Kiểu
dùng lò nướng để nấu thức ăn cho đến ngày nay vẫn là chuyện xa lạ đối với người
Việt Nam chúng ta. Hầu như nhiều người mua lò về là chỉ dùng để nướng bánh hay
nướng bánh mì.
Bên Tây thì ngược lại, họ sử dụng lò nướng rất phổ biến. Đa số nhà nào cũng có
lò nướng, còn trong ngành nhà hàng của họ, cái lò nướng là không thể thiếu được.
Trước kia tôi làm lò, tôi chỉ biết sử dụng cái lu mà thôi. Tôi không hề am hiểu
về cách cách nhiệt cũng như giữ nhiệt.
Nhờ học hỏi được cách quay heo trong cái lò giếng của ông bố nuôi tôi. Nên khi
chỉ cho người bạn tôi làm cái lò pizza lần này, tôi đã phối hợp phương pháp Tây
Ta lẫn lộn. Tôi muốn tận dụng cái hơi nóng của lò, sau khi nướng pizza, để tôi
thực hiện các món đút lò. Vì thế cái lò tôi thiết kế là phải có nắp đậy kín cửa
lò và cả ống thoát hơi nữa.
En cocotte, là phương pháp hầm nhừ thức ăn trong nồi đất và được đút lò. Nấu nướng
kiểu này, chúng ta không cần dùng thời gian để canh lửa, chúng ta không cần giở
nắp để đảo thức ăn, tránh cháy ở đáy nồi. Chúng ta không cần châm nước…
Vì thế tôi mới nghĩ, món ragout, món cà ri hay mấy món hầm đều làm được theo kiểu
en cocotte. Thì món thịt kho tộ, cá khô tô của dân Việt mình, tôi cũng thử làm.
Cái hay khi nấu nướng kiểu này, như kho cá chẳng hạn. Tôi chỉ cần ướp tất cả
gia vị mà tôi thích chung với cá, để tăng vị ngon và độ béo, tôi thêm vào món
cá kho của tôi vài miếng thịt ba chỉ lên men của tôi. Trộn đều các thứ xong,
tôi chỉ cần cho hết vào cái nồi đất, đậy nắp lại và đem đút lò. Trường hợp này
là tôi kho cá trong quả dừa. Và kho kiểu này, tôi cũng không cần cho thêm nước,
vì nước của cá và thịt sẽ tự chảy ra.
Cái nồi đất hay quả dừa còn vỏ sẽ tỏa nhiệt chậm và đều, chúng ta sẽ không sợ bị
cháy. Có 2 điều mà chúng ta cần quan tâm, đó là nhiệt độ nóng của lò và thời
gian.
Như lò điện, nhiệt độ nướng mà người làm bếp hay sử dụng là từ 150-180 độ C. Thời
gian nướng là tùy thuộc theo từng món ăn, nếu bạn muốn kho rục xương, chắc bạn
cần phải kho 5-10 tiếng, tùy theo xương cá to hay nhỏ. Còn kho đến chín để ăn
được, thì bạn chỉ kho khoảng 2 tiếng là thịt đủ mềm. Dù có kho lâu thêm nữa, thịt
chỉ mềm thêm, nhưng thịt cá vẫn chắc và không bị vữa.
Cái nắp nồi cũng quan trọng, nếu nắp hở nhiều, hơi nước sẽ thoát đi và nếu kho
trong lò lâu quá, nồi cá kho của chúng ta sẽ bị cạn nước. Để hạn chế hơi nước bốc
đi nhanh quá, chúng ta có thể trộn ít bột (như cục bột bánh mì), rồi đắp kín
xung quanh miệng nắp.
Nếu nướng bằng củi trong lò pizza, nhiệt độ để nướng bánh có khi lên tới khoảng
500 độ C. Nhưng để kho cá, thì tôi chỉ bỏ ít củi thôi, lò chỉ cần đạt độ nóng tầm
200-300 độ C là ổn. Khi củi cháy hết thành than, tôi đậy kín nắp lò và ống
khói. Nhờ cái lò giữ nóng tốt, tôi tần dụng hơi nóng đó để kho. Sau khi đút mấy
trái dừa vào lò, tôi leo lên giường và bắt đầu kéo cưa, chuyện gì thì sáng mai
mới biết.
Sản phẩm ra lò của tôi thật là quá tuyệt vòi các bạn ạ. Nhìn trái dừa thôi đã đặp
mắt, khi giở nắp ra thì hơi thơm bốc lên nồng nàn. Đổ thịt cá ra thì dĩa thì nước
chảy ra tràn trề. Phải nói là cái nước là ngon nhất, chỉ cần chan lên chén cơm
nguội thì hỗi ôi là sướng. Đớp thử miếng cùi dừa thì cũng tê tái người luôn. Miếng
thịt thì mềm tan trong miệng. Miếng cá thì chắc và thấm gia vị đều. Chỉ có cái
xương cá là chưa rục thôi.
Tôi còn phải tét thêm nhiều lần nữa, đến khi nào mà xương cá rục luôn, tôi sẽ
kho món cá Chí Phèo.
Còn nhiều món khác tôi sẽ thí nghiệp: gà hầm bí trong quả bí, cà ri trừu trong ống
tre, canh chua cá trong quả dưa hấu…..
Lâu không gặp anh bên Phuot.vn, gặp lại anh ở đây thiệt hào hứng :)
Trả lờiXóa