịnh hiện hồn về, tặng cho vài bài miễn phí. Nghệ nhân này có biệt danh là Tấn Huế trong giới nhíp ảnh cổ.
Ông chủ quàn Cà Te cũng không kém gì một nghệ sỹ, trong thực đơn của ông ta còn nhiều món lạ lắm.


Thú quý hiếm được bán tự do ven đường.


Tôi chạy theo QL27 để về Đà Lạt.


Tôi tình cờ chạy trên QL27 mới, tôi nghe người dân kể là con dường này chỉ mới làm có 3 năm đây, để thực hiện chương trình thủy điện bên hồ Buôn Tu S’ra. Nhờ con đường này mà các cánh rừng già trong khu vực này được thu hoạch sạch sẽ.


Gần chỗ cây cầu, có một điểm dừng chân tên Nam Ka, tôi thấy nơi đay sạch sẽ, thoáng mát và co nhiều món ăn bằng cá tươi, được đánh bắt ngay tại hồ, như cá lóc, cá lăng.., với giá cả phải chăng.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét