Thứ Bảy, 14 tháng 9, 2013

Xích Lô Express Nha Trang - Cà Mau

Chuyến du ngoạn vừa qua đã cho tôi rất nhiều kinh nghiệm về cách du lịch bằng xích lô. Cho nên chuyến đi kỳ này tôi phải chuẩn bị chu đáo hơn, để cuộc hành trình mang lại cho tôi thêm nhiều thú vị.
Anh Hiếu, người bạn thân của tôi ở Nha Trang, đã giúp tôi tìm được một người thợ sửa xích lô mà có thể làm lại chiếc xích lô theo ý tôi muốn. Hồi đợt trước, đã 2 người thợ khác làm xe cho tôi rồi mà tôi không hài lòng cho lắm.
Để thử tài người thợ thứ 3 này, tôi chỉ yêu cầu ông ta làm lại cái ống để giữ yên xe, mà đã bị sét và dính cứng ngắc. Hàn thêm một cái học phía dưới ghế, thay bộ nhíp nhỏ cho xe nhẹ hơn và sau cùng sơn xe màu xanh. Y như tôi dự đoán, ông thợ này làm cũng không làm đạt cho lắm.
Vì thế, những việc sau tôi phải tự làm. Trước tiên tôi thay bánh xe sau, bằng bánh xe đạp có 7 số đùm với bộ thắng chắc chắn hơn. Rồi tôi phải nhờ thợ tiện, tiện lại 2 bộ đùm trước của xe xích lô, để tôi đi rút căm với 2 cái niềng của xe đạp. Nhờ sự thay đổi đó mà xe của tôi bây giờ nhẹ bớt khoảng 20 kilô.
Tôi chế thêm một cái mái che nắng, một giỏ để đồ phía sau cho thùng đá và gắn thêm bộ máy đo km. Thế là xong.
Cuộc hành trình tiếp tục.


Trước ngày khởi hành 1 tuần. Lúc này xe mới sơn xong.
Hai đứa bé trong xóm được hưởng một vòng thử xe dạo phố gần nhà.

Tôi khởi hành vào lúc gần trưa ngày 08-12-2011.
Sáng nay tôi phải tiễn một người bạn về lại Sài Gòn. Sau đó tôi chở con chó mà tôi mới xin hồi tối hôm qua, đi chích ngừa, tôi đặt cho chú chó này với cái tên là Mau, không phải là đi cho mau mà vì Cà Mau là mục tiêu của chuyến đi này.
Tiếp theo là chạy đi mua một thẻ nhớ cho máy chụp hình (ngày hôm sau mới phát hiện thẻ bị hư, nên các hình ảnh của ngày đầu bị tiêu hết, hihi).
Nhờ cái bánh xe mới mà tôi có thể lên và xuống đèo an toàn. Tôi vừa ghé vào quán nước ngay Bãi Dài vào lúc trưa, thì trời đổ mưa. Tiện thể tôi ngủ được 1 giấc ngon lành, và khi tỉnh dậy đã có 2 chiến hữu nhậu, đang chờ tôi tham gia. Chiến đấu với 2 người bạn mới hơn 1 tiếng, tôi phải tìm cách chuồn ,lý do là trời đã bớt mưa.


Vì ảnh hưởng bão, tôi phải ở lại Cam An Bắc thêm một ngày, tại gia đình của người em họ.
Thằng cháu tôi và anh bạn đồng hành mới, Mau.



Ra khỏi nhà được 100 mét, thì tôi phát hiện bộ phận vào số bị hư. Cũng hên là thằng em họ nó khéo tay. Chúng tôi cũng mất gần 1 tiếng mới sửa xong.


Tuy có mang theo thùng đá và thủ sẵn những chai nước lạnh, nhưng lâu lâu tôi cũng phải ghé quán nước làm một ly càfê và bà tám một chút. Rồi tiện thể nghỉ một giấc trưa.
Có vài người khi thấy thùng nước đá phía sau xe, họ lại tưởng là tôi đang đi bán rong, hihi.


Chiều nay khi chạy ngang qua Phan Rang gió thổi rất mạnh, không cần đạp mà xe tôi vẫn lao tới với tốc độ lên tới 35 km/ giờ. Hú hồn, tôi phải ghì thắng để giảm tốc độ lại cho an toàn, và chỉ lái xe một tay, thật không phải dễ dàng.
Có một lần một chiếc xe đò tấp thình lình sát vào đường để bỏ khách, tôi vội vã chụp cần thắng mà không thấy đâu. Cũng hên là không có ai trên xe bước xuống và tôi phát hiện cần thắng văng ra khỏi ngoàm và nằm tụt phía dưới cần đạp. Bình tĩnh tôi thọt tay xuống mò cần thắng (vì tôi phải quan sát về phía trước, tôi không có thời gian để nhìn xuống và lúc này xe lao tới với tốc độ 25 km/giờ). Dừng được xe, tôi thở phào nhẹ nhõm (lỗi sai này là do anh thợ sửa xích lô ở Nha Trang).


Đi một mình thật thoải mái. Bây giờ tôi không phải lo sự an ninh cho anh chàng người Tây nữa, Hihi, tôi muốn ngủ bụi, để khám phá sự hiếu khách của người Việt Nam.
Tại quán cơm này ở Cà Ná, tôi được phép ngủ bụi qua đêm. Tối nay họ còn mời tôi dùng chung bữa cháo lòng và họ sẽ giữ đồ giùm tôi trong nhà của họ (tôi được họ mời vào nhà ngủ nữa đó).


Tôi chọn ngủ võng ở ngoài, vì nếu ngủ trong nhà, hihi, tôi sẽ làm cho mọi người thức trắng đêm, bởi tiếng kéo cưa của tôi.
Cái võng bộ đội mà tôi mua ở chợ Dân Sinh thật hữu hiệu. Vì võng có luôn cái mùng, vừa không bị muỗi cắn và giữ hơi ấm rất tốt. Tôi và con Mau đã hưởng được một giấc ngủ ngon lành bên cạnh QL1.


Biển Cà Ná nước xanh đẹp.


Vào những ngày gió mạnh, tại khu vực Cà Ná này gió sẽ thổi tứ hướng. Một lần chạy xe gắn máy ngang đây, tôi đã xém ngã vài lần. Hên cho tôi sáng nay trời lại êm quá.


Khu vực Vĩnh Hảo rất cằn cỗi, nhưng lại thích hợp cho việc trồng hành tím.


Nụ cười Việt.


Tôi dừng chân uống nước tại khu sửa ghe Bình Thạnh.
Ah quên, tôi cũng độ thêm tay lái cho cao hơn. Bây giờ ngồi đạp cả ngày mà không sợ đau lưng mà chỉ sợ đau bàn tọa thôi, hihi.
Dọc theo bờ biển ở đây, có rất nhiều quán ăn hải sản tươi ngon và bình dân.
Ngoài ra ở đây có chùa Cổ Thạch và bãi biển với đá bảy màu.


Mọi người kéo lưới.


Lựa cá là công việc phụ nữ. Lúc này đàn ông lo gôm lưới để đánh thêm một mẻ nữa.


Những máy bơm này là để bơm nước biển lên hồ nuôi tôm, bên kia mé đường. Vừa làm mất thẩm mỹ và gây ô nhiễm.


Cơ sở sản xuất tôm di động,


Sự viếng thăm bất ngờ của tôi, làm một chú gà tơ phải toi mạng.


Sau khi cậu bé hàng xóm hướng dẫn tôi cách thức cắt tiết xong, đến tôi lại là kẻ sát sinh, vì không ai muốn làm công việc này.


Đây là ông Kurt, chủ nhân con gà, người Đan Mạch.


Bà Sang, vợ ông Kurt, đang làm con gà đầu tiên của họ đễ đãi tôi (ông bà Kurt+Sang mới nuôi một bày gà và chưa làm thịt con nào hết). Hàng Dương, Hòa Minh.
Hiện giờ họ vẫn đợi chính quyền địa phương cho phép họ mướn khu đất này, để làm khu du lịch sinh thái. Chủ yếu là tạo điều kiện cho những đứa bé mồ côi, những tổ chức nghèo…, có cơ hội đến đây du lịch miễn phí. Họ đã kiên nhẫn đợi hơn 1 năm và vẫn còn tiếp tục đợi nữa…
Bạn có thể tìm hiểu thêm về cặp vợ chồng già này tại, http://www.davifo.dk/?p=198


Ông Kurt sáng nay muốn tôi phải dùng chung bữa sáng, rồi mới cho tôi lên đường.
Chặn đường hôm nay tuy không xa, nhưng tôi phải đạp qua một con đường đất hoang vắng, dọc theo bờ biển.
Cả nhà cùng nhau gỡ lưới, dưới chân cầu Sông Lũy.


Good Morning Việt Nam.


Phan Rí Cửa.


Hàng quà sáng cho học sinh, Hòa Phú.


Đây là những người thợ chuyên bắt tôm hùm giống. Họ mời tôi ghé lại trò chuyện dưới mái chòi che nắng đơn sơ. Trận bão vừa qua đã làm thiệt hại rất nhiều dụng cụ đánh bắt của họ, nhưng nét mặt họ lúc nào cũng tươi cừơi.
Vừa chia tay với họ một chút, là tôi phải dừng xe lại để vá xe. Tôi đã cán phải vào cây gai rừng.


Những con tôm bé nhỏ như que diêm này, vào thời kỳ cuối năm 2011 trị giá là 275.000 đồng/ 1 con tôm bông, còn tôm thường thì dưới 100.000 đồng/ 1 con.
Hiện tại trên thế giới, người ta vẫn chưa biết cách gây giống tôm hùm. Vì thế người ta mới đánh bắt loại tôm nhỏ này, để bán lại cho các trại nuôi tôm hùm.


Khi đạp xe lúc trời nắng gắt, cơ thể tôi vừa bốc hơi lẹ và cũng thèm đồ ngọt dã man luôn.
Lúc đi ngang xã Hòa Thắng, thấy được xe nước mía, là tôi tắp lại liền và chơi luôn 1 phát 2 ly.


Bầy bò này đông thiệt. Coi chừng cán phải vào mìn.


Đạp từ từ rồi tôi cũng tới Bàu Trắng. Chỗ này thì phải nhảy xuống và lôi xe qua, khoảng 20 mét thôi.


Tôi đã phải mất hơn 4 tiếng mới đạp qua khỏi 22 km đường đất này, nhưng tôi rất thích cảnh ở đây.
Ra được đến đường nhưạ, tôi phải tiếp tục leo lên một cái dốc dài 2 km, tôi phải ráng lắm mới đạp được nửa dốc, nửa còn lại nhảy xuống đẩy.
Trên đầu dốc tôi ghé thăm gia đình anh An, Photo House Đồi Cát Trắng, anh bạn lớn tuổi từ Sài Gòn. Tôi cho vợ chồng anh ta một sự bất ngờ và họ cho tôi lại một tô phở mà nhà anh tự nấu lấy, thật ngon tuyệt vời.
Sau khi ăn no và uống nhiều ly nước đá, tôi xin phép lên đường để đạp tiếp về Mũi Né.


Đoạn đường còn lại cũng khá gian nan vì nhiều dốc. Về tới ngay chân dốc ở Đồi Cát Vàng thì xe tôi l lần nữa lại bị xì bánh sau. Tôi thử bơm lại và đạp tiếp được một đoạn. Vì tôi lười vá, nên tôi phải bơm xe lại đến 4 lần, rồi tôi cũng ghé được đến nhà anh bạn thân vào lúc trời vừa sập tối.
Vì biết chiều nay tôi ghé chơi, anh Sáu đã giữ lại túi sò dương, mà anh ta mới đánh bắt được, để tối nay chúng tôi lai rai.


Ngày hôm sau tôi ở lại Mũi Né để đi thăm một số bạn bè và đi câu cá.


Nơi đây ít có khách du lịch ghé tới, làng chài Hàm Tiến.


Suối Tiên, Hàm Tiến.


Tôi phải ở lại đây thêm một ngày nữa rồi, để tham gia ăn nhậu. Lý do gia đình của anh Sáu có tiệc, và họ đang quay heo.


Sáng nay tôi phải chia tay với gia đình anh bạn, để tiếp tục cuộc hành trình tới Phan Thiết.
Cách đây vài năm, công ty du lịch tỉnh Bình Thuận có thử nghiệm đưa xích lô vào chương trình phục vụ du khách. Một đoàn xích lô hơn 10 chiếc khởi hành từ Phan Thiết đạp về Mũi Né, và từ đó trở đi, không còn ai thấy những chiếc xích lô đó trên đoạn đường này nữa.


Cảng cá Mũi Né có một vẻ đẹp mộc mạc. Vào buổi sáng rất nhiều du khách ghé nơi đây để chụp hình.


Khó lắm tôi mới tìm thấy một nơi bóng mát để ngồi nghỉ mệt.


Tôi lại phải vá xe một lần nữa.


Trưa nay tôi ghé thăm một anh bạn già mà tôi đã từng quen nhiều năm từ Mũi Né.
Cảng cá Phan Thiết.


Từ Phan Thiết đến Kê Gà cũng nhiều dốc cao lắm. Tuy là thắng xe kỳ này khá an toàn, nhưng khi gặp dốc nguy hiểm, tôi thà dắt xe xuống dốc, chứ mà lỡ đứt dây thắng thì toi mạng ( yếu điểm của xe xích lô là có 1 thắng thôi).


Xe của 3 em bé này bị tuột sên, nhưng các em từ chối sự giúp đỡ của tôi và tự sửa lấy.


Làm tôi hồi nhớ lại mái nhà xưa của bố mẹ tôi.
Nơi đây trồng rất nhiều trái thăng long và tôi được một người nông dân tặng cho 2 trái.


Đường vắng và lâu lâu cũng gặp ổ gà.


Tôi vừa đạp tới La Gi, lúc này tôi thấy còn sớm, nên tôi tiếp tục đạp tiếp. Tôi ghé Bình Châu vào lúc sập tối. Lần đầu tiên tôi phải đạp trong bóng tối với ánh đèn lu mờ từ cái đèn pin. Chặng đường hôm nay tôi đã đạp được 99 km trong 12 tiếng.


Nhờ cái mái che nắng này mà ngoài trời có nắng đến đâu tôi vẫn thoải mái đạp tới.


Với chiếc xích lô, bạn có rất nhiều cơ hội để gần gũi với mọi lứa tuổi.
Thường thì tôi hay ghé vào các quán cà phê võng để ngủ trưa.


Hôm nay tôi ghé ở lại Ngãi Giao, vì tôi muốn thăm một anh bạn trẻ. Anh ta mới mở quán này và chương trình đêm nay là nhậu. Hihi.


Ngày hôm sau tôi ghé ngang Suối Nghệ. Chặng đường này chỉ dài 10 km thôi, và ở đây tôi cũng có chiến hữu nhậu.
Tôi đang ở trên phà Cát Lái, trên đường về Sài Gòn.


Tôi ở lại SG, ăn nhậu với bạn bè hơn 1 tuần,. Đến ngày 28 tháng 12 tôi lại tiếp tục lên đường.
Tôi đạp qua cầu Nguyễn Tri Phương, rồi tiếp tục đạp theo QL50.


Trên phà Mỹ Lợi tôi làm quen với anh Đức.
Khi vừa đạp tới Gò Công thì anh Đức gọi cho tôi, là hãy ghé quán Cây Sung liền. Thì ra anh Đức và một nhóm diễn viên từ SG ra đây làm phim, tiện thể họ mời tôi tham gia bữa tối. Món lẩu mắm thật là ngon và tráng miệng dĩ nhiên là dưa hấu Gò Công.
Anh Đức mời tôi, nếu không ngại thì tôi có thể ngủ chung phòng khách sạn mà nhóm đóng phim này đang ở. Vì tôi biết mình có một tiếng kéo cưa như đoàn tàu cao tốc, nên tôi từ chối khéo.


Sáng nay tôi không kịp uống cà phê với anh Đức vì họ phải đi làm phim sớm.
Đoạn đường hôm nay chỉ tới Mỹ Tho thôi nên tôi không phải vất vả cho lắm.
Ông này vừa bán hết vé số và tôi mời ông ta quá giang một đoạn đường, cho tới khu trung tâm Mỹ Tho. Ông ta cho tôi hay là nếu muốn tìm nhà nghỉ thì tôi phải đạp ra phía ngoài bìa thành phố.
Khi tìm được nhà trọ, tại khu Phố Đêm, tôi lại phải chạy xe vào phố để ăn tối. Tôi thử được món bánh canh với dồi và patê bên vỉa hè đường Lý Thường Kiệt. Sau đó đạp vòng vòng, thấy một quán ăn đông khách, tôi tấp vào chơi thêm một tô hủ tíu sa tế. Tôi thấy món này cũng hơi giống món hủ tíu bò kho, nhưng đặc biệt dĩa rau ăn kèm lại có thêm khế chua và dưa leo. Trước khi quay lại nhà nghỉ, tôi còn ăn thêm ly chè sâm bổ lượng.


Với một ít nỗ lực, tôi đã đạp qua cầu Rạch Miễu. Khi xuống dốc thì tôi cũng phải xuống từ từ như khi lên dốc.
Bánh dừa, một món kỷ niệm thời thơ ấu,hôm nay tôi mới được thưởng thức lại món bánh này tại Bến Tre.


Ở khu vực Nam Bộ nơi đâu cũng có quán cà phệ võng. Hễ mệt là tôi ghé vào nằm nghỉ, còn buổi trưa nắng thì tôi ngủ một giấc, đó là sự thoải mái khi đi du ngoạn một mình.

Đáng nhẽ ra là hôm nay tôi sẽ ghé Trà Vinh, nhưng vì cuối tuấn này tôi có hẹn gặp vài người bạn từ Sài Gòn tại Cần Thơ. Nên khi đến Mỏ Cày tôi lại đổi ý rẽ theo QL 57 đi Vĩnh Long.
Cái bản đồ của Miền Tây Nam Bộ, mà tôi mới mua ở Mỹ Tho thật quá tệ (vài địa danh được in sai vi trí).


Vì thế mà tôi đã chạy lòng vòng đến Mỏ Cày Bắc, rồi ngược lại thị trấn Vũng Liêm và cuối cùng theo tỉnh lộ 902 đến Cái Nhum. Con đường này rất vắng xe, 2 bên đường là đông lúa và vườn cây xanh.
Khi ngồi ăn tối tại chợ Cái Nhum, tôi phát hiện xe mình lại bị xì. Cũng may có tiệm sửa xe nằm kế bên, nên tôi để bác thợ vá giùm.Bác thợ vá xe không tin tưởng vào kỷ nghệ thời đại và vẫn và ép xe
theo kiểu xưa. Trong lúc đó tôi cũng tiện thể thay sợi giây thắng mới.


Trên đường tới Vĩnh Long tôi gặp người đàn bà này đi dạo bán vé số dọc đường. Bà cũng không biết là một ngày phải đi bao nhiêu cây số nữa, mà chỉ hy vọng kiếm được 50.000 đồng một ngày, đủ để bà và đứa con gái bị tâm thần sinh sống.
Chia tay với bà bán vé số, tôi đạp ra QL 53. Tuyến đường này rộng và đông xe, có nhiều đoạn đường đang sửa dơ dang, vì thế bụi lắm.
Bánh xe sau của tôi lại bị xì, bây giờ tôi mới phát hiện là vỏ xe đã bị tét. Cũng hên gần đó có tiệm sửa xe, nhưng họ lại không có cái vỏ mới để thay. Tôi đành để cho họ vá tạm và lấy một miếng vỏ xe cũ, đắp vào chỗ bị tét.


Đến Vĩnh Long tôi ghé vào quán Tài Có ăn trưa, phải nói đặt biệt bánh ú ở đây rất ngon và giá cả lại bình dân.
Tại đây tôi làm quen đươc 2 anh bạn già. Họ hướng dẫn tôi những nơi tôi nên đi trên bản đồ và họ phát hiện ra, là bản đồ tôi đang dùng là sai.


Ăn no rồi tôi đạp vào khu trung tâm Vĩnh Long. Thấy quán này có nhiều món nướng hấp dẫn, nên ghé lại bà 8 một chút.
Chiều nay tôi phải tìm mua cái vỏ xe đạp mới. Loại vỏ xe tôi khá đặc biệtvì thế mà không có tiệm nào bán.


Tôi xuống bến phà An Bình thì tình cờ gặp lại 2 anh bạn già khi trưa. Chúng tôi ngồi uống cà phê bên bờ sông cho tới khi trới mát, tôi đạp xe qua cồn chơi.
Tình cờ tôi gặp một cậu bé chịu làm hướng dẫn viên cho tôi và cũng là người thầy của tôi. Chú bé hầu như biết mọi người trên cồn và giới thiệu cho tôi những loại cây ăn trái của miệt vườn.


Đường xung quanh miệt vườn trên cồn khá hẹp, mỗi khi có xe phía sau, là tôi phải ép xe sát lề. Một lần tôi bị hụp mép đường, làm sém nữa thầy trò tôi bị lăn xuống nước.


Cậu bé dẫn tôi vào một nơi đóng gói nhãn, xuất khẩu sang Trung Quốc. Họ mời tọi ăn nhãn mệt xỉu luôn.
Chiều tối nay khi tôi chuẩn bị về lại bến phà, thì xe tôi lại bi xì tiếp. Giờ này thì các tiệm sửa xe đã đóng cửa, cho nên tôi phải nhờ ánh sáng trước cửa nhà của một người dân để ngồi vá.


Trở lại chợ Vĩnh Long có quày bán bánh mì thịt nướng này rất đông người mua, tôi cũng ghé ăn thử, ngon lắm.
Tối nay tôi không cần biết về đêm giao thừa. Tôi đã trải qua một ngày vui đẹp và tôi đã có một giấc ngủ tuyệt vời.


Xe lôi Vĩnh Long khác với xe xích lô nhiều.


Hôm nay tôi mới trở lại QL1. Cảnh vật dọc đường không có mộc mạc như các tỉnh lộ khác.


Hihi, dại gì mà phải đạp qua cầu khi phà vẫn còn hoạt động, trên đường xuống phà Cần Thơ.


Ngay chợ Cái Khế có quán Cô Gòn, có món bún riêu khá lạ (có trứng vịt lộn, chả lụa, chả cá, huyết và gạch cua), ngon, bổ, rẻ, sạch và bình dân.


Rồi tôi cũng tìm ra được nơi bán vỏ xe đap. Tội nghiệp cho ông thợ là đã bị mất giấc ngủ trưa.
Chiều nay tôi sẽ gặp lại vài người bạn từ Sài Gòn. Gia đình họ có thân nhân ở gần cầu Cái Tắc và tôi đã gây bất ngờ khi tôi ghé thăm trên chiếc xích lô.
Chiều tôi nay chúng tôi đi dạo phố bằng xe gắn máy. Chúng tôi chạy một vòng lên thăm quan cầu Cần Thơ. Lúc này tôi mỉm cười là sự lựa chọn đi qua phà lúc trưa là quá hợp lý.


Sáng nay chúng tôi đi thăm quan và ăn sang tại chợ nổi Cái Răng


Rồi đi thăm quan vườn trái cây trên Cồn Ấu, sau đó ghé thăm quan khu du lịch Phù Sa. Theo tôi thì 2 điểm này không cần ghé, nói chung không cần biết luôn, quá tệ.


Sáng hôm sau chúng tôi chạy xe về thăm bố mẹ của anh bạn tại ấp Ba Rinh. Chúng tôi ghé và chợ Ngã Bảy và mua được một con cá lóc từ biển hồ.
Tôi thử tài chèo xuồng và xém nữa là ướt hết quần áo.


Tôi được phân công nướng ếch. Không có vỉ nướng, nên phải dùng tạm lưới gà.


Anh bạn mở màn trình diễn, cá lóc nướng trui.
Đập cá cho chết, rửa cho sạch đất.
Dùng một cây tre hay bất cứ một nhánh cây nào, vuốt một đầu cho nhọn, rồi dùng đầu nhọn đâm xuyên họng cá, và cho lòi cây ra ở phần đuôi.
Đầu cây bên họng cá phải dư ra khoảng một gan tay. Đem đâm khúc đó xuống đất, chỉ để miệng cá làm sao đừng có đụng đất.


Ủ rơm xung quanh con cá và châm lửa cho rơm cháy lụi hết.
Thường thì cá lóc khoảng nửa ký là tốt nhất. Anh bạn mình tham ăn, mua con cá tới 1 ký 2. Làm mình phải ủ rơm tới 3 lần.


Cạo phần cháy của da cá.


Lót cá bằng lá chuối và xơi.
Hôm nay mình được đãi nhiều món quá, nên không ăn độn rau sống. Lần đầu tiên mình được ăn thử ruột cá lóc, ngon tuyệt vời, béo ngậy.
Ăn no nê xong, chúng tôi trưa nay phải quay về lại Cần Thơ. Đến chiều thì nhóm bạn của tôi phải trở về Sài Gòn vì thứ hai phải đi làm lại.
Tôi thì ghé qua nhà Hiếu để tá túc, một người bạn từ Sài Gòn và đang làm việc tại Cần Thơ


Hiếu tiễn tôi ra tới cầu Cái Răng.
Hôm nay tôi sẽ đạp tới Sóc Trăng. Tôi được biết đoạn đường Nam Song Hậu đi thú vị hơn, nhưng đi đường đó mà ngược gió thì chết dở. Vì thế mà tôi đành chọn chạy theo con đường mà hôm qua chúng tôi đi, QL1.


Thăm quan Chùa Dơi.
Theo tôi nghĩ, lý do chùa này có nhiều dơi bay về, chỉ vì trong đất chùa còn nhiều cây lớn, các khu lân cận đều bị chặt rụi hết rồi.


Bác xe thồ này chất nhiều hàng quá, làm đổ rau quả ra đầy đường.


Mọi thứ được ràng buộc chắc chắn và bác xe thồ lại tiếp tục lên đường.


Cá lóc và cá kèo phơi khô.


Gần tới TP. Bạc Liêu, tôi dừng lại để bơm xe, ai ngờ là phải ngồi hơn 1 tiếng và chiến đấu vài dze cùng với anh chủ nhà dzui tính. Bữa nhậu đơn giản chỉ có bia và chuối nướng thôi, mà cũng làm cho tôi no quá trời.


Đánh bắt tôm. Tôi nhớ lại hồi còn nhỏ, khi còn ở Ngọc Hà, gần Bà Rịa. Tôi cũng đẵ từng thử đi bắt tôm kiểu này, được gọi là đi xịt hay là xịch. Có nghĩa là, người ngư dân đợi khi nước xuống, họ lội bộ theo dọc con kênh và đẩy 2 cây xào bằng tre có giăng một túi lưới, về phía trước. Đánh bắt kiểu này chủ yếu là bắt tôm và lâu lâu một ít cá nhỏ. Mà hồi xưa làm gì có giầy, lội bùn bằng chân không thấy mồ. Xấu số mà đạp phải cá ngác hay gai chà là, là bị nhức chân vài ngày như chơi.


Sông Bạc Liêu tại Nhà Mát.
Gần đây có chùa Phật Bà Nam Hải, tin đồn rằng rất linh, nên nhiều du khách ghé đến đây cúng bái.


Khu vực này thấy hoang vắng, nhưng nơi đây có rất nhiều đìa nuôi tôm, cá và cá sấu nữa.


Cậu em này mới được nghỉ phép về nhà. Tôi cho cậu ta quá giang với điều kiện là phải thay nhau đạp. Đến phiên cậu ta muốn thử đạp, là cậu ta đã tý nữa cho tôi lọt xuống rạch nước. Thôi để tôi đạp tiếp cho chắc cú.


Nhiều người muốn bà 8 với tôi một chút, nhưng bà chủ hàng rau này lại hơi mắc cỡ.


Lần đầu tiên tôi thấy cây bong so đũa. Mọc rất nhiều 2 bên đường. Bông so đũa xào ngon lắm.


Họ mới tát đìa xong.


Từ khi phát xuất tại Nha Trang, đến hôm nay tôi đạp được 1000 km.
Tôi tự thưởng cho mình một lon nước ngọt lạnh buốt. (Mỗi ngày tôi thủ theo 2 lon nước ngọt vài chai nước trong thùng xốp và 2.000 đồng tiền đá.)


Chỉ còn vài cây số nữa là tôi đến Gành Hào.
Theo tôi nhận xét, đây là đoạn đường đẹp nhất mà tôi từng đạp qua. Tuy có nhiều hố gà, nhưng với 2 hàng phi lao to cao dọc 2 ven đường, thật là tuyệt đẹp và hiếm thấy.
Chiều nay khi đạp qua con đường đang xây, đá xanh lồi lõm, làm tôi lại phải vá xe. Đột này bánh xe nhỏ chạy nhẹ hơn, mà cũng dễ bị xì nhiều hơn. Chuyến đi này chưa gì đã bị xì đến 7 lần, 6 lần trước toàn xì bánh sau.
Hồi tôi đạp từ Hà Nội về Nha Trang không có một lỗ xì nào hết.


Trước khi rời Gành Hào tôi thủ theo một gói xôi, vì đoạn đường kế tiếp sẽ không có nhiều quán xá dọc đường.


Rồi tôi ghé ăn sáng.


Hai cậu bé lượm ve chai. Tôi đưa gói xôi tôi mới mua lúc nãy, trong vòng chưa đầy 10 giây, 2 đứa đã nuốt hết sạch.


Ba đứa bé chỉ đường tôi xuống bến phà. Nhiều khúc gập ghềnh là phải dẫn bộ.


Cảng cá Gành Hào.


Nhiều đứa bé biết xích lô mà chưa bao giờ thấy qua. Hai đứa bé này được đi một vòng trong cảng mà còn không muốn xuống.


Thời nay họ đóng ghe to thật, gần bến phà Gành Hào.


Tôi phải đạp đoạn đường như thế này vài cây số, trước khi tôi ra đến đường nhựa.


Đất phù sa của sông được bơm lên, dùng để trồng cây.


Trưa nay tôi không ăn gì cả.
Ra lại QL1 tôi ghé bên lề đường chơ Tắc Vân ăn một dĩa bánh khọt.
Chiều nay Hiếu sẽ từ Cần Thơ chạy đến Cà Mau để giới thiệu cho tôi một người bạn mới, Hải. Họ đã chu đáo chuẩn bị bữa ăn thịnh soạn cho tôi chiều nay.


Tôi và những người bạn mới đi thăm quan Công Viên 19 Tháng 5, rất là sơ sài.
Chiều nay Hải muốn thử đạp xe xích lô tới quán cà phê. Tôi chưa kịp hưởng thụ thụ giây phút ngồi trước, thì anh ta lủi xe thẳng xuống mương. Làm tôi tổn hại mất cái điện thoại, cũng hên là cái máy vi tính không bị sao cả.
Đến chiều tối Hiếu phải quay lại Cần Thơ.


Hôm nay tôi mượn xe gắn máy của Hải để chạy đến Năm Căn.
Chợ Cái Nước, hầu như các chợ ở miền Tây đều nằm ngay bên sông rạch.
Khu này có món bồn bồn, một loại cỏ dại, được gọi là cỏ nến hay cỏ lác. Ho lấy lấy ngó, thân và lá non làm dưa chua hay cũng dùng tươi.


Chuối chiên, khoai môn chiên.
Chuối chiên ở miền Tây làm khá cung phu. Trái chuối sứ được lột vỏ và chẻ đôi theo chiều dọc. Hai miếng chuối được cán mỏng, rồi mang ịn 2 miếng vào nhau.
Sau đó đặt chuối lên một cái máng (làm bằng gỗ hay bằng thiếc), đổ một lớp bột (bột mì pha nước hơi sền sệt)phủ đều lên miếng chuối, lật ngược miếng chuối lại và đổ thêm một lớp bột bên mặt bên kia, có thể rắc them ít mè.
Để cái máng gần chảo dầu và thả miếng chuối xuống chảo dầu nóng.
Miếng chuối, khi chín phồng lên rất to và trông thật đẹp mắt.


Đến Năm Căn là cuối đường QL1. Muốn đi tiếp xuống đất mũi là phải đi xuồng.
Tôi chạy qua khu du lịch Hòn Đá Bạc. Thật thất vọng, bạn phải trả vé vào cổng, rồi bạn mới đi bộ theo cái cầu để ra đó được. Vì đó là một hòn đảo duy nhất ở vùng này, hihi, nên được nhiều người ghé thăm. Tôi thì không cần vào, ở Nha Trang tôi đã đi thăm nhiều hòn đẹp lắm.
Mà bạn phải chạy ngang một khu vực dân cư khá dơ.


Trên đường về lại Cà Mau, tôi chạy ngang một cơ sở làm khô cá sặc.


Hôm nay ngày 10 tháng 01- 2012, tôi cám ơn sự hiếu khách của Hải và tiếp tục lên đường. Tôi sẽ đi tiếp đến Rạch Giá, Hà Tiên và sẽ đánh một vòng qua Châu Đốc rồi về lại Sài Gòn. Tôi cũng không biết là mình sẽ ăn Tết ở phương trời nào nữa.


Sáng nay tôi có cơ hội ăn thử món bánh tằm bì và xíu mại.
Khi lên đường đi tiếp tôi bị hư cần vào số. Bộ vào số này đã cũ, nên các răng nhựa bị mòn. Tôi cố gắng sửa mãi mới sử dụng được có 3 số thôi. Lúc này bánh xe sau của tôi cũng gẫy mất 3 cay căm, nên hơi bị lắc một chút.


Ra khỏi ngoài bìa thành phố con đường nhỏ lại và bây giờ là QL63. Con đường này chính giữa u lên cao, nên xe tôi bị nghiêng qua một bên, và tôi phải nghiêng người qua bên trái để giữ thăng bằng, còn không thì sẽ có cơ hội lật xuống kênh. Nếu tiếp tục như thế này thì e rằng tôi sẽ bị đau lưng mất.
Tôi chạy được 10 km thì tôi tấp vào lề cỏ để đi tè. Nào ngờ xe tôi bị sụp hố cỏ và xe bị lật ngang. Tôi đã sai lầm dùng chân chấn vào bánh xe để kéo xe lên. Cái niềng xe đạp không chịu được sức nặng của xe, nên vài cây căm bị gãy và những cái lổ đút căm của cái đùm cũng bị bể.
Tôi suy nghĩ một hồi lâu, phải làm gì bây giờ???
Cái đùm là chỉ có ở Sài Gòn mới bán, mà còn phải cho thộ tiện làm lại, phức tạp quá. Nếu thế thì tôi phải về lại Sài Gòn mới làm được.
Vấn dề thứ hai là con đường QL63 này vẫn tiếp tục nghiêng như thế này hay sao?
Tôi quyết định chấm dứt cuộc hành trình tại đây. Thôi đành hẹn kỳ khác đi Hà Tiên và Phú Quốc vậy.
Tôi thong thả đạp xe ngược lại Cà Mau với bánh xe trái lắc dã man. Mọi người chạy qua tôi đều cười chỉ vào cái bánh xe.


Từ Cà Mau tôi gửi xích lô về Sài Gòn rẻ lắm. Về Sài Gòn tôi tìm hoài rút cuộc chỉ có một công ty chuyển hàng ra Nha Trang mà thôi. Vì thời điểm này là dịp Tết, nên tôi phải trả giá hơi mắc. Trước kia công ty này đã gửi chiếc xích lô tôi lộn địa chỉ và trễ 3 ngày, kỳ này khi họ giao xe cho tôi, thì cái bánh bên tay phải cũng bị hư luôn.

Kinh nghiệm của tôi:
Chuyến du ngoạn vừa qua cho tôi thấy đất nước Việt Nam rất xinh đẹp và người Việt thật hiếu khách ( sự hiếu khách đó đòi hỏi vào chính tư cách của mình).
Đi xuyên việt không khó khăn và cũng không có mắc như các bạn tưởng. Nếu bạn đi bằng xe gắn máy, thì bạn di chuyển với vận tốc hơi nhanh và bạn sẽ không kịp nhận sét nhiều về những nơi bạn đi ngang.
Còn đi bằng xe đạp thì với vận tốc chậm chạp sẽ giúp bạn gần gũi với người địa phương hơn. Tuy nhiên đoạn đường gian nan nhất đó là khu vực miền Trung, nhiều đèo, nhiều dốc và nắng gắt.
Việt Nam chỉ có hai mùa gió, mùa gió bắc từ tháng 11, 12 cho tới tháng 5 dương lịch và mùa gió nam là những tháng còn lại (theo thời tiết ngày nay, có nhiều sự thay đổi, bạn cần theo dõi thời tiết). Nếu bạn chọn hướng đi theo chiều gió, thì bạn sẽ cảm thấy rất thoải mái, đạp ngược gió thì mệt lắm, sẽ làm tinh thần bạn dễ suy sụp. Và bạn cũng không nên đi vào mùa mưa (mùa mưa trong Nam, Trung và Bắc khác nhau), vì mùa mưa có nhiều nơi ngập lụt, sạt lở và cuộc hành trình của bạn sẽ không khớp với thời gian mà bạn dự định.
Chi phí phòng trọ là một trong những vấn đề chính của dân Phượt. Thì hiện nay tôi thấy có nhiều quán cơm dọc đường, đặc biệt là những quán chuyên dành cho các bác xe vận tải, mà bạn có thể ghé vào xin ngủ qua đêm (bạn nên thủ thêm cái võng, cũng có quán có võng). Ở đây bạn có điều kiện tắm rửa, đi vệ sinh khá ok ( thậm chí bạn có thể xin phép giặt ít đồ) và dùng bữa cơm rất bình dân. Trong khi đó bạn sẽ có cơ hội bà tám với người dân địa phương, và những nơi đây là gia đình họ ở đó, họ làm ăn đàng hoàng.
Bạn không nên ghé vào những quán ăn dành cho xe đò hay xe khách nhé.
Ngoài ra nhiều hội viên cùa gia đình Phượt sẵn sang giúp đỡ bạn trên từng cây số của đất nước, nếu bạn gặp khó khăn. Mới biết đây thơi, nhưng chưa tận dụng.
Ghé chợ ăn uống vừa rẻ và nhiều khi được thưởng thức những món lạ của địa phương. Nếu bạn biết sẽ đi ngang những khu hoang vắng (khu miền Trung và khu miền Bắc), bạn mua theo bánh ú, bánh giò, chưng, gai…, mà mang theo. Bánh gói trong lá vừa vệ sinh và để được lâu mà lại ngon bổ rẻ. Nếu bạn hảo mì gói, bạn có thể trang bị theo cái đồ nấu nước (có hình thù như cái lò xo, rồi bỏ vào trong ly nước, cấm điện, vài phút là nước sôi), nhỏ, gọn và nhẹ. Nhớ trang bị theo cái ly inox hay cái tô nhé. Thêm vào đó bạn tự pha trà, tự pha cà phê gói, bạn sẽ giảm bớt được một phần chi phí.
Hiện nay các quận tỉnh ở Việt Nam có một mạng lưới xe buýt phục vụ khá tốt mà lại rẻ, bạn có thể kết hợp du lịch xuyên việt bằng đi bộ và xe buýt. Hay bạn cũng có thể mang theo xe đạp mini (gắp lại được) và xe buýt.
Bạn có giám hy sinh thời gian để đi du ngoạn và học hỏi chuyện ngoài đời không? Nếu bạn eo hẹp thời gian, thì bạn nên chia đoạn đường của bạn ra nhiều đoạn (như tôi vì tình cờ mà cuộc du ngoạn xuyên Việt chia thành 2 đoạn). Bạn có thể đạp từ Bắc vô Nam trong vòng 2 tuần, để làm gì? Bạn đã thấy những gì? Bạn đã học hỏi những gì? Bạn chớ nên hành sát thân thể nhé . Thời gian cũng là yếu tớ chính của cuộc hành trình của bạn.
Cuối cùng là sức khỏe và tinh thần của bạn.
Chúc các bạn luôn vui khỏe và thực hiện được giấc mơ Xuyên Việt của mình.

1 nhận xét:

  1. Một chuyến đi có thể viết lại dưới dạng hồi ký. Cheer! Tiếc là chuyến đi kết thúc sớm so với dự định.

    Trả lờiXóa