Chuyến đi vòng quanh thế giới không thành, 1994
Tùng XíchLô
Thứ Sáu, 6 tháng 1, 2017
3
Để lần mò từ bến phà để ra đến con lộ cái cũng là một sừ gian nan. Vì nơi đây họ chỉ thiết kế các tuyến đường dành cho xe hơi, mà tốc độ chạy xe bên Đức thì chăc nhiều người cũng biết rồi đó, vèo, vèo...
Đạp xe chung trên những tuyến đường này làm cho nhiều người lái xe, họ cảm thấy khó chiu vì thiếu an toàn, cũng 1-2 trường hợp chúng tôi bị bóp còi.
Ra được đến lộ chính rồi thì rất thoải mái. Ở phía Bắc nước Đức cũng như Đan Mạch, hệ thống đường dành riêng cho xe đạp phải nói là thật tuyệt vời. Dọc theo con lộ đường làng, 2 bên đường là 2 tuyến đường riêng dành cho xe đạp, với bề ngang rộng hơn cả giang tay, được phân cách với con lộ bằng đường mương dẫn nước.
Đạp trên đường như thế này, chúng tôi cảm thấy an tâm hơn lúc nãy, cơ hội xe ủn vao đít không còn sợ nũa. 2 thằng tôi bắt đầu thả hồn theo gió và hit thở bầu không khí mát mẻ của những ngày đầu xuân.
Chúng tôi xuất phát sau ngày nghỉ lễ Phục Sinh, nên ngoài đường vắng xe lắm. Trên tuyến đường dành riêng cho xe đạp, nhìn hi hút phía trước, cũng chẳng thấy con ma nào. 2 thằng tôi tha hồ lạng lách, rồi thay nhau đạp trước để cảng gió cho thằng sau. Bao nhiêu ngày tính toán, suy nghĩ, giờ nay đã trở thành sự thật, cho chúng tôi một cảm giác như 2 con chim được phóng ra khỏi chuồng.
Vì tôi to con hơn, nên tôi phải xung phong xí chiếc xe đạp có thêm 2 cái túi phía trước. Xe tôi còn được trang bị thêm cái đông hồ đo km, một thiệt bị văn minh, mới xuất hiên trên thị trường vào thời ấy. Hai chiếc xe tôi lắp ráp được là 2 chiếc xe cuộc, loai bánh nhỏ với 12 số, đạp nhẹ tưng, phóng vi vút trên đường.
Cảnh 2 bên đường vào mùa này chắng có gì đẹp cho lắm, chỉ là những cánh đồng có hoang, những cánh đồng mới cầy, mới gieo mạ và rừng.
Buổi dừng trưa hôm nay là núp cái gió lạnh dưới cái chòi chờ xe buýt ven đường. Chúng tôi dùng lại những cái bánh sandwich đã được kep thịt mà con dư lại từ bữa tiệc hôm qua.
Ngồi nghỉ lâu gió cũng thấm lạnh người, nên ăn xong miếng bánh mì, uống xong tách trà ấm, 2 thằng tôi lại dọn dẹp bãi chiến trường và cuốn gói lên đường.
Chúng tôi đạp một mạch khỏang hơn 1 tiếng gì đó, 2 thằng tôi có cảm giác là 2 miếng sandwich lúc nãy, bốc bà nó hơi từ lúc nào rồi. Thế là chúng tôi phải tấp xe vào bên một mé rừng, để núp gió, cho anh bạn tôi đảm nhiệm về viêc nấu nướng. Còn tôi với kinh nghiệm một khóa hóa đạo và học xong khóa kỹ năng căn bản hàng hải.Tôi đọc bản đồ và định hướng phương hướng tốt, tôi đảm nhân vai trò hoa tiêu.
Bữa cơm xế trưa hôm nay là ngoài dự định, chúng tôi đã ăn quá tiêu chuẩn mình mang theo. Thôi chuyện đâu còn có đó, bây giò cái bao tử phải no, mới đạp tiếp được
Theo dự định, chúng tôi đạp đến một ngôi làng nhỏ, có nơi tá túc cho chúng tôi qua đêm. Lúc này mới xế chiều mà bàu trời Bắc Âu đã tối sập. Chúng tôi đã quên đổi tiền lức dưới bên phà, bây giờ làm sao đây? Hầu như lúc này các shop trong làng đã đều đóng cửa? mà có tiền bố đâu, mà chợ với búa?
Nhân viên của nhà nghỉ cho chúng tôi biết, là họ chỉ phục vụ mỗi bữa sáng cho khách thôi.
Cứ uống trà hoài, chẳng giúp gì cho cái bụng đói cồn cào, ngủ sao mà được? thế là 2 thằng phải giở trò, bần cùng sanh đạo tặc. Đợi cho mọi người yên giấc, 2 thằng tôi mò xuống cantin, vơ được vài phong sô cô la và vài lát bánh mì.
2 thằng mò lại về phòng ngồi nhai ngấu nghiến. Chẳng ngon lành gì cả, nhưng thỏa mãn cho cái bao tử. Rồi sau đó 2 thằng tôi leo lên giường thăng cho một giấc thật sâu.
Cũng may tối hôm ấy chúng tôi có phòng riêng, chứ không thì mấy thằng Tây lại tưởng, có ai rước ông hổ về nhà.
Sáng hôm sau cả 2 chúng tôi chẳng thằng nào muốn bò ra khỏi giường. Nguyên cả người tôi sao mà mỏi mệt, rồi đau lưng, rồi ê ẩm mông đít…
Tôi thì chỉ muốn nằm tiếp, nhưng ráng nướng thêm vài phút sau, 2 thằng tôi quyết định phải bò ra khỏi giường.
Sau khi ăn sáng xong, hành lý cột đầy đủ lại lên xe, 2 chúng tôi lăn bánh ra khỏi cái ngôi làng bé nhỏ.
Leo lên xe đạp rồi, chúng tôi cảm thấy không còn mệt mỏi như lúc sáng nữa, mà cứ thế là đạp. Việc quan trọng sáng nay, chúng tôi phải dừng lại một tp. nho nhỏ nào ấy trên đường, để còn ghé ngân hàng đổi tiền.
Chúng tôi đã chọn một phương án, mà chắc là nhiều người cho là điên cuồng, đó là giữ tiền mặt theo người. Vào thời điểm đó, thuận tiện nhất, khi đi du lich là xài Travellers Cheque. Cứ mỗi lần dùng là phải mất tiền phí là 2 phần trăm, mà phải mua theo nhiều loại ngoại tệ (như D-mark thuận tiện và được giá ở Châu Âu, $ lại thuận tiện ở những nước chậm phát triển), chưa kể giá đổi của ngân hàng, luôn là thấp hơn với giá chợ đen. Ngoài ra cũng hơi bất lợi thế là khi đi ngang qua những ngôi làng nhỏ, họ ít khi dùng loại Travellers Cheque này (cũng vào thời điểm này credit card mới ra đời).
Tính ra số tiền mất mát ấy cũng khá lớn với chúng tôi, nên chúng tôi chơi trò mạo hiểm. Thêm một vấn đề nữa, đó là chúng tôi sẽ đi ngang qua rất nhiều nước, sẽ phải đổi nhiều lần ngoại tệ. Nếu không có sự tính toán kỹ, đôi khi đổi dư quá nhiều, khi ra khỏi ranh giới họ, chúng tôi phải đổi lại thêm một lần nữa và lại mất thêm một lần chi phí nho nhỏ. Chúng tôi phải làm mọi cách, để giảm mọi chi phí tối đa, như thế đồng tiền cúa chúng tôi mới dãng nở ra, cho phép chúng tôi thêm nhiều ngày lang thang đây đó.
Đoạn đường phía Bắc nước Đức khá bằng phẳng như ở Đan Mạch và lại yên tĩnh, nên viêc đạp xe không mấy là khó khăn cho lắm. Chúng tôi cũng quá hên với thời tiết, những ngày khởi hành toàn là gặp, những ngày ít nắng và gió hiu hiu mát. Cứ đạp 15-20 km gì đấy, khi cảm thấy mệt, là chúng tôi nghỉ. Đến trưa sau khi ăn uống xong, là phải phi một giấc, thả hồn theo mây gió, rồi mới lại đạp tiếp.
Chúng tôi hạn chế không đạp ban đêm và bằng mọi cách đến chiều là phải tìm được một điểm nghỉ qua đêm. Chiều nay hên quá, gặp được một trại camping mà họ mở của, ngay ngoài bìa của một tp. nhỏ. (Thường ở phía Bắc Châu Âu, vì thời tiết lạnh và ít khách. Rất ít camping, họ mở cửa sau dịp Phục Sinh). Ở Camping sẽ giúp chúng tôi giảm được chi phí đáng kể, hơn là ở nhà nghỉ.
Trưa hôm ấy vì lo sợ chúng tôi mất sức, tôi đã chia cho anh bạn tôi, mỗi người chỉ ngậm một lát sâm đất nho nhỏ, loại rẻ tiền nhất mà mẹ tôi mới mua ở VN về (15 nghìn 1 hộp nhựa nhỏ). Chỉ có thế thôi, cả 2 thằng tôi nguyên đêm không thể tài nào ngủ được, trong khi ấy người lại không cảm thấy mệt mỏi gì cả.
Ngủ không được chúng tôi chỉ mong đợi đến trời hừng sáng, để cuốn gói, rồi lại tiếp tục cuộc hành trình hướng về Lubeck.
Lubeck là một trong những thành phố cảng loại lớn của nước Đức, nhưng với chỉ có trên 200.000 dân số.
Lâu đài của Lubeck, được gọi là kiến trúc Brick Gothic, được UNESCO xếp hạng vào danh sách World Heritage Site.
Trước đây vùng đất này thuộc quyền sở hữu của Đan Mạch.
Chúng tôi chỉ đạp ngang qua lâu đài và chỉ liếc nhìn một chút. Trong chuyến đi của chúng tôi, chúng tôi không muốn đặt nặng về vấn đề lịch sử. Chúng tôi chỉ chú tâm về văn hóa hiện tại. Chúng tôi thích tham quan chợ búa, nhìn nhận cách họ sinh hoạt hàng ngày, nhìn họ đút cái gì vào mồm họ…..
Theo tôi nhớ không lầm, ranh giới giữa Tây và Đông Đức cũ, nằm không xa mấy Lubeck. Đạp qua khu vực này, tôi chứng kiến cảnh vật có vẻ xa lạ hơn bên Tây Đức. Những tuyến đường dành riêng cho người đi xe đạp không còn nữa, tuy nhiên giao thông trên đường phố cũng vắng hơn. Phần lớn xe hơi bên đây được hưởng sái một thùng rác bự từ bên phía anh em tư bản: Opel, Ford, Volkswagen….
Tính nết của người dân cũng dễ gần gũi và cảm thông hơn, họ lái xe chạm chạp hơn, khi hỏi thăm đường, họ sẵn sàng dừng lại để hướng dẫn tận tình.
Ngoài cánh đồng, thỉnh thoảng tôi vẫn gặp đôi vợ chồng già, đang dắt ngựa cầy bừa (hình ảnh này tôi chỉ thấy trong những bức tranh dầu xưa của Đan Mạch, trên thực tế, thì tôi chưa thấy).
Làm quen với họ để xin nước thật là dễ dàng. Nhờ có học qua tiếng Đức hồi học phổ thông ở Đan Mạch, tôi cũng ráng bặp bẹ được vài câu, miễn sao họ hiểu là được rồi. Khi họ phấn khởi trả lời, phần nhiều tôi nghe được hết, mà có hiểu chi mô? Thế là kết hợp với động từ to quơ, ấy thế mà giúp tôi giải quyết được bao nhiêu công việc.
Về phần sinh hoạt chợ búa ở làng quê Đông Đức cũ, cũng nhẹ nhàng lắm. Vì không chuẩn bị chu đao cho vấn đề này, mà chúng tôi bị đói vào một buổi trưa ngày chủ nhật. Làm buổi trưa hôm ấy, chỉ có uống trà và nhai đường cục.
Hiện giờ thì tôi không có lưu giữ lại quyển sổ hồi ký nho nhỏ của tôi. Tôi không còn nhớ là chúng tôi phải mất bao nhiêu ngày mới đạp tới Berlin.
Một nửa thành phố Berlin chỉ 5 năm trước đây, còn bị bao bọc bởi một bức tường xung quanh, do bên Đông Đức trúng thầu. Vết tích của bức tường bị đạp đổ từ năm 1989, bây giờ không còn nữa, mà chuyện này không liên quan gì đến chúng tôi. Chúng tôi chỉ muốn vào khu trung tâm, coi họ có món gì lạ để đút vào mồm.
Nơi đâu chúng tôi cũng thấy những chiếc xe chuyên bán Doner Kebap. Sau này tôi mới có cơ hội tìm hiểu thêm từ những người bạn bên Tây Đức. Thì ra vào thời kỳ những năm sau Đệ Nhị Thế Chiến, nước Đức nằm trong hủy hoại và tan nát. Họ cần xây dựng lên những thành phố mới, chính vì thế mà họ cũng cần một số lượng lao động rẻ tiền từ phía Nam Âu. Nhiều thổ dân của Thổ Nhĩ Kỳ tràn qua Tây Đức để đảm nhận những công việc nặng nhọc mà người dân Tây Đức không thèm ngó ngàng tới. Một phần họ bị dụ qua bên Tây Berlin để ở giữ đất và còn được tài trợ thêm về vấn đề tài chính.
Thế là văn hóa ẩm thực Thổ đã gặp thời vận phát triển ngay giữa lòng Berlin. Bánh mì Doner Kebap tại Berlin ngon thiệt và theo một phong cách lai, để đáp ứng theo một thị trường mới. Tôi nhớ là chúng tôi mỗi thằng đã đớp đến 2 cái bánh, mới thỏa mãn. Lúc đó tôi đã nghĩ, làm thế nào mình mang món này về VN nhỉ? Và tôi cứ nghĩ nhưng vẫn chưa hành động được. Bây giờ ở VN thì có đầy, tôi đoán không nhầm, mấy bác VN cũng đã kopi được món này từ Berlin đây, nhưng cũng bị lai đôi chút.
Chúng tôi cũng muốn tìm cách gặp gỡ mấy bác lạo động xã hội của VN bị rớt lại để giao lưu. Nhưng gặp các bác ấy thì dễ, mà giao lưu lại khó. Vào thời điểm ấy mấy bác VN nổi tiếng về việc bán thuốc là lậu trên thị trường Đức. Cứ đến ngay cửa của mấy cái siêu thị mini dạng như Aldi chẳng hạn, thế nào cũng có một bác VC lắm la lắm loét mời hỏi khách có mua thuốc hay không? Có những khách có nhu cầu mua nhiều, là mấy bác ấy phóng vào bụi rặm, rồi lôi 2 cái túi đi chợ bằng bao ny lon ra, trong ấy đầy ấp các loại thuốc lá với đủ loại nhãn hiệu của thuốc lá Châu Âu.
Chúng tôi thử tiếp cận 2 bác, nhưng thấy mấy bác ấy bận rộn quá, nên chúng tôi không dám làm phiền tới mấy bác ấy nữa.
Chi phí cho một điểm qua đêm tại các tp. lớn của Châu Âu khá mắc, nên nhừng nơi cần tiết kiệm tiền chính là nơi đây. Cả một buổi chiều cho tới trời sập tối, chúng tôi mới tìm được một nơi tá túc khá yên tĩnh, ngoài bìa thành phố, gần khu mấy nàng bán hoa ven đường.
Hên quá, lùng suc mấy vòng thành phố, chúng tôi mới tìm được một khu xây dựng rộng mà không có canh gác gì hết. Thế là lần đầu tiên trong những ngày qua, chúng tôi mới được từ chọn cho mỗi thằng 1 phòng.
Sáng sớm hôm sau, chúng tôi phải thức dậy thât sớm, để âm thầm biến khỏi cái thành phố rộng lơn này. Nhìn đồng hồ đo km ghi lại, hôm qua chúng tôi đã đạp được 150 km, cũng là kỷ lục đạp nhiều nhất trong ngày của chuyến đi.
Đêm ngủ bụi tại Berlin, chúng tôi tiết kiệm được khối tiền, tuy nhiên vào buổi sáng là phải chuồn sớm, trước khi bọn công nhân xây dựng, đến trò chuyện.
Rồi từ Berlin chúng tôi cứ đạp theo đường làng, thẳng hướng Cottbus và nhập cảnh vào Ba Lan tại cửa khẩu Forst.
Tôi không ngờ rằng thủ tục nhập cảnh tại nơi đây lại dễ tới thế. Chỉ chưa đầy 1 phút, họ đã đóng cho chúng tôi mỗi người một con dấu vào pasport và cho phép chúng tôi long bong trong nước họ cả tháng trời.
Ngay bên phía Ba Lan không khí rất là nhộn nhịp, một khu chợ trời khá tấp nập đang diễn ra trước mặt chúng tôi.
Lần này vượt ranh giới là có ít kinh nghiệm rồi, điều quan trọng nhất là tìm nơi đổi tiền. Sau đó là tìm những món lạ để đớp, rôi mua sắm thêm ít lương thực mang theo. Trong dịp này, tôi được thưởng thức món xúc xích tươi nướng của Ba Lan. Một loại xúc xích thơm ngon với những gia vị mà tôi vẫn chưa đoán ra. Ngoài ra đùi gà nướng họ bán tại chợ trời tôi cũng thích, họ cũng biết ướp gà với gia vị rồi với nướng (tôi thấy ở Đan Mạch hay bên Đức, thì họ chẳng biêt ướp gì cả). Khi khách hàng mua, khách cứ chỉ cái dù nào, họ mới đem lên cân và tính tiền theo trọng lượng. Món này ăn chung với bồ tạt vàng và bánh mì. Phải nói thời ấy bên các nước Đông Âu cũ, bánh mì họ làm còn tệ lắm. Làm tôi tưởng nhớ đến cái loại bánh mì, mà hợp tác xã bán cho dân mình vào thời bao cấp ấy. Đoạn đường đầu thuộc lãnh thổ của Ba Lan cũng khá nhiều đồi núi, mà từ ngày rời Đan Mạch đến giờ, chúng tôi không có ngày nghỉ. Nên khi đạp tới một cái làng nhỏ, thấy họ có hệ thống đường rày xe lửa tới Wrocslaw. Hai thằng tôi chọn phương án công tử bột.
Nhân viên đường sắt của Ba Lan họ vui vẻ và nhiệt tình vô cùng, nhưng họ lại không biết nói tiếng Anh hay tiếng Đức. Làm tôi phải vẽ trên tờ giấy: dấu mũi tên đến Wrocslaw, rồi vẽ tiếp hình 2 thằng que diêm+2 chiếc xe đạp=? tiền tệ Ba Lan thời ấy.
Đơn giản thế thôi là chúng tôi đã có 2 vé để xuống sân ga. Xe lửa của Ba Lan thời ấy không thể so sánh với xe lửa quê ngoại tôi, nhưng cũng sạch sẽ và rẻ bèo luôn.
Lâu ngày ở làng quê rừng rú, vào lại thành phố lớn làm cho chúng tôi hoa cả mắt. Tôi chưa kịp định hướng mình đang ở khúc nào khu nhà ga? để mò ra cái Hostel gần đó, thì có một anh trai đứng tuổi, đến gần chúng tôi chào hỏi bằng tiếng anh và anh ấy muốn giúp cho 2 kẻ ngơ ngác chúng tôi.
Thật là quá bất ngờ nên 2 thằng chúng tôi còn đang rụt rè. Thoạt đầu chúng tôi đoán chắc anh này là dạng cò KS gì ấy? mà thôi thấy anh ấy ăn mặc lịch sự với khuôn mặt tươi cười, tôi đưa cái địa chỉ cho anh ta xem.
Rồi anh ấy ra hiệu chúng tôi hãy đi theo và chỉ có vài phút sau, chúng tôi đứng trước một tòa nhà lớn. Anh ấy chỉ vào cái địa chỉ trên tường rồi chỉ vào cái địa chỉ trên tờ giấy mà tôi đưa anh ấy lúc nãy. Tôi yên tâm nhìn 2 địa chỉ giống nhau và chưa kịp nói câu cám ơn, anh ấy đã nhanh nhẹ bước xa chúng tôi.
Thật tế ra đoạn đường ấy quá ngắn, anh ây có thể chỉ, nhưng không hiểu sao? Anh ấy lại dùng thời gian đẻ hướng dẫn chúng tôi đến tận cửa? Phải nói thời ấy, người dân Ba Lan quá là dễ thương luôn. Điều này tôi có nghe đồn nhiều, nhưng bây giờ chúng tôi mới chứng kiến tận mắt.
Sáng hôm sau, ngày đầu tiên chúng tôi nghỉ đạp, để khám phá thành phố….Khi 2 thằng tôi dạo qua khu công viên của thành phố, thấy trong khu chợ trời có một số người Châu Á đứng bán quần áo. Cứ từng quày hàng, họ có vài cái giường xếp, thế là họ bày đầy quần áo trên ấy, để rao bán. Sau vài vòng đảo qua đảo lại, chúng tôi chắc chắn là mấy anh VC nhà mình đây, nên mới dám bang qua làm quen.
Dù là VC hay VK đi nữa, chúng tôi nhanh chóng trở nên thân mật và mấy anh ấy rủ chúng tôi chiều quay lại, đến giờ dọn hàng, chúng tôi được mời đến nhà các anh ấy chơi.
Anh Toàn, có tác phong như trưởng nhóm đi chợ mua 4 cái vó bò về làm đồ nhậu. Tôi và anh bạn tôi xin phép ra ngoài để lo vụ bia bọt.
Thêm một lần nữa, tôi chứng kiến sự dễ thương của dân Ba Lan, khi tôi trả khá nhiều tiền hơn là mớ bia tụi tôi mua. Anh bán hàng trả lại tờ bạc 500 cho tôi và ra dấu là to lắm, rồi anh ta thọt tay ra mớ tiền tôi xòe ra và chỉ lấy một tờ bạc giá trị nhỏ mà thôi. Đúng là dân quê lâu ngày vao tp. nó khác.
Thế là đêm ấy chúng tôi trao đổi lẫn nhau mọi chuyện trên trời dưới đất. Anh Toàn là được đi du học bên Bulgaria, nhưng vì hoàn cảnh của cuộc sống. Anh ấy đã dời sang Ba Lan cách đây vài năm, khi thấy bến này bán quần áo ngoài chợ trời, vậy mà cũng kiếm được kha khá tiền, để gửi về gia đình.
Còn những người bạn khác của anh Toàn, cũng phải nhờ quen biết và hao tổn tài chánh lắm , họ mới lo chạy chọt qua tới Ba Lan. Một trong những nước Đông Âu cũ, có nền kinh tế khá nhất của khu vục vào thời điểm ấy.
Tôi thấy cuộc sống của họ bấp bênh, không có tương lai, họ chỉ được phép ở tạm trú. Họ chỉ được phép nghĩ cách kiếm tiền từng ngày một, nhưng họ lại sống rất đoàn kết, đùng bọc nhau để sống, hỗ trợ nhau vốn để buôn bán và tìm cách giúp nhau gia hạn tạm trú, khi cần thiết…
Vào thời điểm ấy, hệ thống buôn bán giũa các nước Đông Âu cũ và các nước tư bản chưa được thông thương. Hàng quần áo nhái hay là hàng được may vá tại Việt Nam, bán rất là chạy tại các chợ trời, do người VN thống lĩnh.
Thậm chí quần jean hiệu Levis được mấy bố nhà mình may luôn tại chỗ. Mấy ả Ba Lan thích ăn mặt đẹp, nên họ chuộng loại quần này lắm và bao nhiêu họ cũng chi. Thế là mấy bố thợ may, thấy ẻm nào xinh đẹp là yêu cầu họ phải cởi tút tùn tụt, để lấy số đo cho nó chuẩn.
Về cái nhãn hiệu Levis, thì được làm tại ChoLon gì ấy. Cứ đồng chí nào có phép về VN, chỉ cần vác theo một cuộn tròn to với đường kính gần 20cm, về lại Ba Lan, là cũng đủ cái chi phí cho vé máy bay rồi đấy. Rồi các bộ khuy nút cho cái quần, cũng được nhập vào Ba Lan từ VN.
Những người ở xa quê hương như chúng tôi và nhóm anh Toàn, đều có chung một hoàn cảnh, chúng tôi luôn nhớ về quê nội. Ai ai cũng mơ ước một ngày nào đó kiếm đủ vốn, để quay lại VN sống cùng vợ con và tự tạo dựng nên sự nghiệp. Nhưng giấc mơ ấy mọi người đều biết, mấy ai thực hiện được.
Rịu chè no say chúng tôi ngủ lại nhà anh Toàn. Sáng hôm sau khi dọn hàng xong, anh Toàn mới chở chúng tôi về lại nhà nghỉ để lấy đồ. Tôi nghiệp cho nhân viên tại nhà nghỉ, họ thấy chúng tôi về lại, họ mừng lắm vì cả đêm qua, họ lo lắng không biết chúng tôi ở đâu? Sao không về?
Chúng tôi dọn đô về nhà anh Toàn ở lại chơi thêm một ngày nữa. Mấy khi anh em xa lạ trên đường lại có dịp trò chuyện vui vẻ như đêm hôm qua?
Mấy bữa nay tôi không thể tài nào tìm ra được quyển hồi ký về chuyến đi ngoạn mục củ tôi và anh bạn, 20 năm trước đây. Cuốn hồi ký ấy chỉ đơn giản ghi chép lại ngày tháng và những địa danh mà chúng tôi đạp qua thôi. Còn những ký ức đẹp, tôi luôn ghi nhớ trong đầu. Tuy nhiên sau nhiều năm không bàn bạc tới, một phần câu chuyện, cũng đã đi vào quên lãng.
Sau 2 ngày nghĩ dưỡng tại Wrocslaw, chúng tôi chia tay với những người bạn mới quen và tiếp tục đạp túc tắc hướng tới Tiệp Khắc. Cung đường này cũng lắm đồi núi, nhưng sau 2 ngày nghĩ dưỡng, đã cho chúng tôi sức khỏe mới, để vượt qua một cách dễ dàng.
Tôi còn nhớ, khi qua tới Tiệp Khắc, người dân địa phương hướng dẫn chúng tôi cứ yên tâm hứng nước khe từ vách núi dọc ven đường mà uống. Ngay từ ngụm nước đầu tiên, chúng tôi vẫn nhớ mãi, sao chỉ là nước lã, mà lại ngon đến thế?
Gần ranh giới là một ngôi làng nhỏ với thẳng cảnh thơ mộng. Bên cạnh thiên đường ấy lại có một cái nhà hàng ven bờ hồ nhỏ nhỏ. Lần đầu tiên của cuộc hành trình, chúng tôi quyết định dừng lại nhà hàng này dùng trưa và không cần đạp đi đâu nữa.
Tôi vẫn còn nhớ lần đầu tiên được ăn ragout với bánh mì hấp, thấy cũng là lạ, nhưng cũng còn ngon hơn ổ bánh mì nướng của Ba Lan đôi lần (ổ bánh mì dai cứng, giống thời kỳ bao cấp ở VN, phải đứng xếp hàng mới có ấy). Đã lỡ vào quán ăn rồi thì sau bữa ăn cũng nên thưởng thức ly cà phê! ối giời ơi là tệ, không có một câu gì để mà tả được.
Sau bữa ăn, mới đến phần thưởng thức bia. Ôi mẹ bà ơi, sao lại ngon tuyệt với đến thế? Cả 2 thằng chúng tôi không phải là bợm bia, mà cũng phải gật gù khen lấy khen để. Rồi mỗi thằng phải quất thêm ly nữa mới hả dạ.
Lúc vượt qua ranh giới sáng nay, chúng tôi có gặp một nhóm bọn nhóc dân Ba Lan. Chúng nó cũng đạp qua ranh giới chơi trong dịp cuối tuần. Thấy chúng cấm lều bên bờ hồ. Chúng tôi cũng bang dzô hòa đồng cho nó vui.
Chỉ mới thoát khỏi thiên đường chưa tới 5 năm, mà nhóm trẻ này có thể trò chuyện tiếng anh với chúng tôi lưu loát như chim sẻ hót, không còn một ranh giới nào ngăn cản sự vui nhọn của chúng tôi nữa.
À thì ra các cậu bé này đã mê phải những giọt nước quá ngon của xứ bạn. Nên chúng lâu lâu để dành ít tiền, đạp qua đây uống ít bia vào dịp cuối tuần, rồi về. Thì ra cái bãi cỏ này, là nơi tá túc quen thuộc của bọn chúng.
Thấy chúng nó cũng dễ thương, nhưng tiền bạc không mấy rủng rỉnh (thấy kiểu cầm chai bia vân vê trên hai bàn tay cả tiếng đồng hồ, là bói ra được ngay). 2 thằng tư bản giẫy đành đạch tôi bèn bao chúng một chầu xúc xích cho buổi lửa trại đêm nay. Mớ xúc xích tươi mà chúng tôi sưu tầm từ bên Ba Lan, được mang ra chén sạch.
Từ khu ranh giới Ba Lan và Tiệp Khắc, chúng tôi đạp tiếp một đoạn gần tới Praha và đoạn cuối, chúng tôi đi xe lửa vào khu trung tâm cho tiện. Ở thời điểm đó, xe lửa của Tiệp Khắc cũng hiện đại lắm, trên toa có chỗ đế xe đạp hẳn hoi.
Theo tôi thấy, người dân Tiệp họ rất lịch sự, hơi khép kín, không có cởi mở như dân Ba Lan. Chúng tôi không có khả năng làm quen với ai cả.
Chúng tôi ở lại cái thủ đô rộng lớn này một ngày, để chiêm ngưỡng những cái kiến trúc đẹp cổ kính. Trong sự suy nghĩ của tôi, thành phố bên dòng sông Vltava thơ mộng, đẹp chẳng thua kém gì thành phố Paris.
Chúng tôi cũng ghé lại một vài quán bia của thành phố để thưởng thức. Nhưng vẫn không nơi nào để lại cho tôi một hương vị ngon kỳ lạ, như ly bia tươi ngay vùng biên giới, tại làng Pastiny.
Tiếp tục cuộc hành trình, chúng tôi đạp tiếp qua Brastislava, rồi tiến thẳng đến Budapest.
Để cho chuyến đi dài ngày thú vị và hành trang thật gọn nhẹ. Chúng tôi phải chuẩn bị tuyến đường cho kỹ, chỉ mang theo những thứ cần thiết. Các tài liệu hay bản đồ, tôi đều in lại, đi đến đâu dục bỏ cho gọn.
Cũng tuyệt đối không được mua quà lưu niệm, chỉ được mua Post Card gửi thăm gd và bạn bè thôi. Vào thời điểm ấy, muốn gọi điện về thăm người nhà cũng không đơn giản đâu.
Tuyến đường chúng tôi chọn, là những con đường làng bé nhỏ. Đi những tuyến đường ấy vừa thú vị và đỡ nguy hiểm, không bị các xe tải lấn ép.
Có những lúc con đường trước mặt chúng tôi kết thúc, thế là phải đẩy xe ngang qua một cánh đồng trồng cây cải nồng. Tiện thể ngắt vài lá để xào cho bữa chiều.
Tôi nhớ một đoạn đường bên Hungary, chúng tôi phải vượt qua một con sông nhỏ, không có cầu. Ai ngờ đến nơi cũng có phà đưa qua sông, một dạng xà lang nổi, vừa đủ cho chiếc xe tải nhỏ đậu. Cơ khí là người kéo (chuyên hơi kỳ lạ với chúng tôi). Qua bên kia sông, chúng tôi không cần phải trả tiền, lại thêm một cú ngạc nhiên nữa.
Lúc khởi đầu thời tiết hơi lạnh, đôi khi chúng tôi phải đeo thêm găng tay. Càng đạp về phia Nam thời tiết cang ấm lại. Áo len, găng tay, khăn quàng cổ… những thứ không cần dùng nữa, chúng tôi vất lại hết.
Vì thiếu kinh nghiệm, chúng tôi không có thủ kem thoa nắng theo. Tuy là cái mùa xuân của bên Đông Âu thời ấy không có nắng gắt. Nhưng ở ngoài đường cả ngày, 2 cái *** tai của chúng tôi bị cháy đen thui. Cũng may là 2 cái má và cái mũi tẹt đã có cái nón che, nên chỉ bị nám chút chút.
Những chặng đường của chúng tôi đạp qua từ khi rời Đan Mạch cho tới Hungary: Gelting-Kiel-Lubeck-Schwerin-Bork-Berlin-Cottbus-Wroclaw-Klodzko-Pastviny-Praha-Brastislava- Budapest.
Chúng tôi cũng thích khám phá ẩm thực trên đường phố, nhưng rất tiếc lại không thấy một món nào hấp dẫn cả (thời đó ở Budapest mới 6-7 giờ chiều tối, đường phố đã hoang vắng). Đành phải ghé tiệm tạp hóa, mua ít đồ về lại phòng KS lén lút nấu cơm ăn, (phòng KS có view ra bờ sông Danube hẳn hoi). Cũng may là ks đó chưa có hệ thống báo cháy.
Khi đạp trên đất Hungary, có một điều mà cả tôi và bạn tôi thích, đó là bánh ngọt và kem của họ. Chắc cũng có lẽ hoạt động nhiều, nên cơ thể chúng tôi lúc nào cũng đòi hỏi chất đường. Mà tôi thấy kem họ ngon thật.
Trong các món ăn mặn, thì chúng tôi đã thử qua loại xúc xích họ thường nướng ở các khu họp chợ trời và cả món cá chiên nữa. Chẳng có món nào ngon hết, xúc xích toàn độn cơm trong đó. Cá thì chiên chưa chín, mà thời đó chúng tôi chưa biết ăn sushi.
Có một buổi sáng khi đã đạp ra khỏi nhà nghỉ một đoạn khá xa. Tôi mới phát giác phần tiền tôi giấu ở phòng trọ đêm qua, tôi để quên lại rồi. Thế là 2 thằng phải đạp ngược lại, may quá, bà chủ chưa dọn phòng và vui vẻ cho phép tôi vào phòng để tìm lại đồ. Thật là mừng húm khi thấy túi tiền vẫn còn nằm ấm áp trong cái gối.
Như tôi đã nói, thời đấy làm gì có màn kéo thẻ. Chỉ có traveler’s cheques thôi, bất tiện lắm, cứ phải ghé các thành phố lớn mới rút tiền được. Trong khi đó vừa mất cước phí 2% và giá đổi lại bèo hơn là giá cả chợ đen. Nên với đồng tiền ít ỏi, chúng tôi thủ tiền mặt cho dễ. Thời đấy bên Đông Âu cũ, họ chuộng tiền D-Mark, thể là chúng tôi thủ tiền D-Mark và US $ cho tiện. Mà gặp cướp hay rớt mất là chỉ có quành đầu về.
Đến mỗi nước, việc dự đoán đổi bao nhiêu tiền, cũng là vấn đề nhức đầu. Mỗi lần bước qua ranh giới một đất nước mới, chúng tôi chỉ đổi rất ít, chỉ đủ dùng cho 1-2 ngày. Vì đổi chợ đen, nên luôn luôn sợ bị lừa và sợ khấu xuất thấp. Cũng may chúng tôi chưa bao giờ đụng phải điều xấu này.
Đổi nhiều quá, khi rời ranh giới, lại phải dùng số tiền đó, đổi qua ngoại tệ xứ bạn, như thế cũng bị lỗ một chút. Nếu đi lang bang mấy tháng trời như chúng tôi, nếu không biết cách kéo dãn đồng tiền, coi như là hỏng việc.
Đổi ít quá, đôi khi đến một cái làng nho nhỏ, lại hết tiền chợ búa, mà cũng chẳng ai đổi giùm cho, đôi khi cũng bị đói meo.
Đi được vài ngày trên đường, chúng tôi cũng rút ra được ít kinh nghiệm. Khi chuẩn bị dời khỏi một đất nước, số tiền còn lại là mua lương thực mang theo cho hết. Mua sao cho vừa đủ hết số tiền mà không còn dư đồng cắc nào, thế mới tài chứ (không giữ được bất cứ đồng cắc nào để sưu tầm).
Chi phí cho việc đớp đó là điều cần thiết, việc đó chúng tôi không thể hà tiện được. Chi phí chỗ tá túc qua đêm, chúng tôi luôn chọn những nhà nghỉ rẻ nhất. Nếu có khu cắm trại thì chúng tôi lại ngủ lều. Nơi nào yên tĩnh là ngủ ngoài thiên nhiên, nên khi nào có điều kiện tắm là sexy 50 phần 100, dù là nước suối có lạnh bao nhiêu có teo cà tút cũng đành chịu. Chứ mồ hôi mồ kê trên người thì không sao chịu nổi.
Cuộc hành trình của chúng tôi tiếp tục đạp đến nước Rumania. Ấn tượng xấu mà tôi nhớ, đó là khi qua cửa khẩu. Tuy là họ không làm khó dễ gì về vấn đề giấy tờ, nhưng thấy lính ranh giới ăn mặc bê bối với trang bị xúng ống đến tận răng. Làm tôi cảm thấy ngột ngạt.
Vùng gần ranh giới hơi vắng bóng người và nhà cửa lưa thưa. Mới đi một đoạn đường ngắn, chúng tôi đã thấy 3 chú chó và một chú mèo, bị xe cán chết, đang nằm với nhiều tư thế ghê tởm trên đường. Tôi thấy sao họ lại man rợ đến thế? Chứ ở VN mấy chú chó mèo kia sẽ có người đưa đi cấp cứu ngay.
Nhà độc tài Nicolae Ceausescu đã bị xử tử 5 năm về trước, nhưng những vết thươnng còn để lại dấu vết rõ rệt. Người dân bên này tôi cảm thấy còn nghèo nàn hơn những xứ xở mà tôi vừa đi qua.
Đôi khi có vài trường hợp, họ không chặng đường chúng tôi, mà từ xa họ hỏi chúng tôi muốn đổi đô la không? Chúng tôi chưa hề gặp vấn đề này bao giờ.
Lần đầu tiên chúng tôi chứng kiến cảnh người dân Gypsy, họ sống ngoạn mục trên xe ngựa giữa những cánh đồng xanh bát ngát.
Đạp qua khu ranh giới một đoạn, chúng tôi gặp 1 anh bạn già với hành lý lỉnh kỉnh trên chiếc xe đạp cũ kỹ trướcc mặt. Biết anh già này cũng cùng dòng máu đây, cho nên chúng tôi đạp theo và bắt chuyện.
May sao gần đó có điểm dừng chân và chúng tôi ghé lại để dùng bữa trưa. Anh bạn già này mời chúng tôi bánh mì và salami, một cây salami ngon và tò đùng từ xứ Hungary. Chúng tôi mời lại anh dìa tách trà nóng.
Lúc trò chuyện tôi mới biết anh già này lúc đó là 50 tuổi, người Đức và cũng đang đạp xe du ngoạn bụi khắp Châu Âu. Ânh này mới đạp một vòng lớn bên Liên Xô về tới đây.
Sau bữa ăn trưa thân mật, chúng tôi lại chia tay nhau, vì tuyến đường chúng tôi đi không cùng hướng.
Tôi nhìn bản đồ, thấy đoạn đường trước mặt chúng tôi phải vượt qua một dãy núi, đồng thời những gì chúng tôi chứng kiến vài tiếng đồng hồ qua. Chúng tôi thấy xứ xở không thích hợp với chúng tôi và chúng tôi quyết định đạp tới Arad và sẽ đón xe lửa đến Constante. Chúng tôi không muốn dùng nhiều thời gian ở những nơi mà mình không thích.
Đến Arad, chúng tôi ghé thẳng tới nhà ga và hỏi mua vé. Khi thấy nhân viên ở đây họ không giao tiếp bằng tiếng Anh, tôi phải lấy giấy bút ra vẽ them vào 2 chiếc xe đạp. Họ hiểu nhưng họ giải thích là vé cho xe đạp là không cần thiết.
Chúng tôi đợi chuyến xe của mình cũng không lâu. Khi lên xe lửa, đến lúc kiểm soát vé thì chúng tôi gặp vấn đề. Nhân viên kiểm soát vé trên xe lửa làm khó dễ về vấn đế thiếu vé cho 2 chiếc xe đạp. Ho ra hiệu chúng tôi phải trả thêm.
Tôi móc tiền ra hỏi bao nhiêu là đủ. Thấy họ chỉ vào tờ giấy bạc có giá trị cao nhất, là tôi tự hiểu tụi này muốn gì. Cái thói ăn tham này mình đã quen thuộc quá, một xã hội độc tài đã tạo nên những con người thế nầy. Tuy là đã bị chấm dứt cách đây 5 năm, nhưng vẫn còn đòi hỏi một thời gian dài, để người dân tiếp thu một văn hóa mới.
Tôi đút tiền trở lại vào túi và ra hiệu là không trả. Thế là đến trạm dừng tới, họ đá đít chúng tôi ra khỏi xe.
Tôi lại phải đến phòng vé của sân gà này phân bua. May cho tôi cùng lúc ấy có một vị khách gần đó có tính tò mò. Ông này biết chút tiếng Đức và muốn giúp tôi lý giải sự việc. Cũng nhờ tôi bập bẹ được vài câu, nên chẳng khó khăn gì, ông ta đã giúp tôi mua thếm 2 vé dành riêng cho xe đạp. Còn 2 vé vừa rồi chúng tôi cứ giữ lại và dùng tiếp cho chuyến tới.
Khổ cái là lúc này đã gần tối mà chuyến xe lửa đến sáng sớm mai mới có. Thế là chúng tôi phải ngủ lại trong nhà ga. Ông khách giúp tôi việc mua vé lúc nãy cũng phải đợi chuyến xe lửa sáng mai. Nên ông ấy cứ khoái ngồi cạnh bên tôi và trò chuyện mãi. Tôi vừa mệt, người đang con bực bội về những sự kiện của ngày hôm nay, vừa đâu có biết nhiều tiếng Đức, mà cứ ngồi ráng nghe lão này nói chuyện, làm tôi cảm thấy khó chịu thêm.
Chúng tôi có bàn luận là chia nhau ngủ để một người thức mà canh đồ, vì mình không thể tin tưởng ai hết. Tối hôm đó tôi đã cho anh bạn tôi ngủ yên và mình tôi ngồi chịu trận với lão nói dai này cho tận tới mờ sáng.
Chiều hôm đó xe lửa chúng tôi mới tới Constanta, một thành phố cảng nhỏ thuộc Biển Đen. Chúng tôi tình cờ tìm thấy một khu cấm lều và xin phép được cấm lều ngủ tại khu ấy. Lạ thay những cái lều này chắc thuộc dạng tiễn lãm, nên tối hôm đó chúng tôi chẳng thấy một bong mà nào xung quanh hết. Bên ngoài cổng vẫn có bảo vệ canh gác, giúp cho chúng tôi có một giấc ngủ bình yên vô sự.
Sáng hôm sau chúng tôi sẽ đạp tiếp qua Balgaria, chúng tôi không còn cách ranh giới bao nhiêu xa nữa, chúng tôi sẽ đạp tới Kavarna.
SẼ CÒN TIẾP, đang mất hứng viết, :)
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Labels
Popular Posts
-
Bạn có biết rằng, tôi đã mang củ cải ngựa này về quê nội để trồng, hơn10 năm trước đây rồi không? và tôi đã không thành công. Lần thử ng...
-
Đối với tôi, Phở nếu nấu ngon, (tôi đang đề cập về món phở bò mà thôi nhé), là món súp vô địch toàn cầu. Vâng tôi dám khẳng định thế, vì ...
-
Hôm nay tôi xin giới thiệu các bạn về củ Sá Kiếng hay Xá Kiếng gì đấy. Tôi chỉ biết củ này có thể mua tại vài chợ, vùng Cholon thôi. Ngườ...
-
Chúng tôi vô cùng thương tiếc báo tin Anh NGUYỄN THANH TÙNG "Tùng Xích lô" Người nghệ sỹ ẩm thực Gã đầu bếp lãng du Một n...
-
Nếu nói về rau khô hay rau thơm khô, thì tôi thấy VN mình có ít sản phẩm lắm. Xứ mình chỉ có: dừa khô, xả khô, ớt khô, gừng khô, nghệ khô...
-
Nếu bạn được tặng1 cái lu, để mùa mưa hứng nước. Dzậy mùa không mưa, bạn dùng cái lu đấy làm gì? Cái lu cũng là cái chum, cũng là cái lú m...
-
Xin hỏi có bác nào biết gì về trái ni không? Mới đầu tôi tưởng là dây chùm bát, nhưng nhìn gần thì thấy giống chanh dây. Để ngày mai sẽ mổ...
-
https://www.facebook.com/ScienceNaturePage/videos/1308343825964539/UzpfSTEwMDAwNTU0NzQyNTkyMDo4NjYzNDMzNTY4OTM5MDQ/
-
Đến thăm anh anh Toàn ,một nghệ nhân ưu tu về điêu khắc của xứ Thừa Thiên, Huế. Được chính anh ra hồ mò bắt con cá trén của phá Cầu Hai, m...
-
Sau nhiều năm thắc mắc. Có lẽ tôi mới tìm hiểu được, sự khác biệt hay không khác biệt, giữa tô hủ tíu Mỹ Tho, hủ tíu Sa Đéc hay hủ tíu Nam...
đọc đang đã, đành hóng tiếp zậy
Trả lờiXóa:)
Trả lờiXóaHóng
Trả lờiXóa