Thứ Ba, 28 tháng 1, 2014

En hotdog med det hele, Đan Mạch

Thời ấy thấy tôi long bong, mẹ tôi mới sắm một xe bán bánh mì hotdog trong phố, với ý đồ xích chân tôi lại. Cuộc đời làm dâu thiên hạ, ý quên, dâu trăm họ, bắt nguồn từ đây. Tôi cũng ráng gồng hơn 1 năm, rồi bỏ chạy. Vì thế mẹ tôi hay cằn nhằn, cho tôi là kẻ mau chán nản.
Tôi phải mất gần 10 năm, tôi mới chứng minh cho mẹ tôi biết rằng. Mẹ muốn con là thằng bán xúc xích thành công hày là một thằng đầu bếp lang thang, mà chỗ nào họ cũng ưa thích? Hihi, từ ngày ấy mẹ tôi không làm tôi nhức đầu nữa.
Nhưng thời gian đứng bán hotdog, tôi cũng học hỏi được nhiều điều thú vị lắm.
Món hotdog này hoàn toàn không giống với hotdog của New York hay London, mà là một kiểu cách riêng, một món ăn đường phố rẻ tiền nhất của Đan Mạch.
Sau này vật giá leo thang, món ăn này cũng mắc gần như là vào Mc Donalds. Nhưng những người hiểu biết hay những người lớn tuổi, họ vẫn thích đứng ăn bên xe hotdog. Vì trong thời gian chờ đợi, người mua, kẻ bán, đều có thể trò chuyện với nhau. Họ coi đây là một văn hóa.
Theo kinh nghiệm đứng bán của tôi, hầu như du khách nào họ cũng thích món này. Đặc biệt là du khách Đức, một quốc gia nổi tiếng về các loại xúc xích.
Nếu ai đã từng ở hay du lịch qua xứ sở nàng tiên cá, vẫn chưa thử qua món hotdog, coi như người đó không biết mất bao nhiêu phần trăm về văn hóa của Đan Mạch nữa? hihi.
Để làm món này cũng đơn giản thôi. Xúc xích có thể là xúc xích luộc hay chiên. Xúc xích luộc là màu lớp da bao bọc, luôn nhuộm phẩm đỏ, một thói quen, một văn hóa của xứ này. Thí dụ như bên Thụy Điển, thì họ cấm xử dụng phẩm đỏ.
Bánh mì làm hotdog, cũng là một loại bánh mì đặc biệt, loại bánh mà bột xốp, gần như bánh mì ngọt của VN.
Trước tiên cái bánh được sẻ gần đứt theo chiều dọ, rồi bỏ lò nướng nóng lại. Tiếp theo cây xúc xích được gấp ra từ trong nồi, dĩ nhiên là vẫn còn bốc khói, đặt ngay vào giữa bánh. Kỹ thuật luộc xúc xích là cũng không đơn giản, trong nồi nước luộc nào phài có củ hành cho thơm, ít bột Knor cho nước đậm đà và phải có ít dấm, cho da xúc xích căn giòn. Nồi nước phải lửa riu riu, nóng quá xúc xích bị nổ, nứt… 

Kế tiếp là giai đoạn rắc rối. Theo trình tự, tôi xịt lên trên cây xúc xích một đường ketchup, 1 đường bồ tạt và một đường Remoulade (một loại nướ sốt xuất xứ từ Pháp, nhưng làm theo kiểu Đan Mạch). Sau đó là rắc lên trên một ít hành chiên và một ít hành tây sống băm nhỏ. Kết thúc bên trên là vài lát dưa leo muối chua.
Tại sao là phần rắc rối? nào là có khách không thích ketchup, rồi không thích hành sống, hay muốn nhiều thêm hành chín, cũng có vài khách sanh tật, mới đi du lịch một chuyến Đông Á về, đòi hỏi thêm một đường tương ớt…Nhưng nhờ vậy mà óc tôi luyện được một trí nhớ thâm hậu. Khách ăn gì, chỉ cần nói một làn là tôi nhớ. Ngoài ra những chuyện khác như tên của khách, là ít khi tôi nhớ tới.
En hotdog med det hele, quá dễ, có nghĩa là với tất cả, khách dễ thương.
Giai đoạn ăn mới là giai đoạn khó nhất. Người khách phải ăn sao cho thận trọng, sao cho duyên dáng, nếu không mọi thứ sẽ bị rớt là ngoài, có người thì bị nước sốt dính đầy lên rau. Đứng bán mà nhìn khách ăn hotdog là thấy vui rồi.

Hotdog là từ tiếng Anh. Vào thế kỷ thứ 19, đây là từ đồng nghĩa, ám chỉ cho việc sử dụng thịt chó để làm xúc xích. Có thể trong khoảng thời gian 1920, nhà biếm họa của một nhà báo, Tad Dorgan vẽ một con chó sủa vui sướng bên cạnh một cây xúc xích bốc khói và một ổ bánh mì dài, lúc đó anh ta không nhớ dược chữ chó đào đất (một loại chó săn nhỏ, mình dài), nên anh ta đã viết chữ Hot Dog.
Một giả sự thứ 2 là vào năm 1909, khi nhà tiểu thuyết Johannes V. Jensen viết một chuyện ngắn, xảy ra tại Mỹ, với tựa đề ”Bondefangeren”, Kẻ Bốc Lột. Trong chuyện kể rằng, ở Galdenlune (một địa danh hay là tên nhà trọ), họ gọi cây xúc xích là hot dog. Hễ ai tá túc lại nơi ấy, họ sẽ sủa Vov, khi họ được cắn vào cây xúc xích.
Tại Đan Mạch, chiếc xe xúc xích ở thủ đô Copenhagen có từ năm 1920. Đến những năm sau đệ nhị thế chiến, 1950- 1960, phong trào bán xúc xích mới rộ. Có thể vào thời điểm này, từ hotdog mới được ra đời.

Bên Anh hay bên Mỹ, nếu cây xúc xích được kẹp giữa ổ bánh mì trắng và ngắn hơn, được xịt két chúp hay bồ tạt, có thể thêm hành xào, dưa leo chua..., họ gọi là hotdog.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét