Xe bánh mì này không phải là dễ tìm dối với du khách đâu nhé. Nằm ẩn trên đường Bùi Văn Danh, ngay dưới góc cầu, Nguyễn Thái Học, Long Xuyên.
Xe bánh mì này chỉ dọn ra vào buổi chiều thôi nhé. Tại đây chuyên bán bánh mì xá xíu và thịt khìa thôi. Theo tôi thấy thật ra thịt khìa ở đây trông giống phá lấu thì hơn, chắc là cách xưng hô của từng địa phương.
Ổ bánh mì thịt khìa tôi mua, khá chất lượng mà chỉ hao tổn có 10K thôi. Trong ổ bánh mì được kẹp với thịt thủ khìa, đồ chua, dưa leo, hành lá và ít ớt.
Thịt khìa theo kiểu người dân sông nước, họ khìa với nước dừa, nên có vị thơm và béo ngậy. Ổ bánh mì là loại đặc ruột, nên tôi cũng thích luôn.
Quày bánh mì chợ đêm này, nằm tập trung ngay một khu phố ăn uống, bên hông phía sau lưng chợ Pleiku.
Bà bán bánh mì kẹp cho tôi một ổ đặc biệt, nào là xíu mại, nồi kế bên là một dạng thịt heo băm kho mặn (mới đầu tôi cứ tưởng mắm ruốc xào), rồi thêm chả lụa, dưa leo, hành ngò và ớt.Vừa ăn ổ bánh mì, lòng tôi cũng hả dạ. Tôi không thể quên tô phở khô của xứ núi, mà tôi vừa mới ăn xong. Phải nói, mấy bác nhà báo nổ vừa vừa thôi nhé, tô phở khô không xứng đáng được thổi phồng như thế đâu nhé.
Mới đi chấm tọa độ hôm qua, hôm nay phải ghé lại thử liền. Món ăn này làm tôi liên tưởng tới thời kỳ bao cấp, khi nhà nước chỉ cấp cho những ai, làm công nhân viên, mới vinh dự có phiếu xếp hàng để được mua loại bánh mì này. Một loại bánh mì rất đặc biệt, hihi, nếu để đến ngày mai làm vật chọi là bể đầu người ta như chơi.
Trong hoàn cảnh eo hẹp như thế, người dân SG đã sáng tạo và cho ra đời 2 món ăn mới: Bánh Mì Chiên và Bánh Mì Hấp.
Sau hơn 30 năm trời, tôi mới thưởng thức lại món ăn đầy kỷ niệm này, tại một quán vỉa hè, nằm trong con hẻm 51 rộng lớn trên đường Cao Thắng, Quận 3.
Đây chỉ là một quán ăn nhỏ, lần chiếm vỉa hè với 2-3 cái bàn nhỏ mà thôi. Lúc ấy tôi quên hỏi giờ mở cửa của quán, nhưng hôm ấy tôi ăn là vào giấc trưa.
Bên trên bề mặt của miếng bánh mì hấp, phủ một lớp thịt heo bằm xào với củ sắn và hành tây. Sau đó được rắc thêm ít hành củ phi, hành lá phi và lạc rang. Món này là cần phải có 10 ngón tay sạch đẹp, để cuộn bánh bằng lá cải hay là lá xà lách. Trong đó cần phải đệm thêm nào là rau húng quế, húng cay, lá tía tô, rau giấp cá và vài cọng giá.
Tiếp theo là chấm với nước mắm pha chua ngọt rồi đưa lên miệng và từ từ nhai.
Tôi vừa ăn mà không quên tưởng nhớ lại thời thơ ấu ấy, bài hát SG Ơi vẫn còn vang vãng bên tai tôi.
Các bác nào muốn liên tưởng lại thời ấy. Tôi sẽ chia sẻ lại công thức làm món bánh mì này, của bác Tho Pham, bên Góc Nội Trợ, trong FB.
Bánh mì mua về bỏ vào bị nilon khoảng 3 ngày cho mềm (có bánh mì kiểu viện trợ thì tốt). Khi làm xắt lát mỏng.
- Nhân : Cà rốt, nấm mèo xắt nhỏ, trộn với thịt xay, nêm mắm, đường, bột ngọt, tiêu sau đó bỏ vào chảo tao cho chín.
- Hành lá : xắt nhỏ dùng để làm mỡ hành; - Đậu phụng : giã ra, nhưng không nát lắm.
Cách làm : Bắc xửng lên bếp, đợi khi nước sôi bỏ bánh mì vào. Nhớ là khi bỏ vào thì rưới một ít nước lên mặt bánh để cho mềm, sau đó trét mỡ hành lên, cho nhân đã tao chín lên trên mặt bánh, đậy nắp xửng lại. đợi khoảng vài phút lấy bánh ra, rắc đậu phộng lên mặt.
Bánh này ăn với nước chấm chua ngọt : nước mắm, nước đường nấu lên ( để cho tan đường ), pha với nước lọc, vắt chanh vào, cuối cùng mới cho ớt và tỏi bằm nhuyễn sau cùng để cho ớt nổi lên mới đẹp. Còn rau thì phải có rau cải xanh để cuộn mới ngon...
Sáng nay tôi quay lại hẻm 51 đường Cao Thắng, nơi tôi đã đớp được 2 món ngon ngày hôm qua.
Ngay bên đầu góc hẻm rộng rãi có một quán Bánh Mì Thịt Nguội cũ kỹ có tên là Hòa Mã.
Cách đây đúng 21 năm, hôm nay tôi mới có dịp quay lại để thưởng thức tại một quán bán bánh mì, gọi là lâu đời nhất của đất Sài gòn này.
Ấn tượng ban đầu là người phục vụ mang ra cho tôi một ấm và một tách trà cùng với một rổ nhựa trong ấy có một khúc bánh mì và một cái nĩa. Trà thì không được nóng cho lắm, nhưng bầu không khí hôm nay hơi nóng, uống nguội cũng ok. Về phần cái nĩa thì là Inox của xứ Korea đàng hoàng, có nghĩa là quán này có class đấy.
Đợi không lâu chảo ốp la thập cẩm của tôi được mang ra. Tôi bỡ ngỡ hỏi vội anh phục vụ có tuối, ủa sao không có giò lụa à? Anh ta nhanh nhẹn trả lời, thì thịt nguội, chả lụa và xúc xích, đều được chiên chung trong chảo rồi đó, tại nếu anh dặn không chiên, thì chúng tôi không chiên???
Sao mốt ăn của người dân Sài Gòn cũng thay đổi rồi sao? tôi cố gắng nhớ lại dĩa bánh mì thịt nguội thời ấy đâu có chiên? mà ai bày trò, thịt nguội phải chiên vậy???
Mà tính tôi dễ lắm nói vậy chứ cũng ăn. Ổ bánh mì ở đây mới nhìn qua là thấy ngon rồi, đặc ruộc nóng giòn và không bỗng ruột như bong bóng. Bên hông tôi trên tường là một kệ gia phẩm như: nước tương, tiêu, tương ớt và muối tiêu. Những thứ này là khách tự nêm thêm cho món ăn kỳ lạ này. Bây giờ cầm cái muỗng lên, ôi một trời một vực, cái nĩa lúc nãy gây ấn tượng đẹp bao nhiêu, thì giờ thấy cái muỗng là thấy buồn rồi. 2 trái trứng chiên thì một cái lại bị bể.
Tôi ngồi buồn bã ngắm người qua lại và cũng đấu tranh ăn nhanh chóng cho hết sạch phần ăn. Tổng chi phí cho bữa ăn thất vọng là 46 ngàn thì phải, vì mình cũng chẳng cần nặng đầu ốc để nhớ giá cả làm gì?
Ôi Sài gòn ơi, bao nhiêu thứ đã thay đổi rồi. Sài Gòn ơi.....
hihi cả 2 ngày nay rồi, bài hát này sao cứ luôn vang vảng bên màng nhỉ của tôi, hòa điệu theo âm thanh ồn ào của đường phố.
Thật là giật mình, khi tôi chỉ trả ổ bánh mì này có 5K mà thôi. Đây là ổ bánh mì thịt rẻ tiền nhất nước VN. Cơ sở bánh mì Hồng Ngọc, theo tôi thấy, đều có mặt tại các thành phố hay thị xã của vùng sông nước. Nhưng tại thành phố Cao Lãnh, lò bánh mì này nằm trên đường Nguyễn Huệ là nơi tôi thấy có ổ bánh mì rẻ nhất. Tại những nơi khác, cũng ổ bánh mì thịt như thế, lại mắc hơn một chút, có nơi bán 6K và cũng có vài nơi là với giá 6K.
Ổ bánh mì kiểu Hồng Ngọc chỉ nho nhỏ thôi, chắc chỉ to khoảng 2 phần 3 ổ bánh mì thường. Phần thịt kẹp trong ổ bánh mì thì cũng với pa tê, thịt nguội, chả, dưa leo, đồ chua, hành ngò và ớt.
Trông ổ bánh mì thật là chất lượng và hấp dẫn. Theo tôi nhớ, tôi chỉ cạp 4-5 lần, là ổ bánh mì đã biến mất.
Bánh mì thịt nướng, duyên dáng Miền Tây.
Xe bánh mì Bảy Quan này, nằm ngay góc đường Huỳnh Khương Ninh và Đinh Tiên Hoàng. Cứ mỗi chiều tôi đi ngang qua đây, thấy lúc nào cũng đông khách, làm lòng tò mò, cũng dừng lại mua ăn thử đúng 1 lần. Gía rất là bình dân và đồng thời cũng hơi ít thịt, ăn ok.
Mới đây anh Đàm Quang Đức, tiết lộ cho tôi biết, vì xe này lộ thiên, nên mới đông khách. Còn thêm một xe nữa nằm ẩn đâu gần đó, bánh mì kẹp thịt xe ấy mới ngon.
Bánh mì phá lấu bò, trước cửa hồ bơi Kỳ Đồng, Q.3. Sách bò, khăn lông bò, phổi bò, lòng bò... được ướp nhẹ tay với hương vị cà ry và ngũ vị hương, rồi được hầm mềm với nước cốt dừa. Ăn kèm với rau răm, ớt xay và bánh mì. Nước chấm là muối ót chanh. Món này chỉ bán vào lúc xế chiều và phải ngồi ven đường trên những chiếc ghế đẩu nhựa ọp ẹp.
Bánh mì cay Hải Phòng, Lê Lợi. Chỉ trét mỗi pa tê và ăn kèm với tương ớt. Đơn giản thế thôi sao?
Bánh mì bì, cũng là một món ăn quen thuộc của vùng sông nước. Tuy gọi là, nhưng lại là thịt ba chỉ khìa nước dừa và sau đó được xắt có hình thù như que diêm quẹt. Món bánh mì này chỉ đơn giản với bì và nước mắm chua ngọt thôi.
Phần nhiều tôi phát hiện loại bánh mì này, chuyên bán theo kiểu hàng rong. Hên xui mới gặp họ, trường hợp này là trước cổng, bến xe Cần Thơ.
Nếu có dịp anh nên xuống chợ Hốc Môn buổi sáng sớm để ăn bánh mì ngay xe "cây dừa'. Mấy chục năm rồi. Khá là ngon.
Trả lờiXóa