Thứ Hai, 13 tháng 11, 2017

Chè cổ thụ Suối Giàng

Tôi chạy qua Nghĩa Lộ khoảng hơn 10 cây số, tôi rẽ trái đi Suối Giàng. Tôi nghe nói đoạn đường dài 12 km này nhà nước đã làm cách đây 10 năm rồi. Đường tuy hẹp nhưng rất còn tốt và hoang vắng. Đường cứ lên dốc cho tới xã Suối Giàng. Ngay trung tâm xã, tôi thấy có vài điểm bán chè Shan Tuyết, nhưng tôi nghi ngờ vveef chất lượng, vì nơi ấy là của người Kinh, nên tôi rẽ vào bản Pang Cáng để tìm tòi. Hên quá tôi lại gặp môt anh bạn trẻ người Hmông, và anh ta mời tôi về nhà anh ấy thăm quan cách anh ấy làm chè.




Lúc ấy, những người hái chè chưa về, anh ta dẫn tôi ra phía sau vườn chè, để tôi tận mắt nhìn thấy những cây chè cổ khoảng 200-300 năm. Những cây chè cỗ ở đây, được người Hmông thường xuyên chặt ngọn, không cho chúng phát triển lên cao tự do như là cây chè Tuyết ở Hoàng Su Phì, Hà Giang. Cây chè ở đây hoàn toàn là mọc thiên nhiên, không hề có phân bón hay thuốc kích thích gì cả.
Tại xã Suối Giàng chỉ có người sấy chè hay còn gọi là sao chè, mới biết được lá chè hái từ vườn nào. Những cây cổ thụ từ 2-300 năm bây giờ còn ít lắm. Tôi nghe nói là chỉ có chè thuộc bản Pang Cáng và bản Mới, coi như là chè ngon nhất của vùng này, và khu vực này nằm ở độ cao khoảng 1000 mét mà thôi. Khu trên đỉnh mới cao tới 1400 mét và trên đó cây chè cho một sản phẩm chát hơn.
Anh bạn trẻ, tên Của đã nhiệt tình mời tôi ở lại đẻ giám sát những giai đoạn mà anh ta làm ra sản phẩm. còn chứ nếu tôi mà lên đây mua chè mà mang về, tôi sẽ chẳng hiểu gì cả. Tôi không cần lưỡng lự và chấp nhận lời mời của anh ấy ngay.




Người dân Hmông chỉ đi hái lá chè non vào lúc buổi sáng và buổi chiều. Nếu lá chè mà để lâu hay để trong bọc kín sẽ bị ủng và coi như là không thể sấy chè được. Vào khoảng giữa trưa, những người hái mà anh ta biết, họ đến giao lá chè mới hái về. Thường là chè tổng hợp, loại này giá thấp nhất. Nếu có nhu cầu riêng của khách thì có loại gọi là một búp 2 lá. Cao cấp hơn tý nữa là 1 búp một lá. Cao cấp nhất là chỉ búp không. Loại trà này được khách Trung Quốc yêu chuộng và chỉ có những lò lớn mới làm sản phẩm này thôi.
Của cho tôi biết là nếu hái búp không thôi, thì những lá non sẽ bị héo theo, và phải mất đến gần 2 tuần sau cành chè mới nẩy được búp mới. Coi như người dân vì đồng tiền béo bở trước mắt, họ tự làm hại đến bản thân của mình. Đồng thời họ cũng nảy ra những tật xấu, mà người dân tộc trước kia không biết, đó là hái trộm búp chè lẫn nhau.



Khi nhận được mớ lá chè tươi, là Của liền phải đốt lò lên cho nóng. Sau đó anh ta cân đủ một trọng lượng lá nhất định, và ném vào lò. Lò lúc này đang nóng và có moteur tự quay. (Nếu nói sao chè bằng chảo với tay trần như các cụ hồi xưa, đó chỉ là dĩ vãng mà thôi.)
Giai đoạn sấy héo đợt đầu rất vất vả, Của cứ phải dút củi vào lò liên tục, rồi lâu lâu anh ta phải thọt tay vào lò để rờ và vo lá chè. Với kinh ngiệm, anh ta biết lúc nào sẽ lấy ra. Lúc đó anh ta bật công tắc cho moteur chạy ngược lại và vòng xoáy bên trong sẽ làm cho chè đẩy hết ra ngoài. Anh ta sẽ hốt mớ chè ấy (lúc này lá chè chỉ bị héo thôi và độ ẩm của lá vẫn còn) và cho chúng vào một máy se lá. Máy ấy sẽ giúp cho lá chè se tròn lại. Trong lúc đó anh ta lại tiếp tục cho mẻ thứ hai. Khi chè được se xong, Của cho chúng vào mấy sấy thứ hai, giai đoạn này sẽ sấy cho chè đã được se lại thật khô. Khi xong, anh ta cho chè lên một cái lưới và rải đều chè lên mặt lưới cho mau nguội. Đồng thời những cái cám chè sẽ lọt xuống dưới, đó là sản phẩm rẻ tiền. Khoảng một tiếng sau chè nguội, coi như là xong, sản phẩm có thể bỏ vào bịch.
Mùa chè chỉ có từ tháng 4 cho tới tháng 11 dương lịch. Trong thời gian đó anh bạn trẻ Của, sẽ phải sao chè từ 12 giờ trưa và có nhiều ngày đến 12 giờ tối anh ta mới xong việc. Vào mùa đông coi như anh ta không có làm nghề sao trà nữa. Mà phải làm các nghề khác.
Hôm nay lại rất đặc biệt vì có một anh khách hàng từ Sơn Thịnh lên đây, và anh ta tận đến một vườn chè mà anh ta quen biết. Anh ta và 4 người khác tự hái chè lấy. Họ hái một buổi mà chỉ được có 28 cân. Sau đó anh ta mang mớ chè mới hái đến, nhờ Của sao dùng. Anh ta đợi cho sản phẩm sao xong, và cầm về xuống núi. Trung bình để được 1 kg chè khô, họ cần phải sấy 5 kg lá tươi.
Anh ta cũng cho tôi biết là ở dưới núi, gia đình anh ta cũng có một vườn chè và anh ta chỉ thu hoạch và bán lá tươi cho các công ty sao chè. Chính bản thân anh ta cũng chưa bao giờ uống loại chè đó.
Ngày hôm qua, tôi không thèm ghé mua chè Tuyết, khi chạy ngang qua Sơn Thịnh. Sáng nay tôi đã nghi ngờ đám bán chè người Kinh mình, ngay khu trung tâm Suối Giàng, giờ thì tôi không còn thắc mắc gì nữa, tôi đã chứng kiến từ đầu cho tới cuối. Đúng là chiều tối nay, tôi ở lại núi, đã giúp cho tôi mở mang trí tuệ về chè thật nhiều.



Chiều nay cũng vì dành thời gian tiếp tôi, nên Của không nhận sao chè cho đợt hái buổi chiều. Anh ta đã giết một con gà đen đãi tôi, và còn mời thêm một anh bạn trẻ tên Sụa đến để trò chuyện với tôi.
 Trò chuyện với họ, tôi cũng kể cho họ biết là tôi đã thấy bao nhiêu nền văn hóa của người dân tộc bị người Kinh hủy hoại. Giờ đây tôi lại chứng kiến những người Hmông nơi đây cũng đang bị người Kinh đến phá rối một sản phẩm thật quý giá của họ.
Tôi thật là mến lòng hiếu khách của 2 anh bạn trẻ. Đợt tới tôi ghé, họ hứa sẽ chỉ cho tôi biết thêm một vài món ăn truyền thống của họ.

Vào buổi tối trên Suối Giàng thật là mát và tôi đã có một giấc ngủ ngon, tại nhà anh bạn trẻ tôi mới quen.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét