Hồi giờ trưa ăn được 2 cái bánh giá tại Gò Công Tây, ấy thế
mà mới đầu giờ chiều, cái bụng tôi đã thấy cồn cào. Khi đạp tới gần cổng chào
vào Tp. Mỹ Tho, thấy một quán hủ tíu, bún riêu, cháo… bên lề đường, tôi bèn tấp
lại, tìm một nơi trống để chiếc xích lô.
Mới có vài hôm về Miền Tây, mà tôi cảm thấy một văn hóa rất
là chân tình, thiện cảm, cởi mở…
Tôi chỉ mới kịp gắp được vài cọng hủ tíu, bà chủ quán đã vui
vẻ hỏi thăm về cuộc hành trình của tôi. Trò chuyện một lúc, bà ấy mới hỏi ghẹo
tôi, không biết tôi cho cậu bé con nuôi của bà theo tháp tùng không? Tôi thắc
mắc hỏi cậu bé không đi học sao?
Bà chủ quán bắt đầu kể cho tôi nghe về cuộc đời không mấy
sáng sủa của cậu bé. Bố mẹ của cậu bé là một cập tình nhân ham dzui. Lặn lội từ
vùng xa xôi xứ Trung để vào Nam
tìm cách đổi đời. Nào ngờ cuộc sống đâu có đơn giản như họ tưởng. Thế là họ đã
bỏ trốn, để lại đứa bé cho hàng xóm trông coi. Những người trong khu xóm nghèo nàn
này, cũng là dân tha phương tứ xứ, đến nơi đây mướn nhà ở, rồi tự tìm cách sinh
nhai.
Chính bà chủ hàng ăn cũng chẳng giàu có gì, nhưng bà này có
tấm lòng nhân đạo, nên đã nhận đứa bé bất hạnh vào lòng
Tôi nhìn thằng bé cũng thấy khá khưu tú và cỡ tuổi cậu bé
chắc là tầm lớp 2-3 gì đấy.Tôi ngắt ngang câu chuyện bi đát, và nói, nếu cháu
nó được nghỉ học, tôi sẽ cho cháu cùng phiêu du với tôi 1 tháng. Thằng bé nhìn
tôi mắc cỡ, rồi bỏ chạy vào trong xóm.
Bà chủ hàng ăn kể tiếp, nó ngoan lắm, nó mơ ước được đi học
lắm, nhưng nó không có khai sinh, không có trường học nào chịu nhận nó. Ngoài
ra bà cũng chẳng biết nhờ ai, giúp được nó cho đi ăn học.
Đúng là đi nhiều mới thấy sự thật của cuộc sống, thật là tồi
tệ.
Thấy cu bé chạy mất rồi, tôi cũng đứng lên thanh toán tiền
để đạp tiếp vào Mỹ Tho. Đạp mới ra khỏi quán một đoạn. Tôi thấy ông trung niên
bán vé số dạo lúc nãy tại quán ăn, tôi dừng lại hỏi ông ta đi đâu, và tôi mời
ông ta cùng đi cho vui. Đến nơi ông ta cần xuống, tôi mời ông này một ly cà
phê, để được nghe thêm nhiều chuyện trên trời dưới đất.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét