Tại sao bạn có thời gian làm lại, mà không có thời gian hoàn tất công việc chu đáo hơn?
Đây là câu thông ngôn rất độc đáo và cũng là câu thông ngôn đầu tiên tôi học hỏi tại quê ngoại.
Thời đấy có một số bạn bè tôi, đã may mắn được thưởng thức vài món ăn tôi nấu. Họ đã gợi ý tôi, sao tôi không đi học làm bếp?
Phải nói là lúc đấy mới qua quê ngoại, tôi còn ngây thơ lắm. Tôi mới tự hỏi, quái, làm bếp thì cứ việc cầm chảo lên mà lắc, cần đết gì mà phải học với hành? Chỉ có kỹ sư hay bác sỹ mới cần học thôi chứ?
Tôi đã lầm, bên xứ sở mà tôi lớn lên, quê hương của nhà văn huyền thoại HC Andersen. Bất kỳ một ngành nghề gì, thì bạn cũng phải mất 4 năm, để trở thành thợ. Từ thợ tiện, thợ hồ, anh đồ tể, thợ sơn xe, kẻ thông ống khói, thợ làm bánh mì, thợ hớt tóc, thợ ống nước..., đều phải trải qua 1 thời gian là 4 năm, mới được cấp bằng đấy. ½ thời gian là học tại trường còn ½ thời gian là đi thực tập. (cũng có người làm giỏi, họ không cần bằng cũng có việc làm. Nhưng nếu kinh tế đi xuống, nhà máy hay cơ xưởng cần thải người. Kẻ cà chớn luôn được đi đầu, thứ nhì là những người thợ không bằng. Còn người thợ có bằng mà làm siêng năng, thì ông chủ nào cũng muốn giữ lại cả. Có bằng cũng giúp cho người thợ, dễ mượn tiền ngân hàng, để bước tới con đường tự lập, làm ông chủ).
Chắc các bạn cũng thắc mắc, sao họ phải dùng nhiều thời gian để học ba thứ nghề vớ va vớ vẩn đến thế? Dạ xin thưa, vì họ cho rằng, bất kỳ ai, dù họ làm nghề gì, họ đều đóng góp cho 1 phần của xã hội.
Người bác sỹ biết chữa bệnh cho người, chứ không biết chữa bệnh cho con chó hay là xe máy. Nên bác sỹ bên đấy cũng là thường dân, chẳng là bậc tối cao gì cả. Một người thợ, lương không thể cao bằng bác sỹ. Nhưng bác sỹ phòng mạch tư, chưa chắc kiếm tiền nhiều bằng ông chủ tiệm hớt tóc.
Người luật sư hay người kế toán, thì cũng hiểu luật, để bảo vệ cho thằng chủ quán dễ trồn thuế mà thôi.
Chính vì thế mà xã hội của họ rất bình đẳng, bình đẳng hơn nhiều cái giới đồng chí ảo.
1 người nông dân, 1 ông chủ hãng nước dá, 1 anh đồ tể, 1 chú bé mới học nghề thợ sơn... họ đều có thể ngồi chung bàn và bàn luận việc chính trị vui vẻ mà không ai phải lép vế ai.
Đó là chuyện ngày xưa thôi nhé. Chỉ vài thập niên nay với sự di chuyển và gia nhập của nhiều nhóm dân. Tính chất của người thợ xưa cũng đang bị phai lạt dần. Thời buổi này, ai cũng phải chạy đua theo đồng tiền. Người thợ bên quê ngoại tôi bây giờ cũng làm ẩu bà cố luôn.
Nhưng độ ẩu của bọn chúng vẫn không bằng độ ẩu của các bác thợ bên quê nội tôi đâu.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét